Hưng Yên: Lời giải nào cho mối bất hòa quanh ngôi chùa cổ
Góc đẹp nhất mang dấu tích lâu đời của Kim Liên cổ tự (Đại Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên) |
Sau một thời gian tìm hiểu, sự việc mà chúng tôi nắm được không hề đơn giản như vậy. Không chỉ nằm ở vấn đề tố cáo sư Thích Thanh Công, Trụ trì chùa Kim Liên mà ở đây đang chứa một mối bất hoà giữa Nhà chùa- Nhà trường- Chính quyền địa phương và giữa những người dân với nhau. Nếu không giải quyết vấn đề, tình hình an ninh tại địa phương sẽ biến đổi theo chiều hướng xấu.
Nhiều tố cáo giật mình
Đọc lá đơn và tờ trình của đại diện 50 dòng họ tại làng Đại Quan, xã Đại Hưng (Khoái Châu, Hưng Yên), do ông Đào Xuân Hữu đứng lên đại diện, nhiều người không khỏi giật mình về hình ảnh một nhà sư trong đơn còn “méo mó” hơn một kẻ tội phạm.
Theo tờ trình của đại diện 50 dòng họ thì có 10 mục lớn trong đó 33 mục “kể tội” Đại đức Thích Thanh Công, Trụ trì Chùa Kim Liên, (Xã Đại Hưng, Khoái Châu). Có nhiều mục mà đơn đưa ra có thể xem xét ở mức hình sự như đánh đập phật tử, bắt phật tử 80-90 phạt quỳ, đổ lễ của phật tử xuống ao...
Cụ thể tờ trình ghi: "Ngày 08/04/2006, Bà Nguyễn Thị Mậu cùng hàng trăm người trong làng đã ký đơn đề nghị đổi sư Công đi, vì: Sư Công bắt các chư hậu và Tín đồ phục dịch sư Công để sư Công được hưởng; Bắt các cụ già từ 80 đến 90 tuổi không có tội gì cũng phải quỳ trước mặt sư Công để sám hối; Sư Công chửi nhiều vãi rồi đánh nhau với cả mẹ con bà Khẩn, đánh chị Huế vỡ đầu; Vứt lễ của bà Thực xuống giếng; Phá đám ma bà Nết, bắt bà Mậu cởi áo dài để đốt rồi đuổi bà ra khỏi chùa. Vu khống bà Mậu ăn cắp..."
Lá đơn của bà Đào Thị Mật, tín đồ phật tử xã Đại Hưng, cũng viết: “Sư Công đánh nhau với thanh niên trong chùa, ba lần đánh nhau trước cửa phật, tôi phải đi tìm ông Hanh để cầu cứu...”
Đoạn khác lá đơn viết: “Đáng phẫn nộ nữa, kiệu phật đình, cầu phướn là do các chư hậu và tín đồ nhà phật góp tiền để mua.... các gia đình cần mượn phải nộp 300.000 đồng với 2 lễ vật thì mới cho mang ra khỏi chùa. Có mấy gia đình đã nộp tiền nhưng sư còn gây khó khăn...”
Còn rất nhiều những tố cáo khác, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không thể liệt kê hết. Tại cuộc gặp với phóng viên tại UBND xã, do chưa chuẩn bị nên ông Đào Xuân Hữu hẹn hôm khác quay lại. Hôm sau, theo như lịch hẹn chúng tôi có mặt tại nhà ông Hữu đã có một số người dân ngồi chờ ở đó. Trong số đó có bà Đào Thị Mật và bà Đào Thị Luân là 2 trong số những người đã đứng đơn tố cáo sư. Bà Luân cho biết: “Tôi đã gửi đơn từ năm 2006, đến nay các cấp vẫn im lặng”
Bà Đào Thị Mật đứng lên trao đổi với phóng viên |
Thực hư sự việc đến đâu?
Điều đáng giật mình hơn, những tố cáo của người dân lại được chính Phó chủ tịch xã Hoàng Đức Chúy “đính kèm” một bản báo cáo khẳng định: “Sau khi xem xét đơn và nội dung tờ trình tập hợp các vụ việc xảy ra tại chùa của tập thể các dòng họ, UBND xã thấy nội dung phản ánh trên là có sự thật”. Khẳng định của UBND xã khiến cho sự việc càng trở nên phức tạp hơn.
