Kể chuyện trăm năm: Hồi đó làm tranh vui lắm!”

“Tranh thờ, tranh cảnh, tranh treo tường, tranh treo cửa buồng… mua xài tết cô bác ơi”. Tiếng rao sang sảng giữa sớm mai làm tôi nhớ những ngày giáp tết...

Khi ấy, hàng trăm chiếc ghe từ sông Ông Chưởng chở đầy tranh kiếng Chợ Mới (An Giang) tỏa đi khắp lục tỉnh. Vài chiếc rẽ vào rạch Cái Hố (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) trước nhà tôi và người phụ nữ ở mũi ghe cất tiếng rao lảnh lót. Cả xưa lẫn nay, trong lời rao người bán tranh không bao giờ có từ “kiếng”. Vì ở xứ này, hễ nói đến tranh thì nhất định phải là tranh kiếng.

Vàng son một thuở

Bức tranh kiếng đầu tiên tôi biết chính là bộ tranh trên bàn thờ tổ tiên của gia đình. Bộ tranh bốn bức: bức Phước Lộc Thọ, bức hoành, và hai tấm liễn hai bên. Mặt tranh đã ố vàng, loang lổ. Hai góc dưới bức tranh chính bị mọt mối gặm lớp giấy lót và bung góc. Trong căn nhà ba gian tinh tươm ở miệt Cái Hố, cứ trước ngày giỗ, cưới, hay tết, bà nội tôi lại tỉ mẩn lau chùi bộ tranh một cách nâng niu và cung kính. 

Ông giáo Quang bên những bức tranh ông vẽ mẫu hàng chục năm đến giờ vẫn được khách chuộng
Ông giáo Quang bên những bức tranh ông vẽ mẫu hàng chục năm đến giờ vẫn được khách chuộng

Theo lời má tôi kể, bộ tranh đã ở đó khá lâu trước khi má về làm dâu vào năm 1956. Nhẩm theo lịch sử hình thành làng nghề, có lẽ, gia đình tôi đã sở hữu một trong những bộ tranh kiếng đầu tiên của làng nghề tranh kiếng Chợ Mới. 
Tranh kiếng Chợ Mới là một trong ba dòng tranh kiếng nổi tiếng của Việt Nam, cùng với tranh kiếng Chợ Lớn và tranh kiếng Lái Thiêu.

Theo các bậc cao niên xứ Bà Vệ (xã Long Điền B, huyện Chợ Mới), kể từ năm 1950, nơi này từng có ngàn hộ làm tranh kiếng. Ông Huỳnh Minh Quang, 76 tuổi (ở ấp Long Thạnh 2, xã Long Giang, huyện Chợ Mới) hồi tưởng: “Khi tôi 7-8 tuổi đã thấy lác đác vài người làm tranh kiếng, nhưng đến năm tôi học lớp Bốn (năm 1955), người ta theo nghề nhiều lắm. Tôi nhớ kỹ những chi tiết này vì tôi rất mê vẽ, mỗi khi gặp ai vẽ là say sưa coi”.

Cũng theo ông Quang, tranh kiếng Chợ Mới là sự tiếp nối từ tranh kiếng Lái Thiêu, theo chân những thương lái buôn gốm sứ. “Ngày xưa, ghe chở gốm ở Bình Dương về đây, chở theo những bức tranh kiếng Lái Thiêu. Thấy tranh đẹp, lạ và đáp ứng tín ngưỡng thờ phụng, nhiều người đã mày mò làm theo. Vài người làm rồi cả xóm làm và dòng tranh kiếng Chợ Mới ra đời” - ông Quang kể.

Những nhân công gắn bó với nghề tranh kiếng
Những nhân công gắn bó với nghề tranh kiếng

Tuy đi sau, nhưng tranh kiếng Chợ Mới có đời sống riêng, và phát triển cực thịnh với dòng tranh thờ, tín ngưỡng: Cửu Huyền Thất Tổ, các vị thần linh của đời sống tín ngưỡng cộng đồng; hay tranh rồng phượng treo cửa buồng, tranh treo phòng khách, tái hiện những tích xưa như: Phạm Công - Cúc Hoa, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lưu Bình - Dương Lễ… Tranh kiếng Chợ Mới nhanh chóng thống lĩnh thị trường phía Nam, tạo nên thương hiệu làng nghề “Tranh kiếng Chợ Mới”, mang đến sự phồn thịnh cho người dân vùng đất cù lao Ông Chưởng. 

