Hoàn cầu "phát cáu" với bồn cầu Nhật Bản
Bàn cầu điện tử (washlet) mới nhất của Toto được trang bị thêm chức năng xịt rửa và tiết kiệm nước bên cạnh các chế độ của một vòi rửa tiêu chuẩn. |
Tờ Thời báo Hoàn Cầu do Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc quản lý đã xuất bản các ấn phẩm viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung với nhan đề: “Cường điệu hóa sự nổi tiếng các bồn cầu Nhật Bản”.
Bài báo viết rằng, mua các thiết bị vệ sinh Nhật Bản “là trò hề đối với việc Trung Quốc tẩy chay hàng Nhật. Khách du lịch nước này đã đổ xô đến các cửa hàng của Nhật trong tình trạng nhu cầu nội địa ế ẩm, chậm chạp. Điều này chắc chắn chẳng phải việc đáng tự hào”.
Được biết, giữa hai quốc gia đang xảy ra tranh chấp về một hòn đảo trên Biển Đông mà Tokyo gọi là Senkaku, còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Cả hai bên đều liên tục cử các tàu và máy bay đến khu vực này.
Nhưng dù có nhiều khác biệt về chính trị, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn có một mối quan hệ kinh doanh gần gũi. Theo số liệu của Công ty chứng khoán lớn nhất Nhật Bản Nomura Securities, gần nửa triệu du khách Trung Quốc đã tràn sang Nhật trong kỳ nghỉ Tết âm lịch vừa rồi và đã chi tiêu khoảng 882 triệu USD.
Vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao Thời báo Hoàn Cầu lại tức giận vì sự việc nhỏ nhặt này, nhưng có thể họ đã bị kích động từ một bài báo khác đăng trên tờ Thanh niên Bắc Kinh rằng bệt xí vệ sinh chỉ xếp sau nồi cơm điện - mặt hàng phổ biến nhất đối với các khách du lịch Trung Quốc đến thăm Nhật Bản.
Phụ kiện phòng tắm chất lượng cao này đã phổ biến khắp Nhật Bản, thường được trang bị nhiều vòi rửa, máy sấy khô và nắp đóng/mở tự động. Chúng cũng được coi là biểu tượng trong tầng lớp người giàu mới nổi ở Trung Quốc.
Thời báo Hoàn Cầu đã thừa nhận rằng độ nổi tiếng của thiết bị vệ sinh này “không phải là ngẫu nhiên khi chúng thực sự chứng tỏ được sức sáng tạo của con người, thiết kế thông minh và tinh tế của hàng hóa Nhật Bản”. Nhưng họ cũng viết thêm: “Bệt vệ sinh đẳng cấp thế giới không phải là thứ mà các nhà sản xuất Trung Quốc muốn chế tạo”.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Japan Times - một tờ báo được xuất bản bằng tiếng Anh tại Nhật Bản và thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn The Japan Times. Tờ báo này được phát hành lần đầu tiên vào năm tháng 3/1897.