Ngày 3.5, PV đã có buổi làm việc với UBND Xã Đại Hưng. Chủ tịch UBND xã Đại Hưng ủy quyền cho Phó chủ tịch phụ trách Văn xã là ông Hoàng Đức Chúy tiếp phóng viên, khi chúng tôi hỏi những nội dung trong đơn, nhiều nội dung ông Hoàng Đức Chúy, Phó chủ tịch xã nói, không biết, không nắm được.
Khi chúng tôi hỏi: “Vì sao xã lại làm bản báo cáo kèm theo đơn, khẳng định phản ánh là “có sự thật”, xã đã đi xác minh thông tin chưa?”. Ông Chúy cho biết: “Chúng tôi chưa xác minh thông tin nhưng do người tố cáo khẳng định là có nhân chứng, và chịu trách nhiệm trước pháp luật...”
Ông Hoàng Đức Chúy, người ký vào báo cáo về đơn là "có sự thật" mà không xác minh, đang dẫn phóng viên xem thực địa |
Ông Chúy gọi ông Bình, Công an thôn phụ trách an ninh khu vực chùa Kim Liên 20 năm, trả lời chúng tôi. Nhiều nội dung trong đơn, ông Bình trả lời không biết. Với sự việc sư đổ lễ của bà Hoàng Thị Cống, Hoàng Thị Ký xuống ao, ông Bình không khẳng định nhưng cho chúng tôi biết thêm: Người tố cáo có thuê người mò lễ lên nhưng không thấy.
Một sự việc tố cáo khác, sư Công lấy cả phích nước ném vào bà Khẩn, phải đưa ra chính quyền giải quyết. Theo ông Bình thì lại ngược lại, do hiểu lầm nên gia đình bà Khẩn ném sư Công. Sự việc đã được giải quyết ổn thỏa. Gia đình bà Khẩn vẫn qua lại ở đây.
Khi chúng tôi đem thông tin ông Bình cung cấp trao đổi lại với nhóm những người ký đơn tố cáo, bà Đào Thị Mật (người tố cáo) cho biết: “Có việc mò lễ nhưng chỉ khoắng cho xong chuyện”.
Tuy nhiên, theo các già chấp táp tại chùa, nhiều tố cáo xảy ra đã lâu, từ năm 2006, sự việc cũng đã được giải quyết từ năm đó. Hai bên cũng đã đi đến thống nhất giảng hòa và ổn định nhưng lần này “những người đi kiện” tiếp tục nhắc lại những sự kiện cũ đã được giải quyết. Theo cụ Lê Thị Nhàn, một trong các già chấp táp đã lâu tại chùa, sự việc trở lại vấn đề này khi các cụ có ý muốn san lấp ao sau chùa để mở rộng khuôn viên chùa, chính quyền xã cho rằng ao đó không thuộc diện tích chùa nên không cho các cụ lấp. Sau sự việc đó mới dẫn đến đơn thư của những người “đại diện” 50 dòng họ ở xã Đại Hưng.
Ao sau chùa, đỉnh điểm mâu thuẫn mối bất hòa ở đây, đã được san lấp |
Nhiều nội dung trong đơn thư khi xác minh có những thông tin trái chiều nhau. Ở đây đang có sự chia rẽ rất lớn trong bộ phận người dân xã Đại Hưng. Rất có thể sự việc sẽ có những diễn biến xấu khó lường. Khi trao đổi với chúng tôi, ông Đào Xuân Hữu, người đứng đơn đã không ngần ngại tuyên bố: “Nếu trong thời gian tới, các cấp không giải quyết, chúng tôi sẽ không chịu trách nhiệm về tính mạng của sư Công. Chúng tôi sẽ cho khóa cửa chùa đuổi sư Công ra ngoài...”. Trao đổi với phóng viên, ông Hữu nhắc lại nhiều lần quan điểm “cứng rắn” của mình.
