HNNG 30: Đẩy mạnh Ngoại giao phục vụ Phát triển trong Hội nhập quốc tế
Phiên họp do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cùng Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì. Ngoài ra, phiên họp có sự tham dự của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành; hơn 100 Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cán bộ chủ chốt từ các đơn vị của Bộ Ngoại giao, hơn 100 doanh nghiệp lớn và cán bộ làm công tác ngoại vụ của các tỉnh thành trong cả nước.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên họp. Nguồn: Thế giới và Việt Nam. |
Tại phiên họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trình bày tham luận “Công tác Ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và yêu cầu đặt ra từ nay tới Đại hội Đảng XIII”.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, kể từ HNNG 29, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, bất ngờ, đem lại những ảnh hưởng và hệ lụy chưa từng thấy. Trong bối cảnh này, đường lối, chủ trương sáng suốt của Đảng, chính sách, pháp luật đúng đắn của Nhà nước, sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ đã giúp ngành đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển nói riêng đạt được những thành tích đáng kể, đóng góp thiết thực cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực cho phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, ngành Ngoại giao đã quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng tại HNNG 29: “Ngoại giao kinh tế phải bám thật sát những yêu cầu của từng ngành, vùng, sản phẩm có thế mạnh của đất nước, tìm ra lợi thế so sánh để chủ động phục vụ doanh nghiệp, người dân; tận dụng các hoạt động ngoại giao chính trị, các chuyến thăm cấp cao nhằm thúc đẩy các hợp đồng, thỏa thuận kinh tế quan trọng; tranh thủ quan hệ tốt với các nước để tháo gỡ, khó khăn, trở ngại trong hợp tác kinh tế; tận dụng và tiếp tục thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại; linh hoạt, sáng tạo xử lý các thách thức và tận dụng các cơ hội từ các cơ chế hợp tác tiểu vùng”.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, hiện nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 27 nước. Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của Việt Nam với thế giới, nhờ đó ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng trên mọi lĩnh vực. Chỉ trong hai năm 2016, 2017, Ngoại giao đã tham mưu “đúng và trúng” cho 90 đoàn cấp cao, vừa khéo léo sử dụng các chuyến thăm làm đòn bẩy tháo gỡ, vướng mắc trong triển khai hợp tác, vừa lồng ghép thành công nội hàm kinh tế trong các thỏa thuận cấp cao, đáp ứng lợi ích của đất nước, địa phương và doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, Việt Nam đã từng bước tham gia hình thành, định hướng và thậm chí tạo dựng các cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại, tài chính đa dạng, phong phú, đan xen và đa tầng nấc. Với định hướng lớn của đối ngoại Việt Nam là “xây dựng và triển khai chiến lược tham gia các khu vực mậu dịch tự do với các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng, ký kết và thực hiện hiệu quả các hiệp định tự do thế hệ mới”.
Khẳng định hiệu quả của công tác Ngoại giao phục vụ kinh tế, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng “Các Đại sứ, Tổng lãnh sự, Tham tán thương mại không chỉ làm nhiệm vụ chính trị mà phải chuyển sang làm kinh tế”, các Trưởng cơ quan đại diện đã thực sự vào cuộc, coi “bán hàng Made in Vietnam” là một trong những nhiệm vụ chính.
Toàn cảnh phiên họp“Đẩy mạnh Ngoại giao phục vụ Phát triển trong thời kỳ Hội nhập quốc tế sâu rộng”. Nguồn: Thế giới và Việt Nam |
Nhìn lại những thành tựu đã đạt được, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã rút ra một số kinh nghiệm trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển hơn 2 năm qua, đó là: Bám sát chủ trương của Đảng “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế”, trong đó lấy “hội nhập kinh tế là trọng tâm”; Có chương trình kế hoạch ngoại giao kinh tế cụ thể và phù hợp cho từng giai đoạn và hàng năm với sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; Thường xuyên kiện toàn bộ máy điều hành, đào tạo và bố trí nhân lực phù hợp, triển khai công việc khoa học nhằm phát huy lợi thế của Ngành trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế.
Trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đưa ra một số đề xuất phương hướng triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển trong thời gian tới, bao gồm: tham mưu và cảnh báo cần phải nhanh nhạy, kịp thời và đặc biệt lưu ý các vấn đề tác động tới mô hình phát triển của nền kinh tế, hay có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam; Việt Nam cần tạo đan xen lợi ích với các đối tác quan trọng, chủ chốt không chỉ đưa quan hệ đi vào chiều sâu mà còn tranh thủ nguồn lực phù hợp cho phát triển; Việt Nam cần nâng tầm đối ngoại đa phương, tận dụng các cơ chế liên kết kinh tế đa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước; ngành Ngoại giao cần là người đồng hành tin cậy với các địa phương, doanh nghiệp trong các quá trình thâm nhập, chiếm lĩnh thị trường trọng điểm, tiềm năng; cuối cùng, ngành Ngoại giao cần chú trọng nâng cao năng lực triển khai công tác Ngoại giao kinh tế để phát huy lợi thế của ngành ngoại giao, tranh thủ nguồn lực quốc tế phục vụ phát triển, tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo về công tác Ngoại giao kinh tế, nâng cao hiệu quả phối hợp trong ngoài, với các Bộ/ngành, địa phương và doanh nghiệp.