Hấp dẫn món “ruốc gà” của người M’nông, Mạ
Theo người dân, món ruốc gà được dùng cho bữa ăn hằng ngày và đặc biệt trong các dịp hội, lễ của bon làng. Nguyên liệu chính là gà và gừng, cách chế biến nhanh nhưng không kém phần tinh tế. Gà được dùng phải là gà rừng hoặc gà thả vườn, loại mới lớn, độ chừng hơn 1 kg mỗi con để chất thịt được đậm đà, đúng hương vị.
Món "ruốc gà" được chế biến trong các ngày hội văn hóa của dân tộc |
Sau khi làm sạch sẽ, gà để nguyên con, rồi ướp muối ớt khoảng chừng 15 phút; có thể quét thêm chút mật ong rừng lên lớp da. Sau đó đem nướng trên lớp than hồng đến khi gà chín vàng ươm. Dùng phần thịt gà đã chín xé ra từng miếng nhỏ cho vào cối giã cùng với gừng. Cứ một lớp thịt gà cho vào cối là thêm một phần gừng. Cứ thế, từ bàn tay khỏe khoắn của người giã, phần thịt gà và gừng được giã nát đến khi hòa quyện vào nhau…
Món ăn có vị thơm nồng, ngọt vị gà, cay vị gừng, chút béo ngậy của lớp mỡ gà đã nướng hòa cùng vị mặn của muối kích thích vị giác, tạo nên sự ấm nồng nơi người ăn. Ở một số nơi, người ta còn cho thêm chút sả để tăng thêm hương vị cũng như có công dụng tránh đau bụng, tiêu chảy khi dùng nhiều món ăn cùng một lúc trong ngày lễ hội.
Theo ông K’Đông, người Mạ ở thôn 1, xã Đắk Som (Đắk Glong) thì từ lâu, món ăn này đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày; với chất riêng của mình đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của dân tộc. Không những thơm, ngon, với đặc điểm dễ tiêu hóa, món "ruốc gà" còn có tác dụng giúp hết nhanh mệt mỏi, giải độc, giải cảm cho người bị ốm. Những điều đó đã được rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn, chắt lọc từ đời sống ẩm thực lâu dài của người dân cho đến nay đã được nghiên cứu, công nhận gọi là “tri thức dân gian”.
Tuy không quá cầu kỳ nhưng từ nguyên liệu cho đến cách chế biến phần nào nói lên được đặc điểm sống, nếp sinh hoạt, bản sắc và đặc trưng về ẩm thực của đồng bào dân tộc tại chỗ ở tỉnh ta. Đó là hương vị của thịt nướng, của chiếc cối giã, của cách dùng dược liệu thiên nhiên chữa bệnh… Chính từ sự đặc sắc, hấp dẫn đó mà nhiều món ăn truyền thống của đồng bào đã dần phổ biến trong đời sống của người dân trên địa bàn, trở thành đặc sản được khám phá, khai thác và thiết đãi khách phương xa.
Bài, ảnh: Hồ Mai/Báo Daknong