Hơn 1,3 triệu cuốn sách được luân chuyển từ thư viện đến 1.731 điểm BĐVHX
Sáng 29/11, tại Hà Nội, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm triển khai chương trình phối hợp công tác số 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT trong việc tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013 – 2020.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng phát biểu khai mạc hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định: “Việc triển khai chương trình phối hợp này là cơ sở quan trọng để hai ngành TT&TT và VHTT&DL thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy các hoạt động thư viện, hoạt động của các điểm BĐVHX, khẳng định vai trò, sự cần thiết của các tủ sách tại các điểm BĐVHX đối với sinh hoạt văn hóa ở các vùng nông thôn, đưa văn hóa đọc đến với mỗi người dân một cách sâu rộng và toàn diện”.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết, đến nay, chương trình đã được triển khai tại 1.731 điểm BĐVHX, góp phần giảm bớt khoảng cách tiếp cận thông tin của người dân ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và vùng nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn, chế khó khăn trong quá trình triển khai chương trình. |
Lưu ý rằng 1.731 điểm BĐVHX trên tổng số 8.000 BĐVHX hiện đang hoạt động trên phạm vi cả nước cũng chỉ chiếm 24%, tỷ lệ này không phải lớn, song bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTT&DL cũng khẳng định những kết quả đạt được trong 5 năm qua vẫn đáng được ghi nhận: Hơn 1,3 triệu cuốn sách được luân chuyển, hơn 11.449.200 triệu người dân đã được đọc sách báo, tiếp cận thông tin.
Việc đưa sách báo đến BĐVHX góp phần thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia (về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới) và 3 đề án (xây dựng xã hội học tập; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng).
Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng dẫn lại lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại một sự kiện cách đây ít lâu, rằng “phải nhìn nhận BĐVHX là đối tượng tiềm năng để phát triển văn hóa đọc, đưa thông tin tri thức đến người dân”.
Tuy nhiên, từ thực tiễn 5 năm qua, Vụ trưởng Vụ Thư viện chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai chương trình phối hợp đưa sách, báo về BĐVHX. Cụ thể: Số lượng bản sách luân chuyển chưa nhiều, nội dung sách nhiều khi còn nghèo, chưa đáp ứng nhu cầu người sử dụng; Tình trạng mất sách trong quá trình luân chuyển còn phổ biến (cấp huyện cao nhất 13%, cấp tỉnh cao nhất 12%, cũng có nơi quản lý tốt chỉ hao hụt 0,1% nhưng rất ít nơi như vậy);
Đặc biệt, rất nhiều địa phương chưa có chế độ phụ cấp thêm cho nhân viên BĐVHX khi triển khai hoạt động phục vụ sách báo, trong khi các điểm BĐVHX giờ chịu áp lực doanh thu cao, phải triển khai nhiều hoạt động khác như phát lương hưu, bán bảo hiểm…, nhân viên không có động lực để triển khai hoạt động phục vụ sách báo nếu không có thù lao.
Toàn cảnh hội nghị. |
Từ góc nhìn của các địa phương, bà Phạm Thị Kim, Giám đốc Thư viện tỉnh Đăk Lăk phân tích thêm một số khó khăn trong thực tế như: Số lần luân chuyển sách về BĐVHX còn ít, mới chỉ 2 lần/năm; Tỷ lệ mất sách cao do đối tượng đọc đa dạng, nhân viên BĐVHX quá nhiều việc, chưa có kỹ năng bảo quản sách.
“Qua 5 năm, tại địa phương ước tính đã số sách đã mất trị giá tới 51 triệu đồng. Chúng tôi đã họp để đánh giá lại tình hình, xử lý sách mất, sách rách. Cũng có tình trạng vì sợ mất sách nên nhân viên BĐVXH không mang sách ra phục vụ nữa vì nếu mất sách sẽ bị trừ lương để đền bù, trong khi nhân viên BĐVHX chỉ có lương cứng 850.000 đồng/tháng, không có phụ cấp, không được chi trả bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…”, bà Phạm Thị Kim chia sẻ.
Ông Dương Duy Tiến, Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An khuyến nghị: “Trong 473 điểm BĐVHX đang hoạt động tại Nghệ An, có nhiều điểm thuộc xã đặc biệt khó khăn, nhiều điểm BĐ-VHX nằm ở vị trí không thuận lợi, nên nhân viên điểm BĐVHX rất vất vả trong công tác kinh doanh. Thu nhập của họ quá thấp, phải kinh doanh các dịch vụ như bảo hiểm, bán thẻ… để đảm bảo đời sống nên không có thời gian phục vụ bạn đọc miễn phí. Đề nghị ngành Bưu điện không quá gây áp lực doanh thu, chi trả thêm thù lao cho nhân viên BĐVHX để họ chuyên tâm hơn trong việc phục vụ sách, báo cho người dân”.
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến thống nhất rằng thời gian tới, không nên chỉ dừng ở việc đưa sách báo truyền thống đến BĐVHX. Thư viện tỉnh nên chủ động phổ biến các bộ sưu tập số liên quan xây dựng nông thôn mới, kỹ năng sống… có thể chuyển giao những tài liệu đó cho BĐVHX thông qua trang web hoặc các phương tiện điện tử.