Hụt ngàn tỷ, nhà băng vẫn "cắn răng" giảm lãi vay
Chủ một doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết bị văn phòng tại Hà Nội than thở, giờ doanh nghiệp ông không còn nghĩ đến việc vay vốn ngân hàng vì “chẳng bán được hàng thì lấy tiền đâu ra trả lãi”.
"Nhiều nhà băng cũng "chào" chúng tôi mức lãi vay hấp dẫn, nhưng nói thật vay vào mà không làm gì ra để trả được thì còn chết hơn. Chúng tôi chẳng dám nghĩ tới việc vay ngân hàng nữa"- vị giám đốc này nói và tỏ ra không mấy hào hứng trước thông tin thời gian tới lãi suất vay sẽ giảm tiếp.
Đem câu chuyện này chia sẻ với lãnh đạo một ngân hàng lớn, ông cũng thừa nhận đây là thực tế khi ông có dịp gặp gỡ các doanh nghiệp. "Đúng là khi chúng tôi tiếp xúc với các doanh nghiệp và đưa ra mức lãi suất thấp nhưng hầu như các ông chủ doanh nghiệp đều cho biết, vấn đề bây giờ không phải là lãi suất mà là làm thế nào để bán được hàng, đẩy được hàng tồn kho đang chất cao như núi trong xưởng" – vị này chia sẻ.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến hết tháng 4/2013, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới chỉ tăng 1,4% trong khi huy động tăng đến 5,34%. Hiện tỷ trọng cho vay với lãi suất trên 15%/năm với các khoản vay cũ đến nay chỉ còn 14%.
Trước thực tế mặt bằng lãi suất huy động giảm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tiếp tục kêu gọi các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục giảm lãi vay các khoản vay cũ từ mức 15% về mức 13% để kích thích dòng vốn khơi thông ra thị trường. Đây là lần thứ 2, người đứng đầu NHNN đưa ra lời “hiệu triệu” gửi tới các nhà băng trong hệ thống tài chính.
Trao đổi với PV Infonet, Tổng giám đốc BIDV ông Phan Đức Tú cho hay, trong bối cảnh doanh nghiệp đang bị "bít đầu ra" thì việc giảm ngay lãi suất cho vay là việc các ngân hàng nên làm để cứu doanh nghiệp, cũng là cứu mình.
Lãnh đạo BIDV khẳng định, hiện các khoản vay trên 15% tại BIDV hiện chỉ còn 1-2 khoản, các khoản vay lãi suất trên 13% cũng không còn nhiều, ngay từ ngày 13/5 tới, nhà băng này sẽ rút tất cả các khoản cho vay (cả cũ và mới) về mức 13%.
Ước tính khoản lợi nhuận sụt giảm của BIDV rơi vào khoảng 700 tỷ đồng nếu giảm lãi suất cho vay về mức thấp hơn 15%/năm nhưng ông Tú thẳng thắn, “ngân hàng chấp nhận hy sinh lợi nhuận là chuyện bình thường để đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Nhà băng tuyên bố chấp nhận giảm lợi nhuận để đẩy vốn ra thị trường |
Tương tự, với tổng dư nợ lãi suất vay từ 13-15%/năm đang chiếm tới 48% tổng dư nợ, tương đương 520.000 tỷ đồng, trong đó gần 70% là dành cho khu vực nông nghiệp - nông thôn, nhưng “ông lớn” Agribank vẫn quyết tâm cắt giảm lợi nhuận để hạ lãi suất.
Phó tổng giám đốc Agribank Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, từ 13/5, nhà băng này sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tối đa là 10%/năm, thậm chí có những gói cho vay với mức từ 5 – 8%/năm; đối với cho vay trung, dài hạn lĩnh vực sản xuất, tối đa là 11,5%/năm; cho vay đối tượng không ưu tiên từ 12,5 – 13%/năm; các khoản dư nợ tồn tại trước đây sẽ về dưới 13%/năm.
Việc hạ lãi suất cũng khiến “ông lớn” này “hụt” tới cả ngàn tỷ đồng lợi nhuận. "Dù đây là quyết định khó khăn của ngân hàng, nhưng Agribank sẽ chia sẻ với doanh nghiệp" – ông Hùng bày tỏ.
Lãnh đạo Vietcombank thì cho biết, hiện ngân hàng này không còn dư nợ với mức lãi suất trên 15%/năm trong khi dư nợ lãi suất 13 - 15%/năm còn khoảng 50.000 tỷ đồng.
Từ chối tiết lộ con số lợi nhuận bị giảm nếu hạ lãi suất về mức 13% theo lời “hiệu triệu” của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ông Phạm Quang Dũng – Phó tổng giám đốc Vietcombank tính toán, việc giảm lãi vay về mức 13%/năm khiến ngân hàng giảm lợi nhuận bao nhiêu còn phụ thuộc vào lãi suất bình quân của các khoản trên 13% là bao nhiêu và số cho vay là bao nhiêu. “Có thể doanh thu sẽ bớt đi khi giảm lãi suất nhưng tổng dư nợ lại tăng lên được. Như vậy cái lợi ích tổng thể cho ngân hàng sẽ lớn hơn. Giống như việc giảm thuế cho doanh nghiệp thôi ", ông Dũng nói.
Ủng hộ việc giảm lãi suất, nhưng ông Phạm Xuân Hòe – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) lưu ý, lãi suất giảm tác dụng không đáng kể đến tăng trưởng tín dụng. Tổng cầu của nền kinh tế hiện vẫn tiếp tục ở mức thấp, thậm chí suy giảm là nguyên nhân chính khiến tín dụng sụt giảm chứ không phải là lãi suất. Lấy ví dụ, ngành thép cho biết tổng công suất khoảng 11 triệu tấn, nhưng nhu cầu tỏng nước chỉ 5-6 triệu tấn, như vậy là thừa tới 30-40% công suất .
Theo ông Hòe, về lâu dài để khơi vốn cho nền kinh tế thì phải có giải pháp tăng tổng cầu. Kế đó, phải gỡ được nút thắt về nợ xấu vẫn đang là mối bận tâm khiến các ông chủ ngân hàng "đau đầu".
Về phía doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ, nhất là tái cơ cấu quản trị tài chính, làm sao hướng đến các nguồn vốn rẻ hơn.