Kẻ khóc, người cười vì đống tiền "mắc cạn"
Cho thuê nhà “hoang”, “bỏ túi” tiền triệu
Tá túc trong tầng 1 của căn nhà liền kề xây thô ở khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), chị Hòa ở Nam Định năm nay ngót 50 tuổi vui vẻ kể chuyện: Cũng may thuê được cái nhà này, chủ họ không có nhu cầu ở, vợ chồng tôi nấn ná thuê được với giá 5 triệu đồng/tháng. Căn nhà cao 4 tầng, mỗi tầng có 2 phòng, vợ chồng tôi tính ở tầng 1 thôi, còn các tầng khác cho thuê lại.
“Ngay sau khi về ở hôm trước, hôm sau dán giấy cho thuê nhà, chưa đầy 1 tuần các phòng đã có người đến thuê kín. Mỗi phòng tôi cho thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng, chưa có tiền điện nước”, chị khoe.
Căn biệt thự bỏ hoang được chị Hòa thuê với giá 5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Minh Thư
Với 6 phòng cho thuê nhân với mức giá trên, mỗi tháng chị kiếm được 9 triệu đồng, trả chủ nhà 5 triệu, còn lại chị cũng “bỏ túi” được 4 triệu đồng mỗi tháng, mà hai vợ chồng lại có chỗ ở tử tế.
Tuy nhiên, công việc quản lý các phòng, người ra vào hàng ngày cũng là vấn đề vì theo như lời kể của chị Hòa, đối tượng thuê trọ đủ các ngành nghề, từ sinh viên đến người bán hàng rong, công nhân. “Lúc nào tôi cũng phải ở nhà mở cửa, khóa cửa, trông xe… chứ không dám phát cho mỗi phòng cái chìa khóa vì cùng đi chung 1 cửa, hơn nữa, nhà lại gần đường đi lại nhỡ mất mát biết đổ tội cho ai”, chị kể.
Thậm chí, nếu ở quê có việc nhà thì vợ chồng cắt cử nhau, hoặc vợ, hoặc chồng về, còn phải ở lại trông nom nhà, chứ không dám cùng về.
“Ở khu đô thị này nhiều căn biệt thự rộng hàng vài trăm mét cũng được một người đứng ra thuê rồi cho thuê lại, không cần làm gì hàng tháng cũng đủ tiền tiêu”. Chỉ tay sang căn biệt thự đối diện chị nói tiếp: “Cái biệt thự kia hơn 200m2, được chia làm nhiều phòng cho thuê làm cửa hàng nên được giá, phòng thuê kinh doanh 5 triệu đồng/tháng, phòng nào thuê ở cũng phải 3 triệu đồng/tháng”.
Nhờ vậy, những căn biệt thự, liền kề mới xây thô, bỏ hoang, chủ nhân không ở lại trở nên hữu ích đối với những người nghèo, vô gia cư.
Vợ bán trà đá, chồng thợ xây.. thừa ăn
Vừa kết hợp ở nhà trông các phòng trọ, vừa để tăng thu nhập, chị Hòa còn mở thêm quán trà đá đối diện với căn nhà đang thuê. Chi phí để mở quán không nhiều nhưng lại mang lại thu nhập đáng kể. Chỉ cần chiếc bàn và ít ghế nhựa, bình nước sôi để nguội, một bình đựng đá và vài phích đựng nước nóng, chè khô cùng vài chai nước ngọt, kẹo lạc, hướng dương, thuốc lá… là có thể bán hàng ngày.
Theo người phụ nữ này, lượng khách của chị cũng khá đều các ngày vì toàn khách quen, mỗi cốc trà bán 3.000 đồng, cộng thêm các thứ nước khác, thuốc lá… trừ chi phí mỗi tháng cũng thu được 4-5 triệu đồng, đủ để mua thức ăn, chi phí sinh hoạt hàng ngày. Những lúc không có khách vẫn tranh thủ làm việc nhà, nấu cơm cho chồng được.
Vừa trông nom nhà cho thuê lại, người phụ nữ này vừa bán trà đá tăng thu nhập. Ảnh: Minh Thư
Mỗi người mỗi việc, càng thêm thu nhập cho gia đình, nói đến công việc của chồng, chị Hòa kể chuyện vẻ tự hào: “Ông xã nhà chị chăm chỉ lắm, lại khéo tay nên làm không hết việc, nhiều chủ thầu cứ gọi đi làm nào sửa nhà, xây nhà… đủ cả, họ trả công nhật mỗi ngày 300.000 đồng, ăn uống tự lo. Nếu làm đều đặn thì hàng tháng cũng được, còn hễ lúc nào rảnh việc thì ông xã lại chạy xe ôm kiếm thêm”.
“Những ngày cuối năm này, nhu cầu xây, sửa mộ rất nhiều nên ông xã cứ đi làm suốt, không được nghỉ buổi nào. Công việc ốp đá cho các mộ cần sự tỉ mỉ, khéo léo không phải thợ nào cũng kiên trì làm nên chủ thầu toàn gọi ông ý đi làm thôi, buổi trưa tranh thủ về ăn cơm vợ nấu, nước uống ở nhà mang đi nên chẳng tiêu đồng nào ngoài tiền đổ xăng xe đi đường”.
Đã ngót 50 tuổi nhưng vợ chồng chị vẫn bươn trải kiếm sống ở Hà Nội, đến nay đã ngót 7 năm. Chị bảo: Lao vào làm cũng là vì để nuôi các con ăn học thôi, nhà tôi còn một cô con gái út đang học cấp 3, sang năm thi đại học rồi nên cũng cần tích cóp tiền lo cho nó ăn học. Rồi còn 2 thằng con trai cũng sắp lấy vợ nên cố làm đến khi có cháu nội thì về quê trông cháu. Dù vất vả, nhưng ở Hà Nội còn dễ kiếm tiền hơn ở quê đi làm ruộng.