Khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế của từng địa phương
Các địa phương ký cam kết thông quathông qua Kế hoạch điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn 2017 – 2020 |
Khẳng định vị thế đầu tàu kinh tế khu vực miền Bắc
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ bao gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc có vai trò là vùng trung tâm đầu não về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ của cả nước, với các cơ quan Trung ương, các trung tâm điều hành của nhiều tổ chức kinh tế lớn, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ của quốc gia; là vùng hạt nhân phát triển, lãnh thổ động lực của vùng đồng bằng sông Hồng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, việc phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có ý nghĩa rất lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Đặc biệt, năm 2016, bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen, nhưng với quyết tâm chính trị cao nhất, Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong Vùng đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phát huy tính năng động, sáng tạo, tận dụng tiềm năng, lợi thế, tăng cường hợp tác, phát triển đạt được một số kết quả quan trọng; từng bước khẳng định được vị thế là đầu tầu kinh tế khu vực miền Bắc.
“Với vị trí là Thủ đô của cả nước, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, là nơi đặt trụ sở các cơ quan trung ương, các cơ quan đại diện, ngoại giao, đặc biệt, với tư cách là Chủ tịch Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhiệm kỳ 2015 - 2016, Hà Nội luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2016, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,2%; thu ngân sách nhà nước đạt trên 173 nghìn tỷ đồng.
Tổng số vốn đầu tư xã hội tăng 10% so với năm 2015, đạt gần 278 nghìn tỷ đồng. Đã có trên 22.900 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 19% so với năm 2015. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, có thêm 01 huyện và 56 xã đạt chuẩn, đưa tổng số xã đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) của Thành phố lên 257/386 xã (đạt 66,58%).
Các lĩnh vực quy hoạch, đô thị, văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được củng cố vững chắc; quan hệ đối ngoại, hợp tác phát triển được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng”- Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.
Dự báo năm 2017 và những năm tiếp theo, tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức về nguồn lực, trình độ phát triển, sức cạnh tranh... đòi hỏi các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cần tăng cường sự đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ cùng nhau phát triển.
Bí thư Hoàng Trung Hải mong muốn thông qua hội nghị Thủ đô Hà Nội và các địa phương trong vùng cùng đoàn kết, chung tay, góp sức, nỗ lực hơn nữa, đề xuất được các giải pháp khả thi nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, phát triển toàn diện, khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, cơ hội của từng địa phương và toàn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; khẳng định vị trí, vai trò là một trong những vùng dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước phát triển, nhanh và bền vững.
Mở ra cơ hội mới
Tại hội nghị, các địa phương cũng thông qua Kế hoạch điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ giai đoạn 2017 – 2020. Trong đó mục tiêu là khai thác tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, cơ hội của từng địa phương và toàn Vùng trên nguyên tắc hài hoà về lợi ích, trách nhiệm và bình đẳng, cùng khai thác các cơ hội, lợi thế so sánh của vùng, cùng giải quyết các vấn đề chung của vùng. Qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị trí của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là một trong những vùng dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của cả nước.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, những kết quả được ghi nhận tại Hội nghị lần này sẽ góp phần mở ra cơ hội phát triển mới, với những thành tựu mới cho Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong đó, sự đồng thuận, thống nhất của 7 thành viên Hội đồng Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ trong Kế hoạch Điều phối phát triển Vùng giai đoạn 2017-2020 và Bầu Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng là Chủ tịch Hội đồng Vùng nhiệm kỳ 2017-2018 sẽ là bước đệm vững chắc để Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ bứt phá trong thời gian tới.
“Biên bản hợp tác phát triển toàn diện trên các lĩnh vực mà 15 tỉnh, thành phố ký kết đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực đổi mới phát triển và gắn kết các vùng thành chuỗi phát triển kinh tế bền vững của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô.
Nhân đây, tôi đề nghị các tỉnh, thành phố nhanh chóng cụ thể hóa các nội dung trong Kế hoạch điều phối và Biên bản hợp tác thành những nhiệm vụ cụ thể để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, động lực của mỗi địa phương và của toàn Vùng trên nguyên tắc hài hòa về lợi ích, trách nhiệm và bình đẳng”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị.