Học phí đại học hơn nửa tỷ 6 năm: Hết "cửa" cho sinh viên nghèo
Trường ĐH Y dược TP.HCM vừa công bố mức học phí tăng "chóng mặt" từ mức 13 triệu đồng/năm lên 50-70 triệu đồng/năm trong phương án tuyển sinh 2020.
Cụ thể, so với mức thu hiện tại chỉ 1,3 triệu đồng/tháng, tương ứng 13 triệu đồng/năm, học phí dành cho sinh viên khóa mới của Trường ĐH Y Dược TP.HCM từ năm 2020 với ngành Răng - Hàm - Mặt lên tới 70 triệu đồng/năm, ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm.
Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh, Điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng là 40 triệu đồng/năm, ngành Y học dự phòng và Y học cổ truyền 38 triệu đồng/năm; ngành Dinh dưỡng và Y tế cộng đồng thấp nhất là 30 triệu đồng/năm.
Dự kiến tăng 10% học phí các năm tiếp theo.
Học phí trường Y Dược TP.HCM tăng "chóng mặt" |
Nhiều người cho rằng, với mức học phí tăng cao thế này thì con em nông dân, người thu nhập thấp dù có giỏi thì cũng khó có cơ hội học ngành y của trường này.
Một bạn đọc nhẩm tính, với ngành Răng - Hàm - Mặt của ĐH Y Dược TP.HCM, nếu tính theo dự kiến tăng 10% học phí các năm tiếp theo, sinh viên học năm thứ nhất sẽ đóng 70 triệu đồng/năm, năm thứ hai là 77 triệu đồng/năm, năm thứ 3 là 84,7 triệu đồng, năm thứ 4 là 93,1 triệu đồng, năm thứ 5 là 102,4 triệu đồng và năm học thứ 6 là 112,6 triệu đồng.
Như vậy sau 6 năm học, một sinh viên ngành Răng - Hàm - Mặt sẽ phải đóng khoảng 540 triệu đồng học phí.
Ngoài ra, với sinh viên tỉnh lẻ, tiền thuê trọ, ăn uống, sách vở tiết kiệm tối đa cũng tốn khoảng 2,5 triệu/tháng và sau 6 năm chi phí đó là 180 triệu đồng.
Tính tổng chi phí sinh hoạt và học phí của sinh viên ngành này tới khi ra trường vào khoảng 720 triệu đồng.
Trong khi đó, một bác sĩ ra trường lương cao cũng chỉ khoảng 10 triệu/tháng. Nếu người đó vay tiền đi học, sau khi trừ chi phí sinh hoạt tạm tính 5 triệu/tháng thì cũng mất nhiều năm để trả hết nợ học phí thời sinh viên.
“Chẳng kể con nhà nghèo, ngay cả con em cán bộ viên chức cũng khó đủ tiền cho con theo học. Thiết nghĩ giáo dục và đào tạo vừa là vun trồng nhân tài cho đất nước vừa thể hiện tính ưu việt của xã hội, cho nên cần có chính sách đối với giáo dục và đào tạo nhất là những ngành đặc thù như y dược để tạo cơ hội bình đẳng cho mọi công dân, để người có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể theo học.
Không thể cứ tự chủ tài chính là học phí tăng chóng mặt. Như vậy ngành đặc thù không thu hút được nhân tài, nhất là những nhân tài có hoàn cảnh khó khăn”, chị An Phương (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nêu quan điểm.
Theo lãnh đạo một trường đại học y dược phía Bắc, chi phí đào tạo một sinh viên trường y rất tốn kém, nếu không có hỗ trợ của ngân sách nhà nước thì với mức thu học phí khoảng 13 – 14 triệu/năm là không thể đào tạo.
Bởi lẽ, ngành y yêu cầu đào tạo rất cao, cán bộ đào tạo cũng là học hàm từ phó giáo sư, giáo sư. Đó là chưa kể các phòng thí nghiệm, phòng thực hành trang thiết bị máy móc luôn là tối tân, hiện đại nhất.
“Nếu ĐH Y Dược TP.HCM tự chủ hoàn toàn, không được ngân sách nhà nước hỗ trợ thì mức thu như trên là hoàn toàn bình thường.
Trường tôi hiện vẫn được nhà nước cấp ngân sách đào tạo nên ngành học phí cao nhất dao động khoảng trên dưới 14 triệu/năm, nhưng nếu tự chủ hoàn toàn chắc chắn học phí phải cao hơn”, vị lãnh đạo trường đại học y dược này cho hay.
Hoàng Thanh