Những người nông dân, giăng câu, chài lưới… bỗng có thêm nghề mới. Tranh kiếng giúp họ phát hiện ra tài hoa của mình, bàn tay thô ráp quen lao động lại có thể tạo nên những nét vẽ mềm mại, những bức tranh sinh động, có hồn. 

Sự độc đáo của tranh kiếng ở chỗ phải vẽ ngược, tức mặt vẽ là phía sau tấm kiếng và mặt chính của tranh là phía còn lại. Vì vậy người vẽ phải tư duy ngược để họa ra bố cục hợp lý, chữ phải viết chạy ngược từ phải qua trái.

Nhắc đến tranh kiếng, không thể không nhắc đến ông Nguyễn Thanh Hòa - được xem là người đang giữ linh hồn tranh kiếng Chợ Mới. Ông Hòa đưa tôi đi thăm một vòng xưởng tranh ở ngay trung tâm làng nghề xưa (xã Long Điền B) với hàng chục công nhân đang tất bật hoàn thiện hàng tết. Ông Hòa kể: “Trước đây, đặc biệt là sau những năm 1980, vào dịp giáp tết là làng nghề tấp nập làm tranh, vui lắm. Nhà nhà làm tranh, người người làm tranh, phải làm cả ngày rồi xuyên đêm.

Nghệ nhân Lê Thị Tám - vợ ông Hòa - đang thực hiện bức tranh kiếng khổng lồ: 1m6 x 1m72
Nghệ nhân Lê Thị Tám - vợ ông Hòa - đang thực hiện bức tranh kiếng khổng lồ: 1m6 x 1m72

Người làm tranh chỉ lo tập trung làm ra sản phẩm, không bận tâm chuyện bán. Từ trẻ nhỏ đến người già, hầu như ai cũng tham gia một công đoạn làm tranh: người mài mực, người tách mẫu (vẽ mẫu), người sơn tranh, người tán màu, người đem tranh phơi nắng, người đóng khung tranh, người lau chùi kiếng… Trên bến dưới thuyền nhộn nhịp, thương lái chờ nhận tranh, rồi tỏa đi bán khắp nơi. Xong một mùa tranh là dân làng và thương lái có một cái tết ấm no, sung túc”.

Nhọc nhằn giữ nghề 

Thời hoàng kim đã qua. Từ hàng ngàn hộ làm tranh, giờ cả huyện còn lác đác vài hộ. Dịch COVID-19 quét qua, làng nghề càng thêm ảm đạm, chỉ còn hai cơ sở tranh lớn của ông Nguyễn Thanh Hòa và ông giáo Quang hoạt động cầm chừng.

Một ngày đầu tháng 12, tôi đến làng nghề giữa trưa. Vừa xuống dốc cầu Bà Vệ, rẽ phải vào ấp Long Tân, xã Long Điền B, là gặp con đường bê tông vắng lặng. Khó tin được rằng, đây từng là con đường sầm uất, nhộn nhịp nhất huyện. Những năm thập niên 1980, mỗi lần ngang qua đây, tôi lại xin chị gái đạp xe thật chậm để ngắm tranh phơi bên đường. Tôi mê mẩn với sắc màu, dõi mắt tìm nàng Thoại Khanh, Cúc Hoa, và né tranh mấy con thú dữ, tưởng tượng các con cọp, beo sẽ nhảy ra khỏi bức tranh rượt chị em tôi.

Chuyện xưa đã trở thành hoài niệm. Giờ đây làng nghề đìu hiu, chỉ vài chục ô tranh được phơi xen lẫn giữa đống củi dừa trước một ngôi nhà ven sông. Những ngôi nhà khác hai bên đường, cổng đóng im ỉm. Tôi bị thu hút bởi hình ảnh người đàn ông ngồi bệt trên nền gạch tàu, rít thuốc, phả khói vào thinh không. Hóa ra, đó là anh Tý (Nguyễn Minh Đáng, 52 tuổi) chủ một gia đình hiếm hoi còn theo nghề thuần tranh kiếng thủ công. Thấy khách, anh Tý vội vào nhà mang khẩu trang rồi đon đả: "Vô nhà nói chuyện chơi, mà tui còn tranh cũ thôi, chứ sáu tháng nay dịch bệnh không có vẽ vời hay mua bán gì". 

