Hơn 334 tỷ USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam: Mở rộng cửa đón luồng vốn ngoại
Sáng nay, 04/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Đại sứ quán, các cơ quan ngoại giao đã tới dự Hội nghị.
Đây là Hội nghị quy mô cấp quốc gia với sự tham dự của hơn 3.500 đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán, Cơ quan ngoại giao, các chuyên gia, các nhà khoa học, các hiệp hội, và hàng nghìn nhà đầu tư nước ngoài,…
Đây là sự kiện tổng kết, nhìn lại 30 năm sự nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam, những thành tựu đạt được, tồn tại hạn chế và bài học kinh nghiệm, để từ đó tham mưu cho Đảng, Chính phủ ra định hướng mới nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ĐTNN tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, chủ trương thu hút ĐTNN của Việt Nam thể hiện tư duy mở cửa của Đảng và Nhà nước, đưa Việt Nam từ một nước kém phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ĐTNN cũng khơi dậy nguồn lực trong nước, trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong nền kinh tế. Tính đến tháng 8/2018, đã có 26.500 dự án FDI tại Việt Nam, vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. ĐTNN đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng 23,7% trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.
58% vốn ĐTNN tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu chung của cả nước, đạt 72,6% trong năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng đầu năm 2018.
Số thu nhập ngân sách của khu vực FDI tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Tính đến nay, khu vực này đã tạo việc làm cho gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp khác.
Về kinh tế, ĐTTT đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp của khu vực ĐTNN trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017.
Tỷ trọng NSNN từ khu vực ĐTNN tăng đáng kể từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu NSNN.
Riêng năm 2017, khu vực ĐTNN đã đóng góp 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu NSNN. Với tỷ trọng 58,2% vốn ĐTNN tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, ĐTNN còn góp phần phát triển khu vực công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước; hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: viễn thông, dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin,…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng việc thu hút và sử dụng ĐTNN đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu nêu trên, nhưng khu vực ĐTNN cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục như: Mức kết nối, lan tỏa của khu vực ĐTNN đến khu vực tư nhân trong nước còn hạn chế; Thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực ĐTNN còn hạn chế; Còn hiện tượng một số DN chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục cho được các vấn đề này trong thời gian tới.