Để đảm bảo tính chân thực sự việc, đảm bảo tình đoàn kết của người dân, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần vào cuộc khẩn trương tìm hiểu đúng sai sự việc, làm rõ từng vấn đề. Bên cạnh đó, cần phải có cách điều hòa mối bất hòa giữa những người dân.
Đi tìm lời giải cho những bất hòa khó gỡ
Khi mối bất hòa đã trở lên quá lớn, một thông tin có nhiều chiều trái ngược, sự việc không còn đơn giản, dễ giải quyết. Ban đầu chỉ là những sự việc diễn ra trong chùa với giáo lý đạo phật giờ đã thành những câu chuyện mang tính nhức nhối.
Trong đơn tố cáo, sư Công bắt các cụ già 80-90 quỳ... Tuy nhiên, trong tờ trình về nội dung tố cáo, Sư Công cho rằng: "Việc hành lễ theo đạo phật các phật tử quỳ lễ phật là chuyện bình thường". Ngoài ra, các nội dung tố cáo khác Sư Công cũng phủ nhận hoàn toàn. Thực hư thông tin này rất cần cơ quan chức năng tìm hiểu xem xét kỹ càng...
Sự việc đẩy lên cao hơn bởi hình phạt của nhà chùa khá “hà khắc” như đuổi khỏi hội quy, không cho vào chùa, chết không có người đi độ... Đó là những hình phạt có ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dân.
Cửa phật luôn từ bi, rộng mở, việc “đóng cửa” với một ai đó là điều không nên. Dù những hình phạt này do ai đặt ra, với trách nhiệm là người trụ trì chùa Sư Thích Thanh Công không tránh khỏi trách nhiệm.
Những tố cáo thường xuất phát từ những già bị “đuổi” khỏi chùa. Bà Mật chia sẻ: “Chùa là của làng chúng tôi, nhiều đời chúng tôi xây dựng thờ phật, nay chúng tôi già cả sắp về với tổ tiên nhưng không cho chúng tôi vào tín bái”. Nếu việc giải quyết vấn đề tốt hơn ngay từ đầu sự việc sẽ không đi đến những bất hòa như hiện nay. Tuy nhiên, việc xem xét những tố cáo đó là đúng hay sai cũng là điều cần thiết để làm cho người dân được hiểu rõ vấn đề hơn.
Phải khẳng định một điều rất quan trọng, việc điều hòa, duy trì các mối quan hệ người dân trong xã của chính quyền xã còn quá yếu. Khâu tuyên truyền giáo dục thuyết phục người dân còn chưa hiệu quả, khiến người dân “ba bè bảy phái” chưa đồng thuận với chính quyền. Trước sự việc phức tạp, chính quyền xã không những làm dịu đi mâu thuẫn mà còn “đổ dầu vào lửa” bằng báo cáo chưa xác minh đã khẳng định là “có sự thật”.
Phó chủ tịch xã cho rằng nội dung phản ánh tờ trình là "có sự thật" mặc dù chưa xác minh cụ thế. |
Thêm vào đó, một nguyên nhân khá quan trọng, ông Hoàng Đức Chúy cho biết: “Sau khi san lấp ao sau chùa sẽ chuyển một phần đất cho chùa và một phần cho trường”. Nếu điều đó được thực hiện nghiêm túc, rõ ràng, cân bằng lợi ích giáo dục và không gian tín ngưỡng có lẽ mâu thuẫn sẽ không trầm trọng đến như vậy.
Mưa đã mấy hôm nhưng khi chúng tôi có mặt, sân trường vẫn còn như ao vì chưa xây dựng đàng hoàng. |
Thiết nghĩ, việc Sư Công đi hay ở chùa không phải là vấn đề, việc giải quyết mâu thuẫn với người dân mới là quan trọng. Xin dùng lời của Hòa thượng Thích Thanh Hiện, Ủy viên Hội Phật giáo tỉnh Hưng Yên, làm lời kết cho bài viết này: “Đây là vấn đề hệ trọng, nhưng chức năng Hội Phật giáo chúng tôi không thể điều tra chi tiết vấn đề. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ ai đúng ai sai để bảo vệ uy tín Hội Phật giáo và niềm tin của phật tử”