Chỉ vào đống tranh quay mặt vô vách, anh Tý bùi ngùi: "Hồi trước, mùa này ăn nên làm ra dữ lắm, còn năm nay tui gác cọ và cũng không bán được bức nào. Bộ đồ nghề cũng hư luôn rồi. Tui bị bệnh hoài, mấy lần tính bỏ nghề mà không đành, nghề cha ông để lại ráng mà gìn giữ".

Anh Tý là con trai ông Nguyễn Minh Châu, nghệ nhân thời đầu của làng nghề tranh kiếng Chợ Mới. Trong ký ức của anh, tuổi thơ là những ngày xin mài mực tàu rồi lén vẽ thử mà không hay cha đứng sau lưng đã “chấm” tay nghề. Năm 12 tuổi, Tý trở thành thợ vẽ tranh và được cha trả lương hậu hĩnh. “Mới đó, tôi theo nghề 40 năm, là tác giả của hàng ngàn bức tranh kiếng, có mặt trong nhiều gia đình”. 

Anh Tý thở dài: "Hơn chục năm nay, tranh kiếng bán chậm lắm, thương lái chuộng tranh kiếng kéo lụa, giá rẻ hơn nhiều so với tranh thủ công, nên tụi tui không cạnh tranh nổi. Để tồn tại với nghề, tui vừa phải vẽ, vừa phải chở tranh sang tận Đồng Tháp, Kiên Giang… bán. Có ngày bán được mười bức, có ngày chỉ bán được 2-3 bức, cũng cầm cự sống được. Nhưng dịch bệnh khiến việc mua bán ế ẩm, có ngày không bán được một bức, lại lỗ tiền xăng nên tui nghỉ sáu tháng rồi". 

Anh Nguyễn Văn Tâm với nghề bán tranh kiếng dạo nhiều năm
Anh Nguyễn Văn Tâm với nghề bán tranh kiếng dạo nhiều năm
 

Anh Tý thở dài. Tôi nhìn theo tầm mắt anh, chợt chạm phải những vệt màu xanh, đỏ, vàng loang lổ trên nền gạch tàu. Thấy tôi nhìn vết tích của sự nhộn nhịp một thời, anh Tý mới thoát khỏi nét đăm chiêu. Anh cười: "Hồi đó làm tranh vui lắm, nhà tui không còn lối đi vì thợ vẽ đầy nhà, tranh chất khắp nơi. Làm nhiều, màu đổ đầy nhà, lau, tẩy không hết”. 

Từ những năm 1990 đã có những cuộc cách mạng từ hình thức đến nội dung cho tranh kiếng Chợ Mới: tranh thủ công nhường bước cho tranh kiếng kéo lụa; tranh bộ thờ bốn bức được thay thế bằng một bức cho phù hợp với những căn nhà thời nay, dòng tranh phong cảnh được đẩy mạnh... Ông giáo Quang và ông Nguyễn Thanh Hòa là hai người tiên phong của phong trào này.

Ông Quang chia sẻ: "Ngày trước tôi cùng hai giáo viên, đều là thợ giỏi, nhưng mỗi người chỉ làm được một bộ tranh một ngày. Đọc báo thấy có nghề in lụa, tôi nghĩ có thể ứng dụng kỹ thuật này vào việc sản xuất tranh. Thời may, sau đó, có một người ở Sài Gòn đem nghề in lụa về gần nhà, tôi liền đóng tiền xin học. Vài tháng sau, tôi đã ứng dụng kỹ thuật này và làm được 70-90 bộ tranh/ngày". 

