Hơn 1 triệu tấn nước nhiễm xạ Nhật Bản xả ra biển còn chứa chất gì?
Nhật Bản khẳng định nguồn nước nhiễm xạ xả ra biển chỉ còn chứa chất tritium không có khả năng gây hại cho sức khỏe con người khi ở hàm lượng thấp.
Trung Quốc cảnh báo sẽ có hành động đáp trả, sau khi Nhật Bản quyết định xả nguồn nước nhiễm xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Việc Tokyo tuyên bố xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima có thể khiến mối quan hệ Nhật – Trung trở nên căng thẳng.
Trong tuyên bố vào hôm nay (13/4), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích chính phủ Nhật Bản “vô cùng thiếu trách nhiệm” khi quyết định xả 1 triệu tấn nước thải ra Thái Bình Dương trong vòng 2 năm. Quyết định của chính phủ Nhật Bản đang vấp phải sự phản đối của ngành ngư nghiệp ở địa phương, cũng như từ các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc. Song phía Mỹ cho rằng, quyết định trên là chấp nhận được.
Nhật Bản xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương. (Ảnh: Kyodo) |
Chia sẻ trong cuộc họp Nội các vào sáng 13/4, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho hay kế hoạch xả nước nhiễm xạ ra biển là “phương án khả thi nhất”. Trước đó, kế hoạch đã bị trì hoãn suốt một thời gian dài do sự phản đối của dư luận trong nước và những mối quan ngại về mức độ an toàn.
Động đất hơn 9 độ richter kéo theo sóng thần vào tháng 3/2011 đã tạo ra thảm họa rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. Đây được xem là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.
Thủ tướng Suga nhấn mạnh, chính phủ Nhật Bản sẽ “thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối nguồn nước xả đã qua xử lý và giải quyết những tin đồn sai sự thật”. Cũng theo ông Suga, Nội các sẽ họp bàn trong vòng 1 tuần để lập chi tiết kế hoạch xả nước nhiễm xạ ra biển.
Trong khi đó, nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima là Công ty Điện lực Tokyo và các quan chức Nhật Bản cũng khẳng định nguồn nước nhiễm xạ được xả ra biển chỉ còn chứa tritium, nguyên liệu phóng xạ không có khả năng gây ảnh hưởng tới sức khỏe của con người khi ở hàm lượng thấp.
Giới chức Nhật Bản cho biết không thể loại tritium ra khỏi nguồn nước nhiễm xạ. Trong khi các nguyên liệu phóng xạ khác như strontium và caesium có thể được loại khỏi nguồn nước thải trước khi xả ra biển.
Tritium là chất phóng xạ đồng vị của hydro và được tổng hợp trong các phản ứng hạt nhân bao gồm cả những vụ thử hạt nhân. Trong nghiên cứu, tritium được sử dụng trong các lò phản ứng nhiệt hạch và trong các máy neutron. Trong ứng dụng cuộc sống, tritium được trộn với các chất phát sáng để tạo ra nguồn sáng liên tục.
Trong tuyên bố vào hôm nay, Bắc Kinh cũng đã đề cập tới những mối lo ngại về độ an toàn của nguồn nước thải mà Tokyo dự định xả ra biển. Trung Quốc cho biết, Nhật Bản chưa tham vấn đầy đủ với nước này mà đã đưa ra quyết định.
“Phía Nhật Bản đã bác bỏ sự phản đối của dư luận trong nước lẫn nước ngoài để đưa ra quyết định đơn phương xả nguồn nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển, mà không tham vấn đầy đủ với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh trong tuyên bố.
“Hành động này là vô cùng thiếu trách nhiệm và sẽ tạo ra nguy hiểm cực lớn đối với sức khỏe và an toàn của người dân các nước láng giềng, cũng như cộng đồng quốc tế”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
Trung Quốc kêu gọi Tokyo thu hồi quyết định và khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến sự việc, cũng như “có hành động đáp trả”.
Trong ngày 13/4, Hàn Quốc nhấn mạnh “vô cùng đáng tiếc” khi nghe được quyết định của Nhật Bản.
“Chính phủ Hàn Quốc vô cùng lấy làm tiếc về quyết định của chính phủ Nhật Bản liên quan tới hoạt động xả nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn cho người dân Hàn Quốc khỏi nguồn nước nhiễm xạ từ nhà máy Fukushima”, ông Koo Yoon-cheol, người đứng đầu Văn phòng Điều phối Chính sách của chính phủ Hàn Quốc nói.
Về phần mình, Tokyo khẳng định đã phối hợp chặt chẽ và nhận được sự hậu thuẫn từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Mỹ cũng đồng tình với quyết định của chính phủ Nhật Bản.
“Chúng tôi hy vọng chính phủ Nhật Bản tiếp tục phối hợp và trao đổi thông tin trong quá trình giám sát hiệu quả của hoạt động xả nước nhiễm xạ ra biển”, ông Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Trung Quốc hung hăng ở khu vực tranh chấp, Nhật Bản điều vũ khí 'khủng'
Để đối phó trước sự hung hăng từ Trung Quốc, Nhật Bản sẽ lần đầu tiên triển khai tiêm kích F-35B bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Minh Thu (lược dịch)