Hoa Kỳ rút khỏi UNESCO để trốn nợ?
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khen ngợi quyết định của Hoa Kỳ là “dũng cảm và đạo đức”.
Trước đó, người đứng đầu UNESCO Irina Bokova gọi việc Mỹ rút khỏi tổ chức này là một “hành động đáng tiếc trầm trọng”.
Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối tháng 12/2018, từ giờ cho đến lúc đó, Washington vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một thành viên.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay nước này sẽ thiết lập một nhóm nhiệm vụ quan sát tại tổ chức UNESCO để thay thế các đại diện của mình.
Năm 2016, UNESCO lên tiếng chỉ trích những hoạt động của Israel tại khu thánh địa ở Jerusalem. Nguồn: BBC |
Trong khi đó, Thủ tướng Israel cũng viết trên Twitter rằng ông sẽ hướng dẫn Bộ Ngoại giao “chuẩn bị cho quá trình rút khỏi UNESCO song song với Mỹ”.
Tại sao Trump không thích UNESCO?
UNESCO là một mục tiêu khá dễ dàng đối với Tổng thống Donald Trump. Đây là một cơ quan đa phương với các mục tiêu phát triển và giáo dục như thúc đẩy giáo dục giới tính, xóa mù chữ và bình đẳng cho phụ nữ.
Việc Mỹ rút khỏi tổ chức này được nhiều chuyên gia đánh giá là một phần trong kế hoạch “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump cũng như định kiến của ông chủ Nhà Trắng về các tổ chức đa phương. Điều đáng nói là UNESCO là một phần trong khối các tổ chức quốc tế mà Hoa Kỳ đã tích cực hỗ trợ thành lập từ sau Thế chiến thứ II.
Tuy nhiên, xu hướng “bài” Israel của tổ chức này lại là một vấn đề đáng được quan tâm. UNESCO đã lên án Israel trong quá khứ vì các hoạt động của nhà nước này tại khu Bờ Tây và Đông Jerusalem. Và mới đầu năm nay tổ chức này cũng chứng nhận thành phố cổ Hebron là di tích thế giới thuộc Palestine, một hành động mà Israel một mực phản đối.
Tại sao Thủ tướng Israel cũng hành động như vậy?
Một loạt quyết định của UNESCO đã vấp phải sự chỉ trích từ Hoa Kỳ và Israel. Năm 2011, Mỹ đã cắt viện trợ cho tổ chức này để phản đối việc UNESCO trao tư cách thành viên chính thức cho Palestine.
Và năm ngoái, Israel cũng ngừng hợp tác với UNESCO sau khi cơ quan này thông qua một nghị quyết gây tranh cãi khi không xem xét đến các quan hệ của người Do Thái ở một thánh địa quan trọng tại Jerusalem. Nghị quyết này cũng chỉ trích các hoạt động của Israel tại các thánh địa ở Jerusalem và việc xâm chiếm khu Bờ Tây.
Sau đó, đến đầu năm 2017, ông Netanyahu đã chỉ trích UNESCO vì tuyên bố thành phố cổ Hebron là khu di tích thế giới của Palestine. Ông cho rằng UNESCO đã lờ đi những chứng tích lịch sử của Jerusalem với thành phố này.
Các mốc thời gian đầy rắc rối của UNESCO
Tháng 11/1945: UNESCO được thành lập với 37 quốc gia thành viên ngay sau Thế chiến thứ II, với mục đích “đóng góp cho hòa bình và an ninh bằng cách thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia thông qua giáo dục, khoa học và văn hóa”.
Mỹ và Israel nối tiếp nhau rút khỏi UNESCO. Nguồn: Twitter |
1974: Quốc hội Mỹ tạm ngừng đóng góp của nước này sau khi UNESCO chỉ trích Israel và công nhận Tổ chức Tự do Palestine.
1984: Dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, Mỹ đã rút khỏi UNESCO vì cho rằng tổ chức này mang xu hướng chính trị cánh tả và thiếu trách nhiệm về mặt tài chính.
1985: Vương quốc Anh rút khỏi UNESCO, sau đó tái gia nhập khi thay đổi chính phủ năm 1977.
2003: Mỹ gia nhập lại dưới thời cựu Tổng thống George W Bush.
2011: Mỹ rút viện trợ để phán đối tư cách thành viên của Palestine tại Liên Hiệp Quốc.
2017: Mỹ tuyên bố sẽ rút hoàn toàn khỏi UNESCO và Israel ngay lập tức cũng theo sau.
Ngân sách đóng vai trò như thế nào?
Bên cạnh việc cáo buộc UNESCO thiên vị, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này cũng lo ngại về khoản tài chính mà Mỹ còn nợ tổ chức này và cho rằng UNESCO cần phải cải cách. Lý do chính của khoản nợ này là vì trong 6 năm qua, Mỹ đã cắt giảm hơn 80 triệu USD hỗ trợ cho UNESCO vì công nhận Palestine làm thành viên, khiến ngân sách của tổ chức này giảm 22%.
Các báo cáo cho biết việc Mỹ rút khỏi UNESCO cũng một phần là do Washington muốn dừng các khoản nợ dồn. Cho đến nay, tổng cộng Hoa Kỳ vẫn còn nợ hơn 500 triệu USD.
Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích việc Mỹ phải đóng góp quá nhiều cho các tổ chức của Liên Hiệp Quốc, ví dụ như 22% cho quỹ thường xuyên của LHQ và 28% cho tổ chức gìn giữ hòa bình của LHQ.
LHQ và các nước phản ứng ra sao?
Người đứng đầu UNESCO, bà Bokova cho rằng việc thôi tư cách thành viên của Hoa Kỳ là một sự mất mát đối với “gia đình LHQ” và cho sự đa phương hóa nói chung. Nhưng bà thừa nhận có hiện tượng “chính trị hóa” và “các vấn đề tài chính” trong tổ chức này những năm gần đây.
Bà Bokova cho hay bà đã thông báo với các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ nhiều lần rằng việc trả nợ cho UNESCO không phải là một vấn đề, mà ưu tiên vẫn là Washington tiếp tục duy trì tư cách thành viên.
Tổng thư ký LHQ, Antonio Guterres phát biểu rằng ông “rất lấy làm tiếc” vì quyết định của Mỹ, song LHQ vẫn sẽ tiếp tục “hợp tác với Washington một cách hiệu quả trong nhiều lĩnh vực thông qua một loạt tổ chức khác”.
Trong khi đó, Nga cũng bày tỏ sự lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ nhưng đồng tình rằng UNESCO thời gian qua đã bị chính trị hóa.