Tranh kéo lụa ra đời nhanh chóng được thị trường đón nhận bởi màu sắc rực rỡ và quan trọng nhất là giá tranh giảm 60-80% so với tranh vẽ tay. Ngoài tranh kiếng kéo lụa, ông Hòa dùng thêm chữ Quốc ngữ bên cạnh chữ Nho cho dòng tranh thờ. Đồng thời, ông mở rộng thị phần là dòng tranh cho người Khmer và cho ra đời những bức tranh theo tín ngưỡng thờ tự Khmer. Dòng tranh này được tiêu thụ mạnh ở Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang…

Sẽ không còn là hoài niệm 

Dù tranh kiếng kéo lụa tạo nguồn thu chính, nhưng hai cơ sở Thanh Hòa và ông giáo Quang vẫn không bỏ tranh kiếng thủ công. Ông Hòa trải lòng: "Làm gì thì làm, tôi vẫn phải giữ dòng tranh kiếng vẽ tay thủ công, không thể để mai một được. Gần đây có nhiều người tìm mua tranh vẽ tay hơn, thật mừng khi trong số họ có người trẻ tuổi. Thậm chí có những người sẵn sàng chi gần chục triệu để sở hữu một bức tranh độc bản". 

Ở cơ sở Thanh Hòa, phần không gian yên tĩnh nhất dành cho những nghệ nhân thủ công. Nơi này đã cho ra đời từ dòng tranh thủ công phổ thông đến dòng tranh cao cấp cẩn xà cừ, ngọc trai. Ông Hòa có hơn chục nghệ nhân cơ động, trong đó túc trực ba thợ chính và một trong số đó là vợ ông, bà Lê Thị Tám. Bên cạnh đó là sự tiếp nối nghề của những người cháu của ông. Ông Hòa còn nhận những nghệ nhân làm tại gia, để họ vẫn có đất dụng "cọ", đỡ nhớ nghề và vẫn mưu sinh được với nghề. 

Ở cơ sở của ông Quang, mỗi khi người thợ bày tỏ ý định bỏ nghề, ông lại vỗ về “ráng đi con”. Có khách đặt tranh thủ công, ông chỉ qua nhà anh Út Chín - là thợ tranh hơn 30 năm, nay đi làm thợ hồ. Ông Quang không muốn tài hoa của anh Chín bị áo cơm vùi lấp.

Hai “ông chủ lớn” đều tâm sự với tôi một ý: làm tranh để giữ cái hồn cha ông, giữ làng nghề cho lớp trẻ sau này, chứ “tầm này mà lời lãi gì nữa”. Vì vậy ở tuổi 76, ông Quang vẫn đam mê gắn bó với tranh kiếng. Với anh Tý, dù cấm không cho con theo nghề, nhưng dòng máu "nhà nòi" vẫn luôn chảy trong hai cậu con trai. Có lần, con anh thấy ba vẽ mẫu một cặp gà khách đặt, cậu Út giành cọ: “Ba để con!”. Trong chốc lát, cậu đã phác họa mẫu gà chọi rất… thần thái. Anh Tý chỉ việc thực hiện những công đoạn nhẹ nhàng phía sau, sơn mẫu, đóng khung… 

“Tôi tin, sẽ tới ngày tranh kiếng phục hồi mạnh mẽ”, ông Hòa khẳng định. Niềm tin của các nghệ nhân tranh kiếng dựa trên một quy luật: tuổi đời của tranh kiếng thường khoảng 20 năm, nay đã đến lúc các gia đình thay tranh mới. Tranh kiếng có thể nhỏ gọn hơn để làm quà tặng. Hơn nữa, bảo tồn giá trị xưa, đang là xu hướng. Treo tranh không chỉ là sở thích, thói quen, mà còn là văn hóa của người dân vùng sông nước. Các cơ sở ở làng tranh Chợ Mới vẫn nhận được những lời đề nghị xuất khẩu tranh qua Mỹ, Úc... đặc biệt là thị trường Campuchia, nhưng do tranh kiếng khó vận chuyển nên các dự án này đành dở dang. Tuy nhiên, việc mở xưởng sản xuất tranh kiếng tại thị trường quốc tế vẫn là điều ông Hòa mong mỏi.

