Khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI
Cùng dự Đại hội có ông Ngô Văn Dụ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, lãnh đạo một số ban, bộ ngành Trung ương, các mẹ Việt Nam Anh hùng và 348 đại biểu đại diện cho hơn 63.000 đảng viên trong Đảng bộ tỉnh.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015- 2020 với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết, huy động mọi nguồn lực; phấn đấu xây dựng Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.
Báo cáo khẳng định: Nhiệm kỳ qua, kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển. Sản xuất công nghiệp khẳng định là nền tảng của nền kinh tế; các ngành dịch vụ phát triển, dịch vụ du lịch có nhiều khởi sắc; nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,36%/năm. Tổng sản phẩm địa phương năm 2015 tăng 1,63 lần so với năm 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; đến nay, công nghiệp - xây dựng chiếm 62,12%; dịch vụ chiếm 28,11% và nông, lâm nghiệp, thuỷ sản còn 9,77%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân 8,1%/năm. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) bình quân đầu người đến năm 2015 ước đạt 67,1 triệu đồng, gấp 1,56 lần so với năm 2010.
Toàn cảnh đại hội |
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. An sinh xã hội được đảm bảo; thu nhập và đời sống của nhân dân được cải thiện, nâng lên. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 21,35 nghìn lao động; tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm, ước còn 2,5% vào năm 2015 và bình quân giảm 1,7%/năm (MTĐH giảm 1,5-2%/năm).
Quốc phòng - an ninh được giữ vững; chính trị, xã hội ổn định. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, xây dựng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đoàn kết toàn dân được phát huy. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng bộ đoàn kết, sáng tạo, nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong nhiệm kỳ, đã kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên được đẩy mạnh. Đã thực hiện nhiều biện pháp đối với các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng. Tỉnh ủy đã xây dựng, ban hành, bổ sung, sửa đổi nhiều quy định, quyết định về công tác cán bộ. Các khâu trong công tác cán bộ thực hiện đúng quy trình, quy định. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên.
Đại hội xác định mục tiêu của nhiệm kì 2015- 2020 là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7–7,5%/năm. Trong đó, công nghiệp – xây dựng tăng 7,0-7,5%/năm, dịch vụ tăng 10,5-11,0%/năm, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5- 4,0%/năm. Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: Công nghiệp – xây dựng 61,5%, dịch vụ 31,4%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 7,1%. Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GRDP hằng năm đạt 22-23%, năm 2020 thu ngân sách nhà nước khoảng 26.500-27.000 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 110 triệu đồng, tương đương khoảng 4.800 - 5.000 USD. Giải quyết việc làm bình quân đạt 19 – 20 nghìn lao động/năm. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm bình quân giảm 1,0 – 1,5%/năm (theo chuẩn mới giai đoạn 2016-2020). Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên bình quân hằng năm đạt 95%.... trong nhiệm kỳ 2015- 2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại Đại hội |
Phát biểu tại Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những thành tích nổi bật mà Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: Là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, Vĩnh Phúc cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ, trước hết là các ngành trực tiếp phục vụ phát triển công nghiệp như dịch vụ vận tải, kho bãi, tài chính ngân hàng, thương mại và các dịch vụ phục vụ công nhân, người lao động trong khu công nghiệp. Khai thác các tiềm năng lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ, có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển các trung tâm dịch vụ chất lượng cao và đầu tư vào hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, phấn đấu đưa dịch vụ, du lịch chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế.
Đồng chí Phạm Quang Nghị cũng yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá 11, gắn với việc đẩy học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt coi trọng việc chăm lo xây dựng sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, và coi trọng công tác quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ có đức có tài, vững vàng tư tưởng chính trị, khắc phục tình trạng hẫng hụt về cán bộ, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở, cán bộ trẻ, cán bộ nữ.