Hoài nghi ngân hàng ACB được vinh danh "minh bạch"
Được biết "Doanh nghiệp minh bạch nhất HNX 2012 -2013" là giải thưởng do Sở GDCK Hà Nội (HNX) trao tặng. Theo HNX, việc đánh giá giải thưởng năm nay được thực hiện bởi một Hội đồng độc lập, gồm các chuyên gia về quản trị doanh nghiệp đến từ các cơ quan quản lý, thành viên thị trường với chủ đề “Công bố thông tin và minh bạch”. Đây là lần đầu tiên HNX đánh giá các chất lượng quản trị công ty đối với các tổ chức niêm yết trên sản này với mong muốn thúc đẩy nâng cao nhận thức của doanh nghiệp niêm yết về công bố thông tin và minh bạch.
Về mặt phương pháp luận, HNX sử dụng khuyến nghị của OECD về quản trị công ty, Thông tư 52, Thông tư 121 và các quy định khác liên quan với 5 lĩnh vực chính: (A) Quyền của cổ đông, (B) Đối xử bình đẳng với cổ đông, (C) Vai trò của các bên liên quan, (D) Minh bạch và công bố thông tin, (E) Trách nhiệm của HĐQT.
Cũng theo HNX, những công ty có quản trị công ty tốt sẽ mang lại cho các cổ đông cơ hội thụ hưởng những quyền lợi của mình trong công ty, cho phép Hội đồng quản trị chỉ đạo và giám sát hiệu quả Ban giám đốc cũng như đảm bảo cung cấp thông tin một cách đầy đủ kịp thời cho tất cả các cổ đông, hướng tới lợi ích lâu dài của công ty và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế và cho xã hội.
Tuy nhiên, nhìn lại hoạt động trong hai năm qua của ACB, có thể thấy nổi cộm nhất vụ án liên quan đến “Bầu Kiên” (Nguyễn Đức Kiên) - Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập và Chủ tịch Hội đồng đầu tư tại ACB. Sau gần 1 năm điều tra, đến ngày 07/08/2013, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Bộ Công an đã có kết luận đề nghị truy tố Bầu Kiên và 7 đồng phạm khác 4 tội danh bao gồm Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế và Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ACB và một số công ty khác.
Các bị can khác bị đề nghị truy tố trong vụ án liên quan đến HĐQT và Ban điều hành của ACB bao gồm: ông Trần Xuân Giá – Nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; ông Lê Vũ Kỳ, ông Phạm Trung Cang, ông Trịnh Kim Quang - Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB và ông Lý Xuân Hải - Nguyên Tổng Giám đốc ACB.
Bên cạnh đó là vấn đề công bố thông tin báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của ngân hàng. Theo Thông tư 52 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, công ty đại chúng phải lập báo cáo thường niên và công bố thông tin về báo cáo thường niên chậm nhất là hai mươi (20) ngày sau khi công bố báo cáo tài chính năm được kiểm toán. Công ty đại chúng phải công bố thông tin về báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán chậm nhất là mười (10) ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán độc lập ký báo cáo kiểm toán. Thời hạn công bố thông tin báo cáo tài chính năm không quá chín mươi (90) ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Như vậy, chậm nhất thì đến 31/03 thì các công ty niêm yết (có NĐTC 01/01 - 31/12) phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán. Và 20 ngày sau đó, tức là vào 20/04 là hạn chót nộp báo cáo thường niên 2012.
Tuy nhiên, đến ngày 16/04/2013, ACB mới công bố Báo cáo tài chính năm 2012 trên website ngân hàng, trễ nửa tháng so với quy định công bố thông tin. Đến ngày 03/05/2013, ACB cũng mới công bố Báo cáo thường niên năm 2012 trong khi hạn chót là vào 20/04/2013.
Thêm vào đó, ACB cũng có sự khác biệt lớn về số liệu BCTC sau soát xét. Cụ thể, giữa BCTC hợp nhất bán niên soát xét và BCTC hợp nhất quý 2/2012, kinh doanh ngoại hối và vàng của ACB từ lãi 15.6 tỷ đồng chuyển sang lỗ 106 tỷ đồng. ACB đã có giải trình nguyên nhân của sự chênh lệch này là do ngân hàng hoạch toán nhầm khoản lãi tiền gửi của ngân hàng tại các TCTD khác là 122.38 tỷ đồng vào thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng thay vì phải hoạch toán vào thu nhập lãi từ tiền gửi.