Hiệp hội truyền hình trả tiền đề xuất chưa chuyển đổi công nghệ analog trước 2020
Lùi thời điểm chấm dứt công nghệ truyền hình analog
Ông Nguyễn Chấn, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết hiện nay, Việt Nam có 34 doanh nghiệp truyền hình trả tiền cung cấp 5 loại hình dịch vụ: Truyền hình cáp, kỹ thuật số mặt đất, kỹ thuật số vệ tinh, di động, truyền hình trên mạng Internet. Số lượng thuê bao là 14,3 triệu, doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 ước tính 3900 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 22/2009/QĐ-TTG dịch vụ truyền hình cáp tương tự cần chấm dứt trước năm 2020. Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, công nghệ tương tự của các doanh nghiệp đều có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2019.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Úy, đại diện Hiệp hội truyền hình trả tiền cho rằng đa số các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sử dụng công nghệ tương tự (analog). Thời gian qua, các doanh nghiệp này đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và địa phương. Đội ngũ lao động của các doanh nghiệp truyền hình trả tiên khoảng 10 ngàn người. Hạ tầng mạng viễn thông cố định mặt đất do các doanh nghiệp truyền hình trả tiền sở hữu rộng khắp cả nước và đang phát huy hiệu quả. Nếu chấm dứt sử dụng thì sẽ lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và Nhà nước. Trong khi đó, một số quốc gia như Hàn Quốc hiện nay vẫn dùng song song 2 hệ thống, trong đó truyền hình trả tiền tương tự chiếm khoảng 60%, ông Úy đơn cử.
Vì vậy, Hiệp hội truyền hình trả tiền đề xuất Bộ TT&TT xem xét chưa thực hiện việc chấm dứt dịch vụ truyền hình cáp tương tự sau thời điểm 31/12/2019. Việc chấm dứt dịch vụ truyền hình cáp nên để thị trường quyết định.
Đại diện công ty SCTV cũng đề xuất cho phép triển khai ứng dụng công nghệ điều chế số (DVB-T2) trên mạng cáp đồng trục để đẩy mạnh số hóa mạng cáp đồng trục, cấp tín hiệu cáp số (DVB-T2) đến các ti vi số sẵn có của các hộ gia đình trên cả nước.
Theo đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử: trong thời gian tới, Cục sẽ quy hoạch, sắp xếp lại các doanh nghiệp truyền hình cáp, theo đó sẽ hạn chế cấp giấy phép cho doanh nghiệp mới cung cấp các dịch vụ truyền hình trả tiền có gắn với hạ tầng mạng viễn thông cố định, do chỉ tiêu số thuê bao/hộ gia đình đã tiệm cận chỉ tiêu qui hoạch đến 2020.
Bên cạnh đó, Cục sẽ đề xuất ứng dụng công nghệ điều chế số DVB-T2 trên mạng cáp để chuyển đổi số bằng việc tận dụng thiết bị ti vi số DVB-T2 đang rất phổ biến hiện nay. Xem xét cấp bổ sung Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự cho doanh nghiệp truyền hình cáp đã có Giấy phép đang hợp tác với doanh nghiệp địa phương duy trì hoạt động truyền hình cáp tương tự một số tỉnh, thành phố để giữ ổn định thị trường. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, đề xuất sửa Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 theo hướng lùi thời điểm 31/12/2020 và có qui định lộ trình.
Xử lý nghiêm vi phạm bản quyền truyền hình
Bà Trịnh Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Phát thanh, Truyền hình, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết thực trạng vi phạm bản quyền truyền hình đang rất phổ biến trên internet gồm các website có tên miền trong nước, website có tên miền quốc tế, máy chủ đặt tại nước ngoài; Các trang mạng xã hội của Việt Nam, Các ứng dụng (app) OTT không phép.
Bà Trịnh Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Phát thanh truyền hình, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử trình bày tại hội thảo |
Các nội dung truyền hình bị vi phạm bản quyền nhiều nhất là các giải thể thao, các bộ phim, các chương trình ca nhạc, truyền hình thực tế.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, Cục đã tiếp nhận hàng chục khiếu nại vi phạm bản quyền nội dung truyền hình của các đài phát thanh truyền hình, doanh nghiệp Việt Nam như Đài Truyền hình Việt Nam đối với bản quyền World Cup 2018. Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đối với bản quyền Asiad 2018….
Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã kiên quyết xử lý hành vi vi phạm như: Thu hồi tên miền .vn đối với các website vi phạm bản quyền có tên miền .vn; Yêu cầu doanh nghiệp Viễn thông, Công nghệ thông tin dừng hosting các website vi phạm. Đối với các website có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài, Cục đã đề nghị các đại lý, doanh nghiệp quảng cáo dừng quảng cáo hoặc bỏ cơ chế quảng cáo tự động đồng thời đề nghị các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin triển khai các biện pháp kỹ thuật phù hợp chặn truy cập, ngăn chặn việc phổ biến các nội dung vi phạm bản quyền; Gửi cảnh báo tới Facebook, Google các tài khoản có live streaming vi phạm bản quyền. Kết quả 18 website được chặn hiệu quả.
“Để xử lý hiệu quả hơn tình trạng vi phạm bản quyền, các doanh nghiệp phải có giải pháp bảo vệ được bản quyền của chính mình để giữ khách hàng. Thói quen hiện nay là thích truy cập các trang điện tử, mạng xã hội miễn phí thay vì vào các nền tảng của doanh nghiệp có bản quyền”, bà Hằng cho hay.
Đồng thời đề xuất, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền cần có sự phối hợp xây dựng cơ chế với cơ quan quản lý nhà nước. Khi khiếu nại nên cung cấp bằng chứng chứng minh mình sở hữu bản quyền, bằng chứng vi phạm để cơ quan nhà nước xử lý hiệu quả hơn, bà Hằng nhấn mạnh.
Bà Hằng khuyến nghị doanh nghiệp nên đầu tư nghiêm túc vào giải pháp kỹ thuật, hệ thống DRM (Digital Rights Management) để bảo vệ bản quyền; Các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin tích cực phối hợp thực hiện các giải pháp kỹ thuật để chặn truy cập vào các website vi phạm bản quyền khi có yêu cầu,