Hội thảo quốc tế 4G LTE tiểu vùng sông Mekong lần thứ nhất năm 2015
Từ năm 2009, Việt Nam đã đầu tư phát triển công nghệ 3G. Sau 5 năm triển khai, số lượng thuê bao sử dụng mạng 3G tại Việt Nam đã tăng từ 7 triệu thuê bao năm 2009 lến đến gần 29 triệu thuê bao vào tháng 1 năm 2015, chiếm gần 1/3 tổng dân số (số liệu do Cục Viễn thông cung cấp) và đang tiếp tục gia tăng một cách mạnh mẽ. Hiện nay, công nghệ 3G đã phủ sóng 63/63 tỉnh thành và các vùng biên giới hải đảo. Chất lượng dịch vụ 3G cũng gia tăng đáng kể, đạt tốc độ 42 Mbps. Giá cước sử dụng dịch vụ 3G cũng đã có nhiều thay đổi phù hợp với người sử dụng hơn.
|
Năm 2012, trên thế giới, công nghệ 4G đã có sự phát triển vượt bậc và từng bước thay thế công nghệ 3G. Cuối năm 2014, trên thế giới có hơn 300 đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông tại hơn 100 quốc gia đã cung cấp dịch vụ 4G. Trong đó, khu vực châu Á có 61 đơn vị thuộc 25 quốc gia. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, dịch vụ 4G đã được phát triển thành công tại các quốc gia có nền công nghệ tiên tiến, hiện đại như Singapore, Malaysia, Indonesia, Brune… Còn tại các quốc gia thuộc lưu vực tiểu vùng sông Mekong, công nghệ 4G vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc mới bước đầu được triển khai. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu tổng thể của Tập đoàn công nghệ Qualcomm thì dự tính đến năm 2020, trên thế giới sẽ có khoảng 25 tỷ thiết bị kết nối công nghệ internet di động. Như vậy, có thể khẳng định rằng thị trường công nghệ 4G tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và tại Châu Á nói chung còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
Đứng trước xu thế phát triển trên, Bộ Thông tin và truyền thông đã lựa chọn năm 2015 là thời điểm thích hợp để triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam. Nằm trong kế hoạch đó, Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã quyết định bảo trợ cho Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG ASEAN và Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế 4G LTE năm 2015 khu vực sông Mekong. Hội thảo quốc tế 4G LTE năm 2015 có chủ đề quy hoạch tổng thể, tối ưu hóa công nghệ, đa dạng hóa dịch vụ hướng tới đồng nhất công nghệ 4G tại tiểu cùng sông Mekong. Hội thảo sẽ bao gồm 01 phiên báo cáo chính và 02 phiên thảo luận chuyên đề.
Phiên báo cáo chính trong buổi sáng có chủ đề: “Quy hoạch tổng thể 4G tại Việt Nam và kinh nghiệm triển khai 4G tại các quốc gia khác” sẽ tập trung giới thiệu một số vấn đề như quản lý và cấp phép tần số 4G tại Việt Nam; những cam kết và lợi ích khi triển khai hệ sinh thái 4G; cơ hội và thách thức khi triển khai 4G tại Việt Nam; bài học kinh nghiệm xây dựng, triển khai công nghệ 4G tại các quốc gia khác. Cuối cùng là phiên thảo luận giữa các đại diện lãnh đạo ngành viễn thông của các quốc gia trong tiểu vùng sông Mekong về việc làm thế nào phát triển hài hòa công nghệ 4G tại các quốc gia này.
Chuyên đề 1 - “Định hướng phát triển công nghệ, hạ tầng và hệ sinh thái 4G” sẽ tập trung thảo luận về chủ đề làm thế nào để tối ưu hóa công nghệ, tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu mà vẫn xây dựng được một hạ tầng công nghệ 4G đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, các đơn vị viễn thông Việt Nam đã hoàn thành thử nghiệm công nghệ 4G theo sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và truyền thông cũng sẽ báo cáo kết quả thử nghiệm và một số vấn đề cần chú ý trong lộ trình phát triển 4G tại đơn vị mình.
Chuyên đề 2 - “Đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng 4G” sẽ tập trung thảo luận về chủ đề phát triển và quản lý dịch vụ nội dung số hoạt động trên nền tảng công nghệ 4G. Làm sao để thu hút được nhiều người sử dụng 4G thông qua những dịch vụ dành cho doanh nghiệp, dành cho cá nhân, những dịch vụ tập trung vào y tế, giáo dục, giao thông vận tải... Bên cạnh việc xây dựng, giới thiệu những dịch vụ mới thì những vấn đề quản lý nhà nước đối với những dịch vụ nội dung số cũng được đề cập tới nhằm xác định hành lang pháp lý cho các cty cung cấp dịch vụ nội dung số hoạt động.
Dự kiến, hội thảo sẽ có sự hiện diện của 400 khách mời là các chuyên gia, các nhà quản lý đại diện tất cả các đơn vị, tổ chức, công ty đang hoạt động trong thị trường viễn thông như Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông Công nghệ Thái Lan, Bộ Bưu chính và Viễn thông Lào, Bộ Bưu chính và viễn thông Campuchia, Bộ Truyền thông và Thông tin Công nghệ Myanma, các Cục, Vụ, các cơ quan quản lý viễn thông; các đơn vị cung cấp hạ tầng kỹ thuật, giải pháp; các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông; các đơn vị kinh doanh dịch vụ nội dung số; các đơn vị truyền thông báo chí… tại Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanma và một số quốc gia Âu Mỹ khác tham gia hội thảo. Tài trợ chính cho hội thảo là tập đoàn công nghệ Qualcomm, tài trợ vàng là tập đoàn công nghệ Samsung, tài trợ bạc là tập đoàn công nghệ Huawei. Ngoài ra, còn có các đơn vị khác tham gia với vai trò diễn giả, tài trợ hội thảo là các tập đoàn Ericsson, Cisco, Dell, MK Smart, Schneider Electric. Tham gia triển lãm sản phẩm thiết bị đầu cuối và giới thiệu công nghệ mới trong hội thảo có các đơn vị VNPT, Mobifone, Vinaphone, FPT Telecom, CMC Telecom, Netnam…