Hoạt động cứu hộ vụ sập nhà máy Bangladesh kết thúc
Một phát ngôn viên của cơ quan quân đội cùng tham gia hoạt động cứu hộ cho hay, 1.127 là số người chết nhiều nhất trong một vụ tai nạn nhà máy kể từ thảm họa Bhopal năm 1984 ở Ấn Độ và có thể là con số cuối cùng vì không thi thể nào được tìm thấy hôm qua.
“Các nhân viên cứu hộ đã chui xuống móng nhà, nơi cơ hội tìm thêm thi thể người chết là rất thấp”, đội trưởng đội cứu hộ Tazul Islam cho hay.
Theo phát ngôn viên quân đội Shahinul Islam, hiện trường sẽ được bàn giao cho chính quyền quận hôm nay để hoàn thành công việc cứu hộ.
Nhân viên cứu hộ hôm qua ngừng tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sập nhà máy Bangladesh. |
Reshma Begum (19 tuổi), người phụ nữ Bangladesh sống sót sau 17 ngày bị chôn vùi dưới đống đổ nát, hôm qua lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng và nói rằng cô thoát chết là nhờ tinh thần kiên trì. “Sau một hồi lâu, tôi mới có thể lấy lại cảm giác và nghe thấy một vài tiếng nói (của các nạn nhân khác) quanh tôi. Họ khóc lóc và xin uống nước. Tôi không nhìn thấy gì vì khắp nơi đều tối đen như mực”, Begum kể lại khoảnh khắc kinh hoàng sau vụ sập nhà.
Begum nói rằng cô cuối cùng tìm thấy một gói bánh và 2 chai nước, nhờ đó cô có thể trụ được trong nhiều ngày. “Sau đó, chẳng còn gì để ăn”.
Người phụ nữ may mắn kể rằng, cô có thể nghe thấy nhiều nạn nhân khác đang khóc lóc dưới đống đổ nát. “Nhưng tôi không sợ. Tôi không biết tôi có sức mạnh lớn như vậy từ đâu. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể sống sót. Tôi được cứu sống là nhờ thánh Allah toàn năng”, Begum chia sẻ. Các bác sĩ cho hay cô đang dần hồi phúc sau khi bị chứng mất nước cấp tính.
Hôm qua, nội các Bangladesh đã chấp nhận việc sửa đổi luật lao động, mở đường cho quốc hội cho phép các công nhân may mặc thành lập công đoàn mà không cần sự đồng ý của chủ lao động, nhằm cải thiện điều kiện làm việc và đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn. Các tổ chức lao động quốc tế và nhân quyền từ lâu vận động cho người lao động có thể thành lập công đoàn mà không cần sự chấp thuận như vậy.
Việc sửa đổi được thông qua một ngày sau khi chính phủ quyết định thành lập một ban quản trị lương để xem xét việc tăng lương cho công nhân ngành may. Mức lương hàng tháng tối thiểu của công nhân may hiện tại ở Bangladesh là 38 USD, sau khi đã được tăng khoảng 80% từ năm 2010. Mức lương này được xem là quá thấp và gây ra các vụ biểu tình trong nhiều tháng qua trên đường phố Bangladesh.
Bình An