Khái nhiệm "vật quyền", "trái quyền"... không phải ai cũng hiểu!
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị cân nhắc khi sử dụng khái niệm vật quyền, trái quyền |
Cho ý kiến khi thảo luận về Bộ Luật dân sự sửa đổi sáng 25/11, đa số đại biểu cho rằng, Luật năm 2005 đã cho thấy nhiều bất cập cần sửa đổi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng phản ánh những vấn đề còn chưa rõ ràng so với luật hiện hành, dẫn đến vướng mắc trên thực tế chưa được xử lý.
Đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) thể hiện sự quan ngại về vấn đề chia di sản thừa kế, khi tranh chấp ngày càng xảy ra nhiều. Đại biểu đề nghị không nên bỏ quy định này và cần quy định nguyên tắc, xác định thời hiệu thừa kế cho phù hợp hơn.
Về quyền lợi của người thứ 3 ngay tình, theo đại biểu điều này đã mở rộng hơn so với luật hiện hành. Tuy nhiên quy định này vẫn còn xem nhẹ chủ sở hữu đích thực. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần giữ nguyên như luật hiện hành, chỉ sửa đổi theo hướng giao dịch có hiệu lực khi tài sản được bán đấu giá.
Trước thực tế nhiều vụ việc phải trả lại hồ sơ, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) tỏ ra băn khoăn vì trình độ dân trí của ta thấp và tòa án cũng chưa đạt đỉnh dễ dẫn đến oan sai nhiều. Khắc phục điều này, ông đề nghị phải có tính toán kỹ, khi xét xử phải căn cư vào luật, đưa ra xem có mâu thuẫn không.
Ông dẫn dụ về điều kiện được ly hôn và không được ly hôn, Luật của ta quy định, mục đích hôn nhân không đạt được và có mâu thuẫn trầm trọng thì cho ly hôn. Tuy nhiên khi ra tòa lại cho rằng những mâu thuẫn ấy không đến mức trầm trọng… Đại biểu đề nghị cần có sự cân nhắc giữa cái mới và cái cũ.
Nhiều đại biểu cũng tỏ ra băn khoăn về khái niệm "vật quyền", "trái quyền" mà luật hiện hành gọi là tài sản và quyền sở hữu tài sản. Đại biểu Thuyền đề nghị hết sức cân nhắc khi thay đổi thuật ngữ như vậy. Thực tế khái niệm "vật quyền" không phải ai cũng hiểu, còn quyền sở hữu tài sản thì đã trở nên quen thuộc.
Ông đề nghị nếu thuật ngữ đang dùng vẫn ổn định quen thuộc, có tính lâu dài và không gây hiểu lầm thì nên cân nhắc không nên sửa đổi. Còn nếu sửa thì phải chứng minh khái niệm mới tiến bộ hơn so với trước kia.
Cùng quan điểm đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu “thế nào là vật quyền?” và cho rằng khái niệm này nếu sử dụng sẽ gây khó khăn cho nhân dân. Do vậy đại biểu đề nghị nên sử dụng phương án một trong dự thảo để đảm bảo sự thống nhất về sở hữu toàn dân.
Đề cập đến khoản 2 Điều 45 của dự thảo quy định: “Trường hợp đối tượng của giao dịch là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ 3...”, đại biểu Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) cho rằng, quy định trên chỉ bảo về quyền lợi cho người thứ 3 nhưng không bảo vệ được quyền lợi ích hợp pháp cho chủ sở hữu.
“Quá trình giải quyết sẽ khó chứng minh được người thứ 3 có thật sự ngay tình hay không? Cho dù biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp ngoài ý chí của chủ sở hữu, nhưng nếu biết người thứ 2 trong giao dịch dân sự không còn khả năng thanh toán thì người thứ 3 sẽ không bao giờ thừa nhận họ biết, để không bị ràng buộc trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Như vậy quyền lợi của chủ sở hữu sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng” – đại biểu Bộ phân tích.
Trên cơ sở đó đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình như Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2005.