Hậu giao hữu Việt Nam- Man City: "Mớ giấy A4" gây khó chịu
Để góp một tiếng nói nhỏ cùng bạn đọc, PV Infonet đã có cuộc trao đổi ngắn với anh Nguyễn Vũ Quang Anh, người có kinh nghiệm gần 10 năm về tổ chức sự kiện.
Anh Nguyễn Vũ Quang Anh từng làm việc trong lĩnh vực tổ chức sự kiện gần 10 năm tại Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC, Richmedia ... Anh đã từng tham gia tổ chức nhiều sự kiện lớn như: VTC HD Fashion show, Tiệc tri ân Coca-Cola, Chuỗi sự kiện của ngân hàng Vietcombank tại Hạ Long, Đêm phong cách doanh nhân, các chương trình biểu diễn nghệt thuật ca nhạc hàng nghìn khán giả dành cho sinh viên ...
Được biết anh là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, qua quan sát sự kiện Man City (MC) đấu giao hữu với đội tuyển Việt Nam, anh có bình luận gì về cách tổ chức chương trình này?
Tôi thấy rằng đây sẽ là 1 sự kiện để đời với các cầu thủ và BHL câu lạc bộ MC, bởi có lẽ đi du đấu rất nhiều nơi trên Thế giới, đây là lần hiếm hoi họ “được” đứng lâu như vậy để làm thủ tục trước khi trận đấu diễn ra. Thông thường với các trận đấu mang tính thương mại ở nước ngoài thì đơn vị tổ chức chỉ cử 1 đại diện phát biểu đôi lời và tặng hoa hoặc món quà kỉ niệm đại diện cho Quốc gia
Tuy nhiên, tôi không lạ với cách tổ chức sự kiện như với trận đấu của tuyển Việt Nam với MC. Bởi lẽ, đây là cách tổ chức truyền thống của hầu hết các sự kiện ở Việt Nam (trừ 1 số chương trình mang tính chất nghệ thuật, biểu diễn, gameshow). Các sự kiện theo kiểu truyền thống thông thường sẽ chia làm 2 phần, đó là “phần Lễ” và “phần Hội”. Phần Lễ để giới thiệu về mục đích ý nghĩa tổ chức chương trình, giới thiệu đại biểu và các thành phần tham gia. Một phần không thể thiếu là lời cảm ơn các nhà tài trợ (để trả quyền lợi nhà tài trợ đối với chương trình mang tính chất xã hội hóa). Phần Hội là các tiết mục biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, các màn trình diễn khác nhau…
Ta có thể nhìn thấy ngay điều này trong với trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Câu lạc bộ Man City, phần Lễ kéo dài vì các vị đại biểu cầm rất nhiều giấy để đọc cho hết bài (các bài này đa phần không phải do họ viết) và sau đó đến trả quyền lợi tài trợ.
Kiểu tổ chức truyền thống này có ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý người tham dự, hiện nay, kiểu tổ chức sự kiện truyền thống này còn áp dụng nhiều không?
Chúng ta có thể nhìn gương mặt các CĐV trên khán đài và các cầu thủ 2 đội trên sân để nhận định, đó là sự không quan tâm lắm đến nội dung đang được nói, mệt mỏi, có chút khó chịu vì phải nghe nói dài nói nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng trận đấu vì gây tâm lý ức chế cho cầu thủ (có lẽ đó là lý do chúng ta thua đậm đến 8 bàn chăng).
Như tôi đã nói ở phần trên, đa phần các sự kiện ở Việt Nam vẫn rất dài dòng ở phần Lễ bởi các màn giới thiệu và bài diễn văn được kéo dài tính bằng nhiều tờ A4.
Hình ảnh trận đấu Việt Nam- Man City (nguồn Bongdaplus) |
Liệu có phải, cách tổ chức truyền thống đó là là căn nguyên mà nhiều người phàn nàn rằng các cầu thủ MC "lạnh lùng" hơn?
Tôi không cho rằng cách tổ chức có liên quan đến việc các cầu thủ MC “lạnh lùng”, tôi cho rằng họ rất chuyên nghiệp đối với CĐV và các cơ quan truyền thông. Bởi lẽ, với các VĐV chuyên nghiệp ở nước ngoài họ không quá thân mật hoặc trả lời phỏng vấn tùy tiện với Fan hay báo chí, vì họ bị ràng buộc bởi các điều khoản về phát ngôn trong hợp đồng với CLB chủ quản nên họ chỉ giao lưu, trả lời phỏng vấn đối với các sự kiện được người quản lý sắp xếp lịch trước. Thêm nữa, tôi biết rằng MC lần này sang Việt Nam kế hoạch khá gấp (thay cho điểm đến là Indonesia) nên họ chưa có nhiều dịp tìm hiểu về văn hóa và con người Việt Nam giống như Arsenal cách đây 2 năm. Vì vậy, họ sẽ giữ khoảng cách để tránh những điều không hay tại nước chủ quản.
Nhưng cũng phải lật lại vấn đề, việc giới thiệu của những người "có tiền tài trợ" là quyền lợi của họ, nếu là anh, anh sẽ cân đối thế nào?
Trong các chương trình truyền hình hoặc trận đấu, theo tôi có nhiều cách để trả quyền lợi nhà tài trợ mà thậm chí có tác dụng đến cả triệu người đang xem truyền hình như: Logo bật góc, panel, chạy chữ, TVC, băng rôn tại địa điểm thi đấu, banner ở đường pitch… chứ không cần thiết những bài phát biểu dài và nhắc quá nhiều đến tên nhà tài trợ như vậy. Đôi khi đó là cách phản tác dụng
Tôi thấy rằng 1 bài phát biểu ngắn gọn, xúc tích xuất phát từ tình yêu bóng đá thực sự của vị lãnh đạo sẽ có tác dụng gấp trăm lần cầm 1 mớ giấy A4 đọc dài dòng.
Xin cảm ơn anh!