IS đã tạo ra những "con sói đơn độc" gieo rắc khủng bố như thế nào?
Mặc dù các quan chức tư pháp Mỹ chưa khẳng định mối quan hệ giữa tay súng 29 tuổi này với tổ chức khủng bố nào nhưng theo Ron Hopper, nhân viên FBI, Mateen đã từng nằm trong tầm ngắm của cơ qun này từ năm 2013 do có những bình luận có xu hướng ủng hộ lực lượng Hồi giáo cực đoan.
Sau hai lần thẩm vấn, ông Hopper cho biết, các đặc vụ không thể chứng minh được Mateen có liên hệ với bất kỳ nhóm khủng bố nào. FBI cũng đã thẩm vấn thêm tay súng này một lần vào năm 2014 về mối quan hệ với một kẻ đánh bom tự sát nhưng một lần nữa, lại thả Mateen đi sau khi quyết định rằng “liên lạc giữa họ không đáng kể”.
Việc Mateen vẫn có thể tiến hành vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Mỹ bất chấp những dấu hiệu nói trên càng cho thấy mối đe dọa không thể chối cãi được từ những kẻ tấn công mang danh “con sói đơn độc”.
Tay súng Omar Mateen đơn độc tấn công vào hộp đêm ở Orlando, giết chết 50 người. |
Trang Yahoo News đã có cuộc phỏng vấn các chuyên gia khủng bố và đặt ra câu hỏi điều gì khiến việc ngăn chặn các vụ tấn công của những “con sói đơn độc” lại khó khăn đến vậy? Câu trả lời đơn giản nhất ở đây, đó là những “con sói đơn độc” này rất khó để phát hiện vì chúng hoạt động một mình.
“Không có một kẻ đồng mưu nào có thể làm lộ thông tin về các cuộc tấn công. Điều này làm giảm khả năng âm mưu bị bại lộ vì vậy rất khó để các cơ quan luật pháp phát hiện ra”, Michael German, cựu điệp viên FBI chuyên về khủng bố trong nước, hiện là cố vấn của trung tâm Brennan, phân tích.
Scott Decker, giáo sư chuyên ngành tội phạm học tại ĐH bang Arizona, nhận định: “Các cơ quan pháp luật được tổ chức để làm việc thông qua nhiều nguồn thông tin khác nhau mới nhận diện những nghi phạm cũng như phân tích được đặc thù và động cơ của hành động phạm tội đó, đặc biệt là các vụ bạo lực. Thủ phạm càng có nhiều mối liên hệ thì các nguồn thông tin mà cơ quan chức năng thu thập được càng nhiều. Tương tự, càng nhiều người tham gia vào một cuộc tấn công thì càng có nhiều bằng chứng, dấu vết dẫn đến các thông tin cần thiết để ngăn chặn vụ việc đó”.
Jeffrey Simon, giảng viên khoa Khoa học chính trị trường UCLA, tác giả của cuốn sách “Khủng bố con sói đơn độc: Những điều cần biết về mối đe dọa ngày càng tăng”, nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, những “con sói đơn độc” mặc dù thích hành động một mình nhưng vẫn có xu hướng thích nói chuyện, chia sẻ, đặc biệt là trên mạng.
“Rất nhiều những “con sói đơn độc” trước khi tiến hành một cuộc tấn công nào đó thường chia sẻ một số loại hình cực đoan lên mạng xã hội như là blog, thỉnh thoảng là những bài viết ám chỉ đến các hành động bạo lực mà họ đang nghĩ tới. Nhưng thường những bài đăng đó chỉ được đưa lên ngay trước khi họ tiến hành tấn công và khi đó thì đã quá trễ để các nhà chức trách ngăn chặn”, ông Simon cho biết.
