Kém đức, kém tài nhưng giỏi “chạy”, ngăn thế nào?
Đại biểu Quốc hội nêu chất vấn đối với Bộ trưởng Nội vụ ngày 18/11 |
Đại biểu Hùynh Văn Tính (Tiền Giang) nêu chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình tại phiên chất vấn.
Nêu băn khoăn về chính sách thu hút người tài, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) dẫn dụ trường hợp của GS Ngô Bảo Châu, khi mới đây Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói rằng không thể ký được mức lương cho GS Châu.
Dẫn dụ trường hợp này, đại biểu liên hệ đến một trường hợp TS tốt nghiệp ở châu Âu thi trượt viên chức, có liên quan đến quy trình tuyển chọn không chọn được người tài mà chỉ mang tính cào bằng. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng về cách thức giải quyết thực trạng này?
Đại biểu Hùynh Văn Tính (Tiền Giang) phản ánh tình trạng chạy chức, chạy việc ngày càng bộc lộ rõ, thậm chí nhiều nơi còn công khai, thực trạng tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, trí tuệ còn tồn tại nhưng ít người thừa nhận. Với chức năng tham mưu, Bộ trưởng nhận định thế nào? Có giải pháp nào để tránh tình trạng kém đức, kém tài nhưng giỏi “chạy”?
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cũng phản ánh thực trạng dư luận xôn xao việc thí sinh thi công chức nộp hàng trăm triệu đồng. Tình hình phát hiện, kết quả và giải pháp hữu hiệu thực trạng trên ra sao?
Tương tự, đại biểu Lê Thị Tám (Nghệ An) cũng đề cập đến thực trạng thi tuyển công chức, viên chức còn hình thức, dễ nảy sinh nhũng nhiễu, tốn kém, không phù hợp. Từ khi ban hành thi tuyển, Bộ đã tiến hành bao nhiêu cuộc thanh tra để phát hiện vấn đề cử tri phản ánh? Giải pháp khắc phục ra sao và khi nào thì có sự đổi mới thi tuyển công chức?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình vấn đề bằng cấp đang được xã hội quan tâm. Đầu vào thi tuyển sẽ sửa thông tư Bộ Nội vụ quy định. Trước khi tuyển sẽ thẩm định bằng cấp, nếu phát hiện bất hợp lý sẽ có chế tài xử lý, ngăn chặn ngay từ đầu vào. Để chống tiêu cực, chỉ thị 07 và chương trình hành động Bộ đã xây dựng toàn ngành, có nội dung thực hiện công khai minh bạch trong tổ chức và trách nhiệm giải trình của công viên chức, nâng cao đạo đức công vụ…
Liên quan đến tuyển dụng khi TS thị trượt viên chức, theo Bộ trưởng Bình, hiện đã có nghị định 29, ngoài ra còn có xét tuyển đặc cách. Trong đó có mấy tiêu chuẩn như tốt nghiệp loại giỏi trong nước ngoài nước, người có tài năng, năng khiếu phù hợp với vị trí việc làm trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…
Việc thi tuyển xét đặc cách do cấp có thẩm quyền lựa chọn. Nếu trường hợp TS Đặng Minh Tuấn, Hà Nội xem xét nếu đủ điều kiện tuyển thẳng vào trường Hà Nội Amsterdam thì hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên trên cơ sở việc xét tuyển còn phải phụ thuộc vào thang điểm quy đổi.
Giải pháp khắc phục bất cập trong thi tuyển, là phải thực hiện thường xuyên công tác thanh kiểm tra, thực hiện nghiêm và ứng dụng CNTT trong thi tuyển và quy trách nhiệm cho người đứng đầu.
Về bổ nhiệm, vẫn phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng. Để tránh tiêu cực, đối tượng này phải nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt. Theo Bộ trưởng Bình, nếu không có trong quy hoạch mà bổ nhiệm thì là bất thường.