Hiệp hội Bất động sản VN kiến nghị không để "vốn chảy chỗ trũng"
Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) khẳng định, gần đây xuất hiện những dấu hiệu tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực cho thị trường BĐS như: Cơ cấu hàng hóa có sự mất cân đối. Trong khi nhu cầu của đại bộ phận người dân là nhà ở phân khúc trung bình và thấp, chiếm khoảng 70% thì trên thị trường hầu hết các dự án lại cung cấp loại nhà ở cao cấp, thiếu nhà có giá bán thấp phù hợp với khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân có nhu cầu nhà ở. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh rất ít căn hộ chung cư mới có giá bán dưới 20 triệu đồng/m2.
Tình trạng phát triển ồ ạt các dự án tại thành phố lớn mà không căn cứ vào kế hoạch, nhu cầu phát triển kinh tế xã hộ... là một trong những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro cho thị trường được VNREA cảnh báo. Ảnh: Minh Thư |
Tình trạng phát triển ồ ạt các dự án tại thành phố lớn mà không căn cứ vào kế hoạch, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương tại từng thời điểm. Trong khi đó, việc phát triển nhà ở xã hội bị chững lại do nguồn vốn hỗ trợ cũng như các chính sách có liên quan đến nhà ở xã hội chưa được giải quyết triệt để.
Hệ thống thông tin, dữ liệu thị trường BĐS vẫn chưa được cải thiện, các dự báo về thị trường thiếu và không sát thực tế. Điều này ảnh hưởng lớn tới sự điều hành của Chính phủ và các quyết định của chủ đầu tư trở nên thiếu chính xác, nhiều rủi ro.
“Đây là những nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng của thị trường bất động sản giai đoạn 2009-2013 mà chúng ta đã rút ra và có những điều chỉnh. Tuy nhiên, chính sách điều chỉnh đó không được tiếp tục duy trì và kiểm soát phát triển một cách hiệu quả dẫn đến có nhiều rủi ro cho thị trường”, VNREA nêu rõ.
Trước tình hình trên, VNREA cho rằng, để tiếp tục phát triển nhà ở xã hội (NOXH) theo định hướng của Đảng và Nhà nước, qua đó cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở, Luật nhà ở đã có quy định cụ thể về chính sách phát triển NOXH, nguồn vốn để phát triển NOXH, Thủ tướng đã có quyết định số 1013/QĐ-TTG quy định về lãi suất cho vay đối với các đối tượng được mua NOXH từ Ngân hàng chính sách – xã hội. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn vốn chưa được các Bộ trình Chính phủ và trình Quốc hội. Vì vậy, mặc dù có định hướng, chính sách song chưa có quy định cụ thể và chưa được bố trí nguồn nên các chính sách này vẫn chưa đi vào thực tiễn.
Hiệp hội BĐS Việt Nam kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thúc đẩy việc bố trí vốn phát triển NOXH và kiên trì thực hiện chính sách đã được nêu ra tại Luật nhà ở cũng như các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở cho các đối tượng là người có thu nhập thấp, công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
Đặc biệt, VNREA đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có diện tích nhỏ (căn hộ chung cư diện tích dưới 75 m2), giá bán thấp (dưới 15 triệu đồng/m2).
Theo đó, các cơ chế đề xuất gồm: Giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Sắp tới cần có sự phân biệt về thuế, tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn giữa các dự án nhà ở thương mại cao cấp và nhà ở thương mại giá thấp, coi đây là chính sách lâu dài nhằm cân đối cung cầu của thị trường bất động sản.
Ngoài ra, chính quyền địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn cần có chương trình, kế hoạch không chỉ phát triển nhà ở chung chung mà cần xác định rõ tỷ trọng NOXH, nhà ở thương mại phân khúc trung bình, thấp và nhà ở cao cấp với diện tích, khu vực cụ thể.
Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các thủ tục hành chính, quyết định việc cấp đất dự án, xác định tiến độ của các dự án hợp lý, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương mình ở từng thời điểm phát triển. Đề nghị Chính phủ có chế tài và tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện của các địa phương.
Chính sách tín dụng, nguồn vốn cho thị trường BĐS có vai trò đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, ổn định. Vì vậy, đề nghị có sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và Ngân hàng Nhà nước điều tiết tín dụng hợp lý, tránh tập trung tín dụng quá lớn vào một số phân khúc hoặc một số chủ đầu tư.