Hàng Trung Quốc chui vào hội chợ hàng Việt, không thấy ai báo cáo(!?)
Hàng Trung Quốc giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới bày bán công khai tại Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2012 như thế này nhưng BTC lại không hề phát hiện ra? - Ảnh: HC |
Sau 5 ngày diễn ra tại Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Đà Nẵng, Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2012 đã kết thúc tối 18/12 và được BTC đánh giá là hội chợ thành công nhất trong 3 năm qua, thể hiện ở sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp lẫn sự hưởng ứng, ủng hộ hàng Việt của người dân và du khách.
Theo ông Lê Ngọc Thạnh, Giám đốc Công ty quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ, thành viên Ban tổ chức Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng – 2012, ước tính mỗi ngày đêm có khoảng 35.000 - 40.000 người đến tham quan, mua sắm tại hội chợ này. Trong đó khoảng 60% có tham gia mua sắm. Doanh thu của hội chợ đạt trên 6 tỉ đồng/ngày. Đây là kết quả lớn nhất mà các hội chợ hàng Việt tổ chức ở Đà Nẵng có được từ trước đến nay.
Trong đó, các gian hàng thuộc lĩnh vực may mặc đạt thành công vang dội nhất. Suốt 5 ngày diễn ra hội chợ, các gian hàng trưng bày sản phẩm của Tổng Công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ, Công ty dệt may 29/3, Công ty May 10 luôn động nghịt khách và đây cũng là 3 đơn vị có doanh thu lớn nhất tại hội chợ.
"Lâu nay, thị trường may mặc trong nước bị hàng hóa Trung Quốc chiếm lĩnh, không chỉ do giá rẻ, chủng loại đa dạng, phù hợp cho nhiều đối tượng mà còn vì doanh nghiệp Việt Nam bỏ qua thị trường nội địa, chỉ tập trung cho xuất khẩu. 3 năm trở lại đây, sự quay lại của họ cùng với những nỗ lực về cải tiến mẫu mã, giá cả đã khiến hàng may mặc của Việt Nam dần chinh phục được người tiêu dùng" - ông Lê Ngọc Thạnh nói.
Tuy nhiên, điểm sáng này vẫn không lấn át được cảm giác khó chịu của nhiều người tiêu dùng khi thấy sau khi báo chí phản ảnh về chuyện hàng hoá Trung Quốc giả mạo các thương hiệu nổi tiếng để chui vào Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2012 thì không những tình trạng này không được ngăn chặn mà còn tràn lan hơn nữa, nhất là ở khu vực các gian hàng ngoài trời.
Đơn cử là tại các quầy bán hàng gia dụng bằng nhôm. Theo quảng cáo của người bán thì đây là hàng do