Hơn 3.700 kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8 của Quốc hội
"Cử tri ngày càng quan tâm tới hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến chiều 17/11 trước khi Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn của 4 vị trưởng ngành, một trong những nội dung làm việc được chờ đợi nhất của kỳ họp lần thứ 8.
Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, từ đầu kỳ tới nay Quốc hội đã tổ chức 6 phiên chất vấn, đã có 31 lượt các vị trưởng ngành trả lời chất vấn trước Quốc hội gồm Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, 22 vị trưởng ngành và nhiều thành viên Chính phủ khác. Các phiên chất vấn nhận được sự quan tâm sâu sắc của ĐBQH, cử tri và đồng bào cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao đổi với đại biểu Quốc hội trong giờ nghỉ giải lao. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Theo báo cáo của Ban Thư ký kỳ họp thứ 8, tính đến hết chiều 16/11/2014 đã có 165 chất vấn của 60 vị ĐBQH gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Đồng thời, Quốc hội cũng nhận được 3.729 ý kiến kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp 8. Số lượng ý kiến kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 8 gấp gần 1,5 lần so với kỳ họp thứ 7.
Đánh giá về kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là kỳ họp cuối năm 2014 quyết định nhiều vấn đề quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc phòng an ninh đối ngoại… của đất nước năm 2015. Đây là năm cuối của kế hoạch 5 năm, đồng thời là thời điểm tạo điều kiện tiền đề cho kế hoạch 5 năm tiếp theo, giai đoạn năm 2016-2020. Kỳ họp này, kỳ chất vấn lần này gắn với bối cảnh tình hình mới, nhiệm vụ mới của đất nước.
Quốc hội đã lựa chọn 4 vị bộ trưởng để chất vấn và trả lời chất vấn về các chiến lược, vấn đề nóng bỏng của đất nước. Những nội dung chất vấn chính như: công nghiệp hóa – hiện đại hóa gắn với đó là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo để xây dựng đất nước theo hướng hiện đại; Đặt trong bối cảnh chuẩn bị hội nhập sâu với thế giới là vấn đề thị trường trong nước, quốc tế, đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng nhái…; Trước thềm các hiệp định tự do sắp ký sẽ xem xét một cách tổng thể hạ tầng giao thông, biện pháp để có thể xây dựng hạ tầng giao thông hoàn chỉnh…. Kế tiếp đó là cải cách thủ tục hành chính, đánh giá đội ngũ công chức, chính sách cán bộ, tiền lương; giải quyết an sinh xã hội….
Hy vọng các ĐBQH sẽ đặt thẳng vấn đề để cùng thảo luận, tìm ra giải pháp khắc phục thống nhất hành động cùng một hướng; quyết tâm phấn đấu cao để nâng cao chất lượng TCC nền kinh tế và hoàn thành nhiệm vụ của năm 2015.
Sau trả lời chất vấn của các vị Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội và trực tiếp trả lời chất vấn của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội hy vọng các ĐBQH sẽ đặt câu hỏi và phần trả lời của các vị Bộ trưởng đều phải hết sức cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn. Nói thẳng, nói sâu, nói trúng. Chúng ta đang từng bước xây dựng văn hóa chất vấn của Quốc hội, mục tiêu là giải quyết được vấn đề đồng bào quan tâm, trả lời trúng vấn đề và cuối cùng là chốt vấn đề, tránh những từ ngữ gây xúc phạm người này người khác, gây căng thẳng không cần thiết.
Sau phiên chất vấn, căn cứ vào tình hình thực tế Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết.
Báo cáo giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 7, ông Nguyễn Văn Hiền - Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết, tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa XIII cử tri đã gửi tới Quốc hội 2.216 kiến nghị. Sau rà soát chuyển 1.795 kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền.
Đến giữa kỳ họp thứ 8 các cơ quan chức năng đã xem xét trả lời 1795 kiến nghị.
“Cử tri cả nước ngày càng quan tâm tới hoạt động của cơ quan Nhà nước, Quốc hội. Đáng mừng là các ý kiến cử tri tại kỳ họp 7 đã được giải quyết, trả lời và tiếp tục nghiên cứu để giải quyết các kiến nghị của cử tri cả nước. Các ý kiến “tiếp tục nghiên cứu” thì các cơ quan quản lý nỗ lực tiếp tục giải quyết tốt các kiến nghị đó”- Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đánh giá.
Kỳ họp thứ 8 có 3.729 kiến nghị của cử tri, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan Nhà nước triển khai tích cực hiệu quả, giải đáp các kiến nghị của cử tri cả nước vì đây là “tâm huyết” của cử tri.
Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện trả lời chất vấn của cử tri và báo cáo tại kỳ họp thứ 9 tới.