Hội Minh thề: Cán bộ, công chức không thề trước thần thánh!
Hiện nay, Hội Minh thề diễn ra vào sáng ngày 14 tháng Giêng, ban tổ chức dựng một đài thề trước cửa đền thờ Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, trước sự chứng giám của thần linh và sự hiện diện của đông đảo người dân địa phương và du khách.
Nghi thức “thiết linh trích địa” tại Hội Minh thề |
Đài thờ cao 3 tầng, tầng trên cùng đặt chiếc mũ của Thành hoàng làng; tầng 2 có mâm quả, nước, hoa và trầu cau; tầng dưới cùng giữa đặt 1 bát nhang, bên cạnh đặt hịch văn Minh Thề trên mâm mịch có phủ vải điều và con dao bầu.
Dưới đài thờ có nậm rượu, hai bên có đôi nến, bình cắm hương. Hai bên đài có bày biện lọng rủ, hạc thờ vào bộ bát biểu. Trước đài thờ có vẽ sẵn một vòng tròn bằng vôi (đường kính khoảng 2m), tâm vòng tròn để một chấm trắng. Khi người chủ tế múa trước đài thề cắm mạnh dao xuống vòng tròn biểu thị sự quyết tâm thực hiện đúng văn thề. Vòng tròn này được gọi là vòng tròn thiêng.
Những người tham gia trực tiếp Minh Thề gồm có: một chủ tế (áo lương, khăn xếp); mấy vị bồi tế (áo đen); lính giúp việc (áo đỏ và áo vàng); đông điền và tây điền (áo thụng xanh) là hai vị có nhiều kinh nghiệm về Minh Thề vừa đọc lệnh chỉ đạo các bước tiến hành vừa giám sát, nhắc nhở; đội tứ nữ quan của làng Hòa Liễu chỉ đứng thành hàng ngang phía sau chủ tế và bồi tế với tư cách quan sát viên mà không tham gia vào Minh Thề.
Hiện nay, Hội Minh thề được tổ chức theo nghi lễ cổ truyền với các nghi thức “thiết linh trích địa” (tức cắm mũi dao bầu xuống tâm vòng tròn thiêng), đọc hịch văn, uống máu ăn thề.
Nội dung hịch văn trong Hội Minh thề tại làng Hòa Liễu có đoạn:
“Chúng tôi gồm những người làm việc công của làng. Các vị bô lão và mọi người đại diện. Đại diện dân làng, hội họp tại trước cửa đền
Theo tục lệ uống máu ăn thề… Kính cáo chư thần
Một là, dân làng bầu ông… làm cấp trưởng, trông coi việc chính sự, cùng với các người tùy tùng của ông, mà lấy của công làm việc công thì các vị thần linh ủng hộ. Nhược bằng, nếu có lòng tham, lấy của công làm việc của tư, nguyện cầu vị thần linh đả tử! Y như lời thề!
Hai là, được dân làng bầu ông…làm cấp phó cùng trông coi việc chính sự cùng với các người cộng sự của ông, mà lấy của công làm việc công thì được các vị thần linh ủng hộ. Nhược bằng có lòng tham lấy của công làm của tư. Nguyện cầu các vị thần linh đả tử! Y như lời thề!
Trên từ cụ già, dưới đến 18 tuổi ở dân thôn, trong làng vườn tược, buồng cau trái chuối, ngoài đồng lúa mạ hoa màu, mọi người đều công minh chính trực, không tham gia vơ vét. Người nào tà tâm trộm cắp nhau nguyện cầu thần linh đả tử! Y thề”.
Hội Minh thề được tổ chức theo nghi lễ xưa |
Theo tìm hiểu của PV Infonet.vn, quan viên hàng xã trong thời kỳ phong kiến chỉ có Lý trưởng, Phó lý. Các chức này do dân bầu cử và quan trên cấp bằng. Còn các chức sắc khác ở làng cũng do dân bầu nhưng không thuộc hệ thống quan viên.
Trao đổi với PV, ông Bùi Đức Thảo, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết, với những giá trị đặc sắc về tư tưởng, với tinh thần nhân văn và giáo dục cao, Hội Minh thề ngày càng thu hút được đông người dân, du khách thập phương về dự. Hội Minh thề đã có tác động rất tích cực đến đời sống văn hóa, tinh thần ở địa phương và ý nghĩa của lễ hội này đang ngày càng “tỏa sáng”.
Trước “mong muốn”, “băn khoăn” của dư lận về việc vì sao tại Hội Minh thề lại không có quan chức thề, ông Thảo cho biết, theo quy định, Đảng viên, cán bộ, công chức không thề trước thần thánh mà chỉ thề trước Đảng, tổ quốc và làm việc theo đúng pháp pháp luật.
Như vậy có thể nói, căn cứ vào những nghiên cứu khoa học, ngược về lịch sử thì từ khi hình thành, quan lại trong thời phong kiến đã không phải thề trước thánh thần tại Hội Minh thề tại làng Hòa Liễu.
Hiện nay, Hội Minh thề vẫn được tổ chức theo nghi lễ từ xa xưa là hoàn toàn đúng theo tôn chỉ, mục đích, ý nghĩa và theo quy định pháp luật.