Hồ thủy lợi Ia Mơr: Đầu tư “siêu khủng” 3.000 tỷ đồng không tìm được chỗ tưới
Vì sao lại xảy ra nghịch lý này? Chính quyền địa phương làm gì để giải cứu công trình ngàn tỷ? Xin mời quý độc giả cùng theo dõi loạt bài của Infonet về vấn đề này.
Bài 1: Hồ thủy lợi bị... thừa nước vì chưa có đồng tưới
Đường vào hồ thủy lợi Ia Mơr |
Hồ nước "khổng lồ" 3.000 tỷ đồng
Theo tìm hiểu của PV, dự án hồ chứa nước Ia Mơr (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt, dự án đầu tư thành 2 giai đoạn, với tổng mức đầu tư gần 3000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Trong đó, giai đoạn đầu (từ năm 2010-2018) có tổng mức đầu tư 1.547 tỷ đồng, gồm cụm công trình đầu mối Hồ chứa nước Ia Mơr (rộng khoảng 3000 ha); Hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp (rộng khoảng 600 ha). Để thực hiện xây dựng công trình trong giai đoạn này, các cơ quan chức năng đã thực hiện chuyển đổi 3.200 ha đất rừng.
Hồ thủy lợi Ia Mơr có hơn 3.600 ha diện tích mặt nước |
Giai đoạn 2 (từ năm 2019-2020), có tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.249 tỷ đồng, gồm hệ thống kênh chính Đông (dài 35km) và kênh chính Tây (dài 15km).
Tổng toàn bộ cụm hồ thủy lợi Ia Mơr có khoảng 3.600 ha diện tích mặt nước, sức chứa khoảng 180 triệu m3 nước. Công trình sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 12.000 ha đất nông nghiệp tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk, 4.000 ha) và huyện Chư Prông (Gia Lai, 8.000 ha).
Ngoài ra, thủy lợi Ia Mơr còn tạo nguồn nước sinh hoạt cho 50.000 người, giúp giảm lũ vùng hạ du, tạo điều kiện cho người dân nuôi thủy sản và khai thác du lịch, đồng thời giúp người dân vùng biên giới phát triển sản xuất, cải thiện kinh tế.
Hiện nay (10/2019), hợp phần công trình Hồ chứa nước Plei Pai và Đập dâng Ia Lốp (600 ha) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, cung cấp nước tưới cho gần 2.000 ha đất nông nghiệp. Hệ thống đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr (3.000 ha) đã hoàn thành thi công, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, hệ thống kênh chính Đông và Tây đang tiếp tục được thi công theo tiến độ đã đề ra.
Những kỳ vọng từ... nước
Ia Mơr là xã vùng biên giới, dân cư thưa thớt, tỉ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số cao. Xã Ia Mơr còn nghèo, đến nay vẫn chưa có chợ. Vì vậy, cứ vài ngày, lại có một chuyến xe tải chở thực phẩm từ trung tâm huyện Chư Prông vào chạy quanh các tuyến đường để bán cho bà con.
Những đám lúa được trồng len lỏi quanh các cánh rừng tại Ia Mơr |
Địa bàn xã Ia Mơr cách xa trung tâm huyện Chư Prông, được bao quanh bởi những cánh rừng nghèo kiệt, heo hút, xác xơ. Thi thoảng, trong những đám rừng xơ xác ấy, bà con lại tỉa bắp, trồng lúa để tăng gia sản suất. Thế nhưng, “của một đồng, công một nén”, phương thức sản xuất của người dân nơi đây còn lạc hậu, khiến việc trồng trọt vừa tốn công, vừa kém hiệu quả. Bao năm qua, bà con nơi đây cũng chỉ trồng được một vụ lúa/năm vì phải phụ thuộc vào nước trời, gây lãng phí tài nguyên đất.
Từ những điều trên, có thể thấy, việc xây dựng công trình thủy lợi Ia Mơr là một “cú hích” có chủ đích của các cơ quan chức năng, nhằm tạo ra nguồn nước tưới dồi dào, cung cấp cho các cánh đồng. Qua đó, đánh thức những tiềm năng về nông nghiệp, tạo điều kiện để người dân thỏa sức đa dạng hóa trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống của bà con nơi biên giới.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơr, hiện trên địa bàn xã cũng có một số cánh đồng lúa nhỏ. Tuy nhiên, đa số bà con đều trồng lúa một vụ vì không đủ nước tưới vào mùa khô. Nếu thủy lợi Ia Mơr đi vào hoạt động và phát huy tác dụng, bà con địa phương sẽ được hưởng lợi nhiều thứ, đặc biệt là việc chăn nuôi, trồng trọt.
Hệ thống kênh chính tại thủy lợi Ia Mơr đang được xây dựng |
Ông Tuấn Anh chia sẻ: “Có thủy lợi Ia Mơr, bà con sẽ không còn chịu cảnh phụ thuộc vào nước trời. Nhờ vậy, chất lượng cây trồng sẽ được đảm bảo, năng suất tăng cao. Nguồn nước dồi dào cũng giúp bà con nuôi đa con, trồng đa cây, có thể thâm canh, luân canh, chuyên canh hoặc kết hợp nhiều mô hình sản xuất hiệu quả hơn trước. Đặc biệt, nguồn nước tưới cũng là tiền đề, tạo điều kiện cho địa phương định hướng trong sản xuất nông nghiệp, chẳng hạn như việc phát triển vùng cây ăn quả có giá trị cao”.
Có thể nói, thủy lợi Ia Mơr mang theo rất nhiều kỳ vọng về một cuộc đổi thay, có ý nghĩa về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của lực lượng chức năng cũng như người dân vùng biên giới.
Dù mang theo nhiều kỳ vọng nhưng những năm qua, vùng đất Ia Mơr vẫn vậy, ruộng đồng, nương rẫy của bà con nơi đây chưa có gì thay đổi. Bởi lẽ, công trình thủy lợi Ia Mơr đang “gặp khó”, hồ nước mênh mông, hùng vĩ giữa đại ngàn Tây Nguyên này chưa phát huy được hiệu quả vì lý do rất vô lý: “chưa có đồng tưới”.
Bài 2: Nghịch lý hồ thủy lợi Ia Mơr "khát" vùng tưới, hàng nghìn ha đất thiếu nước