Làng tranh kiếng Chợ Mới cũng như những làng nghề khác luôn trong nỗi lo mai một của những người yêu văn hóa truyền thống. Nhưng đi đến tận nơi, biết về sức mạnh gợi nhớ của nó trong đời sống cư dân và cả tâm tưởng của các thế hệ làm nghề, tôi lại tin rằng: mai một có thể chỉ là một nhịp nghỉ, để tiếp nhận những thay đổi thẩm mỹ thời đại. Làng nghề tranh kiếng Chợ Mới của tương lai sẽ không giống thời thập niên 1970 - 1980, nó sẽ sống theo cách của những con người mới... 

Độc đáo căn hầm ghép đá bí mật giữa rừng già

Độc đáo căn hầm ghép đá bí mật giữa rừng già

Trong một lần đi rừng, cựu binh Trần Xuân Thế (SN 1963, trú xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cùng một số người bất ngờ phát hiện căn hầm bí mật được ghép bằng đá rất độc đáo.

Theo www.phunuonline.com.vn

Agribank dành hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ người khó khăn nhân dịp xuân Giáp Thìn

Nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, với mong muốn mọi người, mọi nhà được đón Tết an vui, đầm ấm, Agribank dành hơn 100 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách trên cả nước.

Chơi hụi online, 3 chị em gái mất tiền tỷ, còn bị thách 'kiện tưng bừng đi'

Với hình thức huy động góp phường (hụi) online trên mạng xã hội, hàng chục người ở Nghệ An bị chủ phường tuyên bố không có khả năng trả nợ, trong đó trường hợp đặc biệt là một gia đình có 3 chị em cùng tham gia.

Người đàn ông miền Tây hơn 10 năm vận động trồng cây thuốc chữa bệnh miễn phí

Hơn 10 năm nay, lương y Phạm Văn Hiểm miệt mài 'đi từng ngõ, gõ từng nhà', vận động bà con trồng cây thuốc nam, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo.

Người mẹ kể lại thời khắc bố bạo hành con gái rạn xương vai

Khi bố đang hát với bạn, cháu bé cứ đòi mẹ mở sang tivi để xem. Thấy vậy, người mẹ mang con ra ngoài đánh thì xảy ra sự việc bố bạo hành con gái rạn xương vai.

Những buổi ‘hẹn cùng thanh xuân’ dành riêng người cao tuổi

Chương trình truyền hình thực tế “Có hẹn cùng thanh xuân”, do Vinamilk Sure Prevent Gold và VTV tổ chức, sắp lên sóng VTV3 ngày 22/10, gửi gắm thông điệp tuổi tác chỉ ở con số, thanh xuân mãi trong tim mỗi người đến người cao tuổi.

Đà Nẵng: Mang 'Ba Na Hills xuống phố'

Công ty CPDV Cáp treo Bà Nà vừa đưa vào vận hành Nhà hàng Little Ba Na Hills - một không gian thư giãn, trải nghiệm mới mẻ và mang đậm dấu ấn của miền tiên cảnh Sun World Ba Na Hills.

Áo đấu và huy chương giải chạy VPIM 2023 ‘đốn tim’ cộng đồng runner

Ban Tổ chức giải chạy VPIM 2023 vừa công bố hình ảnh áo đấu và huy chương VPIM 2023 trên fanpage, thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng runner.

Hơn 1 triệu ly sữa tiếp tục đồng hành cùng trẻ nhỏ đón năm học mới

Ngay trong những ngày đầu năm học mới 2023-2024, hơn 1 triệu hộp sữa Vinamilk từ Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam đã được trao đến hơn 11.000 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các trường mầm non, mái ấm, trung tâm bảo trợ trên cả nước.

Khám phá thiên đường ẩm thực Bà Nà Hills

Nếu bỏ qua cơ hội thưởng thức những món ngon quên lối về khi đến Bà Nà Hills, bạn đã bỏ lỡ một trải nghiệm độc đáo và đáng nhớ bậc nhất trong chuyến du hí tại thành phố bên sông Hàn.

Hơn 1 triệu ly sữa đón học sinh vùng khó đến trường

Vào năm học mới 2023-2024 sắp tới đây, hàng chục ngàn em nhỏ tại nhiều điểm trường học, trung tâm bảo trợ trẻ em sẽ tiếp tục nhận sữa từ Vinamilk và Quỹ Sữa Vươn cao Việt Nam, hoàn thành cam kết trao tặng 1,5 triệu hộp sữa trong năm nay.

Đang cập nhật dữ liệu !