Hy hữu Hà Nội: Khách mua nhà lũ lượt bỏ về vì cổ đông căng băng rôn khuyên "đừng mua"
Đáng chú ý, việc căng băng rôn với nội dung “Đất dự án Riverside Garden 349 Vũ Tông Phan (phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) đang tranh chấp, đừng mua mất tiền!” diễn ra đúng ngày đầu tiên mở bán dự án khiến đơn vị mở bán không kịp trở tay, nhiều khách hàng “ngã ngửa” khi nghe nói dự án đang có tranh chấp.
Khi nhóm cổ đông thiểu số của Prosimex căng băng rôn “cảnh báo” khách hàng phía trước cổng vào khu nhà mẫu của dự án, lực lượng bảo vệ của dự án đã ra giằng kéo băng rôn, thậm chí lực lượng công an phường Khương Đình đã phải có mặt để đảm bảo trật tự.
Lực lượng bảo vệ của dự án giằng co tấm băng rôn trước sự phản ứng quyết liệt của nhóm cổ đông. |
Chứng kiến cảnh tượng trên, một số khách hàng của dự án cho biết họ có ý định đến đặt tiền mua căn hộ nhưng đành phải rút lui khi chưa hiểu cụ thể như thế nào. Trong khi đó, có không ít những khách hàng lo lắng có thể sẽ phải bỏ tiền đặt cọc trước đó.
PV Infonet đã liên hệ qua điện thoại với CTCP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (Videc), đơn vị liên danh chủ đầu tư với Prosimex, đại diện của Videc cho biết chưa được nghe báo cáo về sự cố này, nhưng cũng khẳng định Riverside Garden hoàn toàn không có vướng mắc gì về mặt pháp lý.
Một số khách hàng đã ra về khi chứng kiến cảnh tượng này. |
Như Infonet đã phản ánh trước đó, câu chuyện tranh chấp giữa nhóm cổ đông thiểu số của Prosimex với công ty là một câu chuyện dài. Họ được mua cổ phần khi công ty tiến hành cổ phần hóa vào năm 2006, nhưng đến nay họ chưa từng nhận được quyền lợi gì từ việc mua cổ phần. Thậm chí, nhóm cổ đông này còn bị buộc cho thôi việc vào năm 2015 và 2016 sau khi Prosimex có lãnh đạo mới. Trong khi đó, khu đất 8.900 m2 tại số 349 Vũ Tông Phan trước đây là trụ sở của Prosimex đã được bán hay liên danh đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng từ ban lãnh đạo công ty.
Theo ông Lữ Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Prosimex, hợp tác giữa công ty với Videc đang thực hiện theo hình thức liên danh, Prosimex chưa chuyển nhượng dự án trên cho Videc. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên năm 2016, ban lãnh đạo công ty đã không đưa ra được bằng chứng để thuyết phục các cổ đông là dự án được thực hiện dưới hình thức liên danh, liên kết. Trong khi đó, yêu cầu của nhóm cổ đông là được trả quyền lợi cổ đông, hoặc được bán lại cho công ty số cổ phần họ đang nắm giữ tiếp tục rơi vào im lặng.
Bà Trần Thị Lý, một cổ đông của Prosimex nói: “Cả một đời chúng tôi gắn bó với công ty, đến khi nghỉ việc được nhận số cổ phiếu ít ỏi thì các ông ấy cũng muốn tước bỏ quyền lợi.”
Chứng kiến sự việc diễn ra chiều 04/11, chị Nguyễn Thủy, một người có bố mẹ từng là công nhân của Prosimex bày tỏ bức xúc: “Những công nhân cả đời gắn bó với công ty, từng đặt niềm tin vào ban lãnh đạo, nhưng giờ đây họ phải đứng phơi nắng trước sự thờ ơ của những người trẻ tuổi đang làm môi giới dự án tại chính nơi mà những người lao động từng coi là nhà của mình.”