"Hãy nhìn nhận trẻ em trước khi nhìn vào khuyết tật của trẻ!"
"Cô bé thuỷ tinh" Nguyễn Phương Anh, người vào chung kết cuộc thi Viet Nam's Got Talent năm 2012 và được UNICEF gọi là "ngôi sao" của TEKT Việt Nam, đang cất tiếng hát cùng các TEKT khác tại lễ công bố báo cáo "Tình hình trẻ em thế giới 2013" của UNICEF. Em Nguyễn Phương Anh tâm sự: "Chúng tôi không phải là những đứa trẻ bình thường, nhưng chúng tôi muốn được ghi nhận như những đứa trẻ bình thường. Không phải tôi hát lên để trở thành một nhà vô địch, trở thành một tiếng hát, một giọng ca hay nhất, mà chúng tôi muốn cất lên tiếng hát để người ta nhìn thấy khả năng, ước nguyện của chúng tôi và có thái độ tích cực hơn đối với chúng tôi!" (Ảnh: HC) |
Rào cản lớn nhất với trẻ khuyết tật là thái độ của chúng ta!
"Trẻ em khuyết tật (TEKT) và cộng đồng sẽ được lợi nhiều hơn nếu xã hội quan tâm tới những gì TEKT có thể đạt được thay vì tập trung chú ý vào những khiếm khuyết của các em. Quan tâm đến những khả năng và tiềm năng của TEKT sẽ tạo ra lợi ích cho toàn xã hội" - Báo cáo "Tình hình trẻ em thế giới 2013" của UNICEF nhấn mạnh.
Theo báo cáo này, TEKT ít có khả năng được chăm sóc y tế hoặc được đi học nhất. Trẻ em vừa nghèo, vừa khuyết tật, trẻ em gái khuyết tật lại càng ít có khả năng được tiếp cận các dịch vụ này. TEKT nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất bởi bạo lực, xâm hại, bóc lột và xao nhãng, đặc biệt là khi trẻ bị giấu diếm hoặc bị gửi vào các trung tâm. Trên thực tế, rất nhiều em rơi vào trường hợp này do sự kỳ thị của xã hội hoặc do không đủ chi phí nuôi dưỡng trẻ. Kết quả là TEKT trở thành những người yếu thế nhất trên thế giới.
Ông Anthony Lake, Giám đốc điều hành UNICEF nêu rõ: "Chính thái độ của chúng ta là rào cản lớn nhất mà TEKT phải đối mặt. Không phải do khuyết tật mà một đứa trẻ bị cách ly khỏi đời sống xã hội mà chính sự phân biệt đối xử mới là nguyên nhân dân đến tình trạng đó". Ông nhấn mạnh: "Nhìn vào khuyết tật của trẻ trước khi nhìn nhận trẻ không chỉ là hành động không công bằng đối với trẻ mà còn làm mất đi những điều trẻ có thể mang lại cho xã hội".
Đáng nói là có rất ít số liệu chính xác về số TEKT, loại hình khuyết tật và mức độ ảnh hưởng của chúng đối với đời sống của trẻ (ông Anthony Lake cho hay, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, có khoảng 93 triệu trẻ em dưới 14 tuổi bị khuyết tật vừa hoặc nặng, nhưng con số thực tế đến nay chắc chắn còn cao hơn). Do vậy các quốc gia thường không có căn cứ đáng tin cậy để phân bổ nguồn lực hỗ trợ TEKT và gia đình các em.
Mặc khác, cho đến nay vẫn còn khoảng một phần ba các quốc gia trên thế giới chưa phê chuẩn Công ước về Quyền của người khuyết tật. Chính vì vậy, báo cáo "Tình hình trẻ em thế giới 2013" đưa ra lời kêu gọi tất cả các Chính phủ giữ đúng lời hứa đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi công dân - trong đó có những TEKT bị loại trừ và dễ bị tổn thương nhất.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Giám đốc điều hành UNICEF Anthony Lake chúc mừng, động viên "cô bé thuỷ tinh" Nguyễn Phương Anh tiếp tục vươn lên và thành công trong cuộc sống (Ảnh: HC) |
Lẽ ra TEKT ở mọi nơi đều phải như thế...
Về phần mình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho hay, ở Việt Nam hiện có hơn 1,2 triệu TEKT, trong đó có nhiều TEKT do hậu quả và di chứng của chiến tranh, nhất là nhiễm chất độc hoá học và bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Đây là thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong nỗ lực bảo đảm các quyền trẻ em đối với TEKT và giúp các em hoà nhập với đời sống xã hội.
"Thực tế đã chứng minh, nếu có được cơ hội phát triển bình đẳng, TEKT hoàn toàn có khả năng phát huy năng lực của mình và cống hiến cho cộng đồng, xã hội. Với tỉ lệ người khuyết tật gần 6,7%, trong đó có hơn 1,2 triệu TEKT, Việt Nam nhận thức rõ điều này. Là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liê hợp quốc về quyền trẻ em, Việt Nam luôn đề cao các nguyên tắc cơ bản của Công ước, đặc biệt là nguyên tắc không phân biệt đối xử, luôn nỗ lực để hướng tới bảo đảm TEKT được hưởng một cách trọn vẹn, đầy đủ và bình đẳng các quyền của mình" - Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói.
Điều này được ông Anthony Lake xác nhận sau khi cùng Tổng Giám đốc AusAID Peter Baxter đến thăm một trung tâm chăm sóc cho TEKT nặng và hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập ở Đà Nẵng. "Tôi muốn đến thăm và tận mắt chứng kiến những gì trung tâm đã đạt được, một phần là vì trước đó tôi đã đọc được những lời tâm sự của một em gái tên Lan ở trung tâm. Em kể rằng: "Trước kia em không dám đáp lời khi người ta cười nhạo em. Còn bây giờ thì em muốn nói với họ rằng em là một người có giá trị. Em biết dùng máy vi tính và em có bạn bè. Đừng trêu chọc em nữa, em cũng có một tương lai".
Và hai ông đã thấy các TEKT ở trung tâm này học đọc, học viết, học múa hát, học cắt may quần áo, học thiết kế và làm dây chuyền, hoa lưới... Hai ông cũng thấy có nhiều em đang học trong các lớp văn hoá để chuẩn bị tham gia vào chương trình giáo dục phổ thông; nhiều em khác đang vui vẻ tham gia những bài học về kỹ năng sống cơ bản, như học cách nấu một bữa ăn để các em có thể sống độc lập...
"Các em đang học những kỹ năng mới, giúp đỡ lẫn nhau để đạt được những điều tốt đẹp nhất của mỗi con người. Các em đang bận rộn thu hẹp ranh giới của riêng mình, phát triển một cách tự tin, tự sống độc lập và dần tiến bước trên con đường trở thành người công dân hữu ích. Ước mơ của các em cũng chính là ước mơ của chúng ta. Đó là được quan tâm và tài năng được công nhận. Và các em đã cho chúng tôi tận mắt chứng kiến khả năng của các em. Lẽ ra mọi nơi trên thế giới đều phải như thế, nhưng với hàng triệu TEKT thì thực tế lại trái ngược một cách đáng buồn" - ông Anthony Lake nói.