"Huyền thoại" Nokia trở lại, "đi đường vòng" để đến tay người Việt
Nokia HMD là startup trị giá 1 tỷ USD, được thành lập bởi những “người cũ” của tượng đài Nokia một thời. Công ty này đã mua lại quyền sử dụng thương hiệu Nokia từ Microsoft sau khi tập đoàn này không thể thành công với điện thoại Nokia chạy hệ điều hành Windows.
Nokia hiện tại là sự kết hợp giữa thiết kế truyền thống của Nokia, hệ điều hành phổ thông Android và năng lực sản xuất phần cứng với số lượng lớn của Foxconn (hãng gia công các sản phẩm Apple).
(Nguồn: CTCK Rồng Việt). |
Lợi thế lớn nhất của Nokia HMD tại Việt Nam là thương hiệu và lượng người dùng trung thành của các dòng điện thoại chức năng. Hiện nay trên một nửa số điện thoại chức năng được bán ra tại Việt Nam là các mẫu điện thoại của Nokia, phần còn lại thuộc về các thương hiệu điện thoại giá rẻ tới từ Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê từ GFK, trong 7 tháng đầu năm 2018, điện thoại chức năng chiếm 44,3% số lượng máy bán mới tại Việt Nam, tăng từ mức 41,9% cùng kỳ năm ngoái. Xét về thương hiệu, Nokia chiếm 25,3% số lượng máy mới (bao gồm điện thoại chức năng và điện thoại thông minh), dẫn đầu về thị phần trong nước.
Nokia chiếm25,3%số lượng máy mới tại Việt Nam. |
Đối với phân khúc điện thoại chức năng có giá trên 500 nghìn đồng, Nokia hiện không có đối thủ tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nhà sản xuất tới từ Phần Lan vẫn chủ yếu “ăn mày dĩ vãng” về danh tiếng trong quá khứ của dòng điện thoại cơ bản. Trong khi đó, các mẫu điện thoại thông minh của hãng này vẫn đang khá mờ nhạt sau hơn 1,5 năm được trình làng tại Việt Nam.
Hợp tác mới với Digiworld cho thấy Nokia HMD đang thực sự muốn phát triển thị trường điện thoại của hãng này tại Việt Nam khi hai nhà phân phối hiện tại là FPT Trading và Lucky Group với mô hình phân phối truyền thống vẫn là chưa đủ.
Mô hình phân phối mới của Digiworld gồm: (1) phân tích thị trường và triển khai marketing, (2) vận chuyển và phân phối, (3) bán hàng và hậu mãi được kỳ vọng sẽ giúp Nokia HMD mở rộng thêm thị phần tại Việt Nam.
Đối với Digiworld, phân phối Nokia sẽ giúp công ty giảm bớt phụ thuộc vào Xiaomi (khoảng 90% doanh thu điện thoại của Digiworld trong 6 tháng đầu năm 2018 đến từ các sản phẩm Xiaomi). Mặt khác, các mẫu điện thoại chức năng của Nokia sẽ giúp Digiworld có thể tăng cường ảnh hưởng tại các thị trường ngách, nơi vẫn còn dư địa tăng trưởng trong bối cảnh ngành điện thoại đang dần bão hòa.