Hành trình đấu tranh đòi phí bảo trì và kết quả bất ngờ của một chung cư
Khoản tiền 2% phí bảo trì là quy định của bất kỳ người mua căn hộ chung cư tại dự án nào cũng phải đóng để dùng cho việc bảo trì tòa nhà sau này. Số tiền này chủ đầu tư tạm đứng ra thu và sau đó khi tòa nhà thành lập Ban quản trị chung cư thì sẽ phải bàn giao lại toàn bộ.
Thế nhưng, hiện nhiều dự án chung cư đã bị chủ đầu tư cố tình chây ì không trả dù người dân căng băng rôn phản đối hay đâm đơn kiện gửi tới các cơ quan chức năng.
Điển hình trong số đó có thể kể đến dự án Thăng Long Garden ở 250 Minh Khai, Hai Bà Trưng (Hà Nội), cư dân đã liên tục đấu tranh và đã có kết quả ban đầu.
Trao đổi với PV Infonet, ông Đỗ Quang Bình, Trưởng Ban quản trị chung cư cho biết: Quỹ bảo trì của chung cư Thăng Long Garden ước tính khoảng 20 tỷ đồng, trong đó có 14,6 tỷ đồng là tiền của cư dân mua 436 căn hộ đóng vào, số còn lại là tiền bảo trì diện tích sở hữu của chủ đầu tư và lãi gửi ngân hàng trong vòng hơn 2 năm mà chủ đầu tư đã giữ.
Cư dân chung cư Thăng Long Garden đã rất bền bỉ đấu tranh phản đối sai phạm của chủ đầu tư và đòi lại quỹ bảo trì. |
Kể lại hành trình đấu tranh đòi lại số tiền quỹ bảo trì của tòa nhà, ông Bình cho hay, từ khi thành lập Ban quản trị (BQT), chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn lên chủ đầu tư nhưng họ không trả lời. Sau đó, chúng tôi đã gửi công văn lên UBND TP Hà Nội 3 lần.
Lần thứ nhất, thành phố chỉ đạo UBND quận Hai Bà Trưng xuống yêu cầu Công ty CP May Thăng Long phải chuyển trả hết số tiền quỹ bảo trì theo đúng pháp luật cho BQT trước ngày 28/2, nhưng công ty này không thực hiện.
Lần thứ hai, BQT gửi công văn lên UBND TP thì thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng vào cuộc, Sở đã xuống họp và yêu cầu Công ty CP May Thăng Long phải trả toàn bộ quỹ bảo trì trước ngày 7/5, nhưng đơn vị này vẫn không thực hiện.
BQT tiếp tục gửi công văn lần thứ 3 thì thành phố đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Hai Bà Trưng phải đôn đốc, buộc chủ đầu tư phải chuyển trả quỹ bảo trì và thực hiện trong vòng 10 ngày từ ngày nhận được công văn (tức ngày 16/5). Nhưng quá thời hạn 10 ngày chủ đầu tư vẫn “cứng đầu” không thực hiện.
Thậm chí, ông Bình còn cho hay, tại các cuộc họp, ông Ngô Văn Đơn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP May Thăng Long lấy lý do công ty kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nguồn thu hạn hẹp, tiền mặt không đủ khả năng chi trả, thanh toán hết một lần. Đồng thời, đề xuất với BQT sẽ chuyển trả 10% mỗi quý.
Không đồng ý, cho rằng quỹ bảo trì phải được bàn giao cho BQT theo đúng quy định của pháp luật và phải được chủ đầu tư chuyển vào tài khoản riêng nên BQT ra hạn, nếu hết ngày 31/5, chủ đầu tư không chuyển trả thì BQT sẽ báo cáo UBND TP cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì và xử lý theo quy định.
Kết quả của sự đấu tranh bền bỉ đã khiến BQT và cư dân đòi lại được hơn 13 tỷ đồng trên tổng số khoảng 20 tỷ đồng quỹ bảo trì từ chủ đầu tư là Công ty CP May Thăng Long. |
Dưới sức ép của các cơ quan chức năng và sự đấu tranh bền bỉ của BQT cư dân, ông Bình cho biết, đến nay, Công ty CP May Thăng Long đã 2 lần chuyển trả cho BQT với tổng số tiền là gần 13,2 tỷ đồng. Đây là số tiền bằng 90% tổng số tiền bảo trì mà 436 hộ mua nhà tại khu chung cư đã đóng góp.
Trong đó, hơn 12,675 tỷ đồng được chủ đầu tư chuyển trả cho BQT vào chiều 9/6, sau khi diễn ra cuộc họp giữa đại diện UBND quận Hai Bà Trưng với Công ty CP May Thăng Long và BQT chung cư Thăng Long Garden.
Được biết, tại cuộc họp, UBND quận Hai Bà Trưng đã đưa ra kết luận: Sau khi Công ty CP May Thăng Long trả nốt tiền cho BQT thì hai bên sẽ ngồi lại thống nhất về quyết toán quỹ bảo trì, chậm nhất đến ngày 24/6/2017 phải thống nhất xong và chủ đầu tư phải chuyển trả nốt số tiền quỹ bảo trì cho BQT. Sau ngày 24/6, nếu 2 bên không thống nhất được thì UBND quận sẽ đề nghị UBND TP cưỡng chế.
Ông Bình cho biết, Công ty CP May Thăng Long còn phải trả tiếp số tiền phí bảo trì cho phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ đầu tư (không bán) và phải trả số tiền lãi cho thời gian mà chủ đầu tư chiếm giữ quỹ bảo trì suốt gần 3 năm qua. Như vậy, còn khoảng hơn 6 tỷ đồng chủ đầu tư phải chuyển trả cho BQT theo đúng quy định.
Trong khi nhiều chủ đầu tư khác đang chây ì, cố tình không chuyển trả thì kết quả đấu tranh của cư dân Thăng Long Garden đáng để các cư dân dự án khác học tập.