Thậm chí, kể cả khi các cơ quan chức năng có thể phát hiện được các dấu hiệu của một vụ tấn công từ trước thì ông Simon cũng cho rằng việc tự do ngôn luận khiến cho tình hình thêm phức tạp. “Chúng ta không biết làm thế nào để phân biệt các cá nhân chỉ thể hiện các quan điểm cực đoan hay thù hằn với những kẻ biến quan điểm đó thành sự thực thông qua tấn công khủng bố”, ông nói.
Các chuyên gia cho rằng rất khó để luận tội những "con sói đơn độc" vì không đủ bằng chứng. |
Lọc thông tin qua những bình luận trên mạng cũng là một cách, tuy nhiên internet đã khiến cho những “con sói đơn độc” này rất dễ để “nuôi dưỡng” nhưng lại khó để nhận dạng. “Internet ngày càng chiếm một vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là đối với các cá nhân ở Mỹ, những người ngày càng có các tư tưởng cực đoan. Việc thiếu các hình thức liên lạc trực tiếp khiến cho việc ngăn chặn và giải quyết các vụ việc trên trở nên khó khăn hơn”, ông Decker phân tích.
Ông cũng cho biết thêm: “Trong khi hầu hết các liên lạc điện tử (trên mạng và thông qua điện thoại) đều có thể theo dấu được nhưng những tranh cãi như vụ giữa Apple và FBI trong vụ xả súng tại San Bernardino cho thấy việc nhận diện những thông tin trên không phải lúc nào cũng thẳng tắp”.
Ông Simon cũng đồng ý rằng “internet chính là một yếu tố thay đổi cuộc chơi trong các vụ khủng bố ngày nay” và “IS đã chứng minh sự khôn khéo khi sử dụng mạng xã hội và internet để truyền bá tư tưởng và kêu gọi tấn công khủng bố”.
Để ngăn chặn các cá nhân thực hiện tấn công bạo lực, một số quốc gia, như Scotland và Australia, đã thực thi các lệnh cấm vũ khí tự động sau khi các vụ xả súng diễn ra tại những nước này. Chuyên gia Decker cho biết trên thực tế, Mỹ đã từng ban hành lệnh cấm vũ khí năm 1994 nhưng 10 năm sau đó, Quốc hội nước này lại hủy bỏ lệnh cấm.
Theo ông Simon, dù có lệnh cấm sử dụng vũ khí hay không, thì vấn đề ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố cũng rất khó khăn. “Việc cấm sử dụng vũ khí tự động có thể làm giảm số người chết trong các vụ tấn công như trên nhưng chúng ta cần phải nhận diện được một tên khủng bố, cho dù đó là một “con sói đơn độc” hay một tổ chức, bởi chúng sẽ tìm đủ mọi loại vũ khí để thực hiện hành vi tội ác của mình. Nếu chúng không thể có súng, chúng sẽ dùng bom, ví dụ như vụ đánh bom Boston, thủ phạm đã sử dụng bom tự chế”, ông Simon phân tích.
Vậy, các nhà chức trách có thể làm được gì? Theo ông Decker, giám sát và tăng cường an ninh là hai biện pháp tốt nhất hiện nay. Mặc dù, ông thừa nhận, “việc tăng cường hai chức năng này sẽ tạo ra các cuộc tranh luận về quyền tự do cá nhân”. “Chúng ta sẽ thấy các nhà chức trách tăng cường an ninh tại các địa điểm công cộng trong một vài tuần tới nhưng sau một vài tháng nữa, khi mọi việc lắng xuống thì các vụ tấn công tương lai sẽ lại tiếp tục diễn ra”, ông nói thêm.
Cuối cùng, chuyên gia này kết luận: “Chúng ta cần xử lý tất cả các loại tội phạm bạo lực này một cách nghiêm khắc. Một nửa số vụ phạm tội đều không bị xử lý triệt để, bao gồm cả 1/3 số vụ giết người mỗi năm… Nếu chúng ta giảm được số lượng các vụ phạm tội bạo lực không được giải quyết thì tất cả cộng đồng dân cư Hoa Kỳ chắc chắn sẽ an toàn hơn”.