Hoa Sen Group chi hơn 1 tỷ đồng/ngày trả lãi vay, lợi nhuận giảm sút
Niên độ tài chính 2016-2017 của HSG được tính từ 01/10/2016 đến 31/09/2017. HSG ước tính sản lượng tiêu thụ trong cả niên độ tài chính đạt trên 1,66 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ và vượt 5% so với kế hoạch. Doanh thu đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với cùng kỳ và vượt 14% so với kế hoạch.
Có thể thấy, mức tăng trưởng của doanh thu đến từ sức tiêu thụ và giá bán vượt kỳ vọng đã đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông đầu niên độ tài chính. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của HSG đạt 1.330 tỷ đồng, giảm 12% so với niên độ tài chính 2015-2016 và thấp hơn 19% so với kế hoạch.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với mặt bằng giá thép thế giới trong năm cao hơn hẳn so với niên độ tài chính 2015-2016, việc HSG không đạt kế hoạch kinh doanh có thể do hai nguyên nhân chính là gánh nặng chi phí lãi vay cộng với chính sách hàng tồn kho không hợp lý.
Có thể thấy mặc dù giá thép cán nóng HRC trung bình niên độ tài chính 2016-2017 cao hơn 44% so với niên độ tài chính 2015-2016, giá HRC vẫn trải qua những biến động lên xuống mạnh. Vì vậy các nhà sản xuất không có chính sách hàng tồn kho hợp lý vẫn có thể chịu tác động tiêu cực.
Đối với HSG, việc doanh nghiệp giảm gần 3.000 tỷ đồng hàng tồn kho trong khi giá HRC tạo đáy trong tháng 4/2017 và tăng hàng tồn kho thêm hơn 3.000 tỷ đồng trong khi giá HRC leo dốc trong quý 4 của niên độ tài chính (01/07-31/09/2017) có thể là lý do khiến biên lợi nhuận gộp trong quý 4 của doanh nghiệp suy giảm.
VDSC cho rằng lượng hàng tồn kho gần 9.000 tỷ đồng tại thời điểm giá HRC lập đỉnh có thể khiến biên lợi nhuận gộp các quý sau của HSG tiếp tục bị ảnh hưởng, đặc biệt nếu giá HRC hạ nhiệt sau nửa năm tăng nóng.
Lý do thứ hai khiến lợi nhuận suy giảm là việc tăng vay nợ của Hoa Sen Group, đồng nghĩa với gánh nặng chi phí lãi vay đã gây sức ép lên lợi nhuận.
So sánh với niên đội tài chính trước, khi HSG chỉ phải trả khoản lãi vay khoảng 50 tỷ đồng/quý, thì trong niên độ tài chính 2016-2017, việc phải chi ra trên 100 tỷ đồng/quý để trả lãi vay ngân hàng là một trong những nguyên nhân khiến biên lợi nhuận ròng của HSG đang giảm dần.
VDSC ước tính niên độ tài chính 2017-2018 với tốc độ tăng hàng tồn kho hiện tại, Hoa Sen Group sẽ phải tiếp tục giữ tỷ lệ nợ/tổng tài sản trên 70% và chịu khoản chi phí lãi vay trên 600 tỷ đồng cho năm tài chính tới, điều này sẽ tiếp tục làm suy giảm biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính của HSG, các chi phí hoạt động cũng tăng tương đối đáng kể. Chi phí bán hàng trên 1.500 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ do các hoạt động tăng độ phủ trên thị trường vật liệu xây dựng.
Việc HSG đang đẩy mạnh chiết khấu cho sản phẩm ống nhựa để cạnh tranh với các nhà sản xuất truyền thống như Nhưa Bình Minh (BMP), Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (NTP) có thể là một trong những nguyên nhân khiến chi phí bán hàng tăng mạnh và biên lợi nhuận ròng giảm so với cùng kỳ.
Trên thị trường ống nhựa, hai nhà sản xuất truyền thống là BMP và NTP nắm khoảng 50% thị phần cả nước, trong khi ống nhựa Hoa Sen nắm giữ khoảng 8% thị phần.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu HSG đã 20% kể từ đầu tháng 10 cho đến phiên giao dịch cuối tuần qua, 10/11, và đang đứng ở mức giá 23.000 đồng/cổ phiếu.