Hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất phải đặt lên hàng đầu
ĐB Võ Kim Cự, đoàn Hà Tĩnh phản ánh, vấn đề đất đai liên quan đến mọi đối tượng trong xã hội, có vai trò đặc biệt quan trọng cấp bách cả trước mắt và lâu dài. Người dân và DN đang rất tin tưởng kỳ họp này sẽ sớm thông qua Luật đất đai sửa đổi. Bởi nếu thông qua chậm sẽ gây ra nhiều hệ lụy đối với vấn đề kinh tế xã hội không thể lường trước được. Tuy nhiên ông Cự cũng khuyến cáo cơ quan soạn thảo cần đầu tư thỏa đáng cho bộ luật sửa đổi lần này để bảo đảm tính khả thi vào cuộc sống, khắc phục các khiếm khuyết với hàng trăm văn bản vừa thừa vừa thiếu trong thời gian qua.
Góp ý để hoàn thiện cho dự thảo, ông Cự đề nghị cần làm rõ khái niệm thế nào là đất công nghiệp, đất khai hoang, đất rừng, đất ở… vì điều này đang bị lợi dụng trong luật đất đai hiện hành để trục lợi.
GPMB, thu hồi đất phải đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân. Ảnh IT |
Bên cạnh đó vấn đề giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đặc biệt quan trọng và cần phải được giải quyết một cách triệt để. “Luật cần quy định diện tích tái định cư cho một hộ bao nhiêu, nếu không có đất tái định cư thì phải giải quyết như thế nào? Vấn đề việc làm giải quyết ra sao?”.
Trước thực tế đó ông Cự đề nghị Luật cần hướng tới việc nâng cao vai trò quản lý nhà nước của tất cả các cấp. Sớm làm xong việc cấp GCN quyền sử dụng đất theo kế hoạch, đồng thời phải xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sai quy hoạch, sai mục đích sử dụng...
Phản ánh về những bất cập trong việc sử dụng đất hiện nay, ông Trần Ngọc Vinh, ĐB TP.Hải Phòng kiến nghị cần xem xét lại kỹ lưỡng cơ chế thu hồi đất. Theo ông Vinh, những năm qua vì mục đích phát triển kinh tế, chúng ta đã thu hồi nhiều đất làm khu công nghiệp, sân gôn, khu đô thị…nhưng lại để hoang hóa trong thời gian dài, trong khi người dân không có đất sử dụng canh tác. ĐB Vinh kiến nghị cần sửa đổi toàn diện quy định về hỗ trợ tái định cư. “Điều người có đất bị thu hồi quan tâm là cuộc sống của họ sẽ ra sao khi bị thu hồi đất. Tái định cư phải tốt hơn nơi ở cũ, đừng biến người nông dân thành bần cùng hóa. Một gia đình đang có căn hộ 50 m2, khi thu hồi được đền bù 400 triệu đồng, kèm theo đó được cấp 100m2 đất nhưng phải nộp 300 triệu đồng. Thử hỏi với cơ chế như vậy họ lấy tiền đâu xây nhà?” – ĐB Vinh nêu ví dụ.
Trước thực tế đó, ĐB này đề nghị áp dụng chính sách đất đổi đất, nhà đổi nhà, người dân không phải bỏ thêm tiền khi đến nơi ở mới. Việc xác định giá bồi thường chưa hợp lý, không phù hợp với thực tế, vì thế cần nâng mức đền bù giá đất bị thu hồi.
Để đảm bảo quyền bình đẳng, ĐB kiến nghị nên áp dụng cơ chế thu hồi bằng cơ chế trưng mua, tránh được tâm lý không đồng thuận trong nhân dân. Đối với dự án kinh tế quy mô nhỏ và vừa nên áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất. Riêng đất nông nghiệp nên bồi thường thỏa đáng tránh thiệt thòi cho dân. Việc giải quyết việc làm lâu nay còn mang tính hình thức. Nên áp dụng bằng hình thức cổ phiếu ở những dự án đầu tư trong trường hợp người dân không còn đất sử dụng.
“Bảo đảm đời sống cho nhân dân được xác định như một nguyên tắc. Di chuyển chỗ ở gây xáo trộn cho đời sống của người dân, và có những thiệt hại vô hình về mối quan hệ làm ăn. Vì thế hỗ trợ tái định cư cần giao cho một cơ quan cụ thể. Phải tính cả thiệt hại vô hình để người dân đến nơi sinh sống mới” – ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh, đoàn Đăk Nông đề nghị.
Ngoài chính sách hỗ trợ tái định cư, đền bù GPMB, nhiều ĐB cũng kiến nghị áp dụng chính sách giao đất nông lâm nghiệp cho cộng đồng thiểu số sử dụng, miễn giảm tiền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo, vùng dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, biên giới hải đảo…