Hành trình “Thiện Nhân”
Hành trình “Thiện Nhân”
Ông Greig Craft, chị Mai Anh, bé Thiện Nhân và bác sĩ Roberto Decastro sau ca phẫu thuật tại Ý |
Giờ đây, cậu con trai đã hơn 5 tuổi, cùng chị sang hết nước này tới nước khác, qua rất nhiều cuộc thăm khám, phẫu thuật tái tạo lại cơ thể. Chị đã chứng kiến những đau đớn, giọt nước mặt lăn dài trên má con mỗi lần con chịu đau mà khóc không thành tiếng, những lần con ôm chặt gối khóc nức nở không nói nên lời vì tủi thân sau nhiều ca phẫu thuật và cả những nụ cười hồn nhiên của con được gặp mọi người.
Biết bao nhiêu thăng trầm như vậy, chị luôn canh cánh trong lòng: mình đã cứu con nhưng không biết mình có đem lại cho con một cuộc sống bình thường. Là mẹ, chị chỉ mong một điều, khi lớn lên bé sẽ không phải chịu cảm giác khác biệt.
Chị và bé Nhân như có một cái duyên định mệnh. Từ lần đầu gặp bé ở Núi Thành – Quảng Nam cho đến bây giờ, tình yêu với bé cứ lớn dần lên theo năm tháng và với Thiện Nhân – mẹ Mai Anh cũng là người mà bé yêu quý nhất.
Chị kể, sau lần mổ tại Ý, hai bên hông của Thiện Nhân là hai túi khí nước được đặt để kéo giãn da. Khi chị bế bé Nhân đi vệ sinh thì bé không phản ứng gì. Nhưng khi bạn chị đưa bé đi vệ sinh, bé dặn là đừng bế giống mẹ vì như vậy bé sẽ bị đau. Thế mà với chị, bé chẳng bao giờ phàn nàn lấy nửa lời.
Có những lúc đêm đang ngủ, chợt nghe tiếng thút thít nhỏ xíu, chị vùng dậy thấy con trùm kín chăn khóc. Gặng hỏi mãi, bé mới thừa nhận “con đau quá nhưng không muốn khóc to để mẹ Mai Anh ngủ”.
Hành trình bất tận
Chị từng phải mổ cấp cứu vì chứng phình động mạch não cách đây 2 năm. Nhưng không dành thời gian nghỉ ngơi, chị lại tiếp tục cuộc hành trình với bé Thiện Nhân và giờ đây là “Chương trình tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may mắn”.
Đây là chương trình do chị và ông Greig Craft – giám đốc Quỹ phòng chống thương vong Châu Á thành lập sau khi chị nhận được rất nhiều những lá thư, những bài viết trên báo của nhiều ông bố, bà mẹ kể vể trường hợp con mình và nhờ chị giúp đỡ.
Đầu năm 2011, khi đưa Thiện Nhân sang Ý phẫu thuật, chị đã được bác sỹ Roberto Decastro– người trực tiếp mổ cho bé Thiện Nhân nhận lời sang Việt Nam phẫu thuật cho các bệnh nhân không may ở bộ phận sinh dục chỉ với một yêu cầu duy nhất là hỗ trợ chi phí đi lại và ăn ở.
Sau nhiều tháng chuẩn bị, đợt phẫu thuật lần thứ nhất với 29 bệnh nhân vào tháng 11 năm 2011 đã diễn ra tốt đẹp.
Chị dự tính đợt phẫu thuật lần 2 với sự tham gia của ê kíp các bác sỹ nước ngoài vào tháng 4 năm 2012 nhưng đang phải thay đổi lại thời gian vì thiếu kinh phí.
Một trong số những ca phẫu thuật trong “Chương trình tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may mắn” |
Đến nay chương trình của chị đã nhận thêm ba đến bốn trăm bộ hồ sơ và sẽ chọn 40 trường hợp tham gia phẫu thuật. Bé Thiện Nhân cũng là một trong số bệnh nhân của đợt này và là một trong 6 ca nặng nhất. Hiện chương trình mới có được 1/5 tổng số chi phí cho đợt mổ sắp tới nên đã lùi lại đợt phẫu thuật thêm 2 tháng nữa.
Tuy nhiên chị vẫn tin tưởng, đến lúc đấy, cùng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân, chương trình sẽ được diễn ra theo đúng kế hoạch.
Với chị Mai Anh “cuộc sống là vòng xoay, và nối tiếp vòng xoay này sang vòng xoay khác, luôn ẩn chứa những điều bất ngờ mà ngay chính người trong cuộc cũng không thể nào đoán định được”. Chị nói chị đã nhận quá nhiều từ những người giúp đỡ bé Thiện Nhân và chị cũng nên học cả cách biết cho đi nữa.
Những hành trình cứ hun hút dài vô tận, có những lúc chị cảm giác thật cô đơn, mệt mỏi, yếu lòng trước những cơn đau mà bé Nhân phải chịu đựng, cơ thể phụ nữ của chị còn chịu cả cái nhói đau do di chứng của ca phẫu thuật não.
Nhưng rồi chị lại vui, lại lạc quan vì trên hành trình đầy gian nan đấy luôn có những người bạn đồng hành, cho dù đấy chỉ là những tin nhắn chúc cho chuyến phẫu thuật thành công, những số tài khoản gửi tiền nhưng không biết chủ nhân là ai hay một gia đình làm công nhân trong miền Nam chờ tiền thưởng Tết gửi ra giúp đỡ bé Thiện Nhân,…
Và chính tình cảm này đã tiếp sức cho nỗ lực giúp đỡ các cháu nhỏ, biến hành trình của chị không có điểm kết thúc.
Hoài An