Học thuyết quân sự mới của Nga đe dọa đáp trả hạt nhân
Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga |
Học thuyết đề cập tới hàng loạt hiểm họa mới đối với nước Nga, đặc điểm các cuộc xung đột quân sự hiện tại và cách thức chính phủ Nga định dùng để đối phó với các tình huống và các xung đột quân sự đang có chiều hướng gia tăng.
Phát biểu trên kênh truyền hình quốc phòng STAR, Giáo sư Viện hàn lâm Khoa học quân sự Nga, Vadim Kozyulin cho biết: “Học thuyết quân sự là một tài liệu ngoại giao giải thích các quyết định chính trị - quân sự của nhà nước Nga. Học thuyết gồm các luận điểm, cách diễn đạt, quan điểm của nhà nước về các hiểm họa đang hoặc sẽ xảy ra và biện pháp Nga dùng để đối phó với nó”.
Học thuyết mới chỉ ra 14 hiểm họa đe dọa tới an ninh quốc gia. Học thuyết quân sự công bố vào năm 2010 trước đó chỉ đề cập tới 11 mối hiểm họa. Hiểm họa đầu tiên trong các nguy cơ đe dọa từ bên ngoài vào Nga đó là việc NATO tăng cường tiềm năng sức mạnh, triển khai các cơ sở hạ tầng quân sự của mình sát biên giới Nga.
Đại tướng Valery Gerasimov - Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga cho biết: “ NATO lợi dụng sự kiện chính trị tại Ukraine để triển khai các cơ sở hạ tầng quân sự sát biên giới Nga. Liên minh quân sự này liên tục triển khai quân và các thiết bị quân sự tại Ba Lan, các nước vùng Baltic, khu vực biển Đen và biển Baltic”.
Ông Valery Gerasimov nói rằng, NATO còn lấy lí do “chống lại các mối đe dọa từ phương Đông” để tăng cường các cuộc tập trận và huấn luyện quân sự.
Tổng tham mưu trưởng Gerasimov cho rằng, các nước phương Tây đã trực tiếp tham gia vào việc lật đổ chính quyền hợp pháp ở một số quốc gia. Điều này đã dẫn đến những hậu quả tai hại ở Nam Tư, Libya và Syria. Tình hình tại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân sẽ càng nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh căng thẳng tại Iraq và Syria, hoạt động gia tăng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (yếu tố then chốt của Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông) đang đe dọa tình hình an ninh của khu vực Trung Á.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams của quân đội Mỹ |
Gần đây, NATO đã thông qua quyết định thành lập các lực lượng phản ứng nhanh, tái triển khai 150 xe tăng M1 Abrams và các loại xe chiến đấu bộ binh (IFV) Bradley của Mỹ tại khu vực Đông Âu, gia tăng các máy bay chiến đấu F-16, có khả năng mang theo bo hạt nhân chiến thuật B-61 trong vùng Baltic. Theo các nguồn tin khác nhau, ít nhất có khoảng 150-400 quả bom B-61 đang nằm ở căn cứ không quân của Mỹ tại Đức.
Tư lệnh Không quân Nga - Thượng tướng Vladimir Bondarev cho biết, NATO đang tích cực triển khai các máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) để thực hiện các chuyến bay giám sát không phận ở phía Tây Biển Đen, Ukraine và phía Tây nước Nga. Từ năm 2014, các chuyến bay trinh sát của Mỹ và các nước NATO trên lãnh thổ của các nước Baltic, biển Baltic và Biển Barents tăng đáng kể, trung bình khoảng 8-12 chuyến bay/tuần. Tức là hơn 140 chuyến bay RC-135 đã được thực hiện thay vì 22 chuyến như năm 2013.
Tại khu vực Kaliningrad và vùng biển Baltic liên tục xuất hiện các máy bay trinh sát Gulf Stream của không quân Thụy Điển, P-3C Orion của không quân Đức, Challenger của không quân Đan Mạch, Orion của Bồ Đào Nha. Các chiến đấu cơ này xuất phát từ căn cứ không quân Zokniai ở Litva.
Theo chuyên gia quân sự Viktor Litovkin, trong Học thuyết quân sự năm 2010, Nga coi NATO là một liên minh Nga có thể hợp tác để củng cố hệ thống an ninh toàn cầu. Nhưng Học thuyết mới chỉ rõ rằng, NATO và Mỹ là kẻ thù địa chính trị chính của Nga trong thời điểm hiện tại. 75% ngân sách của NATO do Mỹ tài trợ. Vì vậy, khá là hợp lý khi tác giả của Học thuyết mới đánh đồng chính sách của Mỹ và NATO vào làm một.
Học thuyết quân sự mới dự báo trước các phản ứng của Nga đối với các sự kiện đang diễn ra. Lần đầu tiên, một tài liệu đề cập tới: tính hợp pháp của việc sử dụng vũ lực để đẩy lùi hành vi xâm lược chống lại Nga và đồng minh; các hành động đáp trả đối với các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các liên minh quân sự khác và các hành động bảo vệ công dân của Nga ở nước ngoài. Mọi hành vi tấn công hay xâm lược các nước đồng minh hay thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đều coi như hành vi xâm lược Nga.
Máy bay ném bom chiến lược TU-160 |
Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân đối phó với việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt khác chống Nga và các đồng minh của mình, cũng như trong trường hợp vũ khí thông thường được sử dụng để xâm lược Nga, khi có mối đe dọa tới sự tồn tại của nhà nước Nga. Tổng thống Nga là người ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.
Phát biểu trên một tạp chí quốc phòng, cựu Tổng tham mưu trưởng Yuri Baluyevsky cho hay: “Chúng ta biết rằng vũ khí hạt nhân luôn là thành phần then chốt trong các chiến lược răn đe từ trước tới nay và ngay cả trong tương lai. Với tình hình chính trị - quân sự trên thế giới hiện nay, vũ khí hạt nhân như là cán cân bảo đảm và là biểu tượng cho sức mạnh quân sự. Chúng ta gọi đó là “răn đe hạt nhân” - nghĩa là việc ngăn ngừa bất kỳ hành động xâm lược nào của kẻ thù bằng cách đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.
Theo học thuyết quân sự mới, trong số các biện pháp răn đe về sức mạnh quân sự, Nga ưu tiên sử dụng các loại vũ khí có độ chính xác cao. Đây là lần đầu tiên tuyên bố này xuất hiện trong học thuyết quân sự. Điều này giải thích cho sự gia tăng các khoản chi tiêu quân sự để hiện đại hóa quân đội Nga hiện nay. Năm 2015, Bộ quốc phòng sẽ chi 3,3 tỷ rúp để hiện đại hóa cho lục quân, hải quân và xây dựng các cơ sở hạ tầng quân sự mới. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Tatyana Shevtsova, con số này chiếm 4,2% tổng sản phẩm quốc nội, gấp 2 lần so với các khoản chi tiêu cho quốc phòng những năm gần đây.
Tổ hợp tên lửa Iskander - M |
Nga sẽ đưa hơn 50 tên lửa đạn đạo liên lục địa mới vào Lực lượng hạt nhân chiến lược; trang bị các tên lửa hành trình phi hạt nhân X-555 và X-101 cho các loại máy bay ném bom chiến lược Tu-22, Tu-160 và Tu-95; tiếp tục nghiên cứu chế tạo loại tên lửa siêu thanh mới triển khai trên tàu chiến Zircon, đặt thêm các trạm radar cảnh báo sớm (tên lửa) tầm xa Voronezh-DM trên lãnh thổ đất nước. Vệ tinh cảnh báo tấn công tên lửa Tundra sẽ được phóng lên quỹ đạo trong năm tới. Năm 2015, Nga cũng sẽ đưa các hệ thống tên lửa chiến lược "Iskander-M" vào căn cứ quân sự tại Crimea, Kaliningrad, Leningrad và có thể cả Belarus nữa.
Theo cựu Tổng tham mưu trưởng Yuri Baluyevsky, các văn bản kế hoạch chiến lược của Nga như: “Chiến lược an ninh quốc gia”, “Học thuyết quân sự”, “Quan điểm chính sách đối ngoại” được coi là nền tảng cơ sở cho các chính sách của Nga – một nhà nước độc lập. Chúng bác bỏ hoàn toàn “báo cáo và kết luận” của các chuyên gia NATO rằng Nga không có ý định duy trì và phát triển một mối quan hệ mang tính xây dựng. Thật khó để NATO và các nước thành viên thoát khỏi sự ngờ vực đối với Nga, nhưng điều đó nên được thực hiện. Chỉ có như thế, quan điểm chiến lược của NATO mới thích ứng với thực tế của thế kỷ XXI.