Hội đồng Hiến pháp cần hoạt động độc lập với Quốc hội
Thưa Giáo sư, Hội đồng Hiến pháp là một trong những điểm mới trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, vậy sự ra đời của Hội đồng Hiến pháp có thực sự cần thiết hay không?
Hiến pháp là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất của Nhà nước. Mọi văn bản trái với Hiến pháp đều phải bị hủy bỏ. Do vậy, phải có một cơ quan làm nhiệm vụ hủy bỏ các văn bản vi Hiến này. Khi được thông qua và thành lập, Hội đồng Hiến pháp sẽ làm nhiệm vụ này.
Xin Giáo sư cho biết, việc bảo đảm tính pháp lý của Hiến pháp ở các nước trên thế giới được thực hiện như thế nào?
Trên thế giới, hiện có 3 “con đường bảo Hiến”: Hoặc thành lập Tòa án Hiến pháp; hoặc giao cho Tòa án Tối cao (hủy bỏ các đạo luật vi hiến), Tòa án địa phương (tuyên bố một đạo luật không có hiệu lực ở địa phương mình nếu cho rằng đạo luật đó vi hiến); hoặc kết hợp cả 2 hình thức trên: vừa thành lập Tòa án Hiến pháp, vừa giao cho Tòa án địa phương.
Việc “bảo hiến” ở nước ta từ trước đến nay được thực hiện như thế nào, thưa Giáo sư?
Trước Hiến pháp năm 1992, nước ta đã có 2 bản Hiến pháp là Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1980. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều quy định của Hiến pháp chưa được thực hiện hoặc thực hiện không đúng tinh thần của Hiến pháp. Ví dụ, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 quy định, Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định cụ thể hóa các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội (Điều 14). Điều này có nghĩa, Chủ tịch nước là cấp dưới của UBTV Quốc hội. Đối chiếu địa vị pháp lý của Chủ tịch nước: Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước; thay mặt nhà nước thực hiện công việc đối nội, đối ngoại; chịu trách nhiệm trước Quốc hội; báo cáo trước Quốc hội và UBTV Quốc hội; do đó Chủ tịch nước không phải chịu trách nhiệm trước UBTV Quốc hội. Như vậy, tinh thần của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 không phù hợp với Hiến pháp nhưng không có cơ quan nào “tuýt còi” quy định này.
GS-TS Thái Vĩnh Thắng |
Tương tự, việc thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân (HĐND) phường, quận là trái quy định của Hiến pháp nhưng cũng không bị “tuýt còi”. HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên, bầu ra Ủy ban nhân dân (UBND). Với việc bỏ HĐND, UBND sẽ do cấp trên bổ nhiệm. Tuy nhiên, HĐND là thiết chế dân chủ, chỉ xã hội chúng ta mới có, xã hội phong kiến không có thiết chế này. Nếu HĐND làm không tốt thì củng cố, sao lại bỏ đi? Bỏ HĐND là tốt thì phải chăng nhiều năm trước HĐND phường, quận là thừa? …
Theo Giáo sư, Hội đồng Hiến pháp nên tổ chức và hoạt động như thế nào?
Trong nhà nước pháp quyền, bất cứ thiết chế nào cũng phải có sự kiểm soát. Quốc hội là một tập thể những con người. Do vậy, vẫn có thể có sai lầm, ở thời điểm hiện tại không sai lầm nhưng sau đó có thể sai lầm.
Quốc hội “làm ra” luật nên việc “bỏ” một văn bản luật “vi Hiến” đi là hơi khó. Chính vì vậy, nếu có một cơ quan “đứng ngoài” thực hiện công việc này thì sẽ khách quan hơn, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như nhận xét của các nhà nghiên cứu trên thế giới.
Đưa Hội đồng Hiến pháp vào Bộ máy nhà nước là sự tiến bộ. Đây là kết quả từ sự góp ý kiến của các nhà nghiên cứu, chuyên gia pháp luật, các đại biểu Quốc hội và nhân dân.
Quốc hội thành lập Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên, để Hội đồng Hiến pháp hoạt động hiệu quả, Hội đồng Hiến pháp cần độc lập với Quốc hội.
Xin cảm ơn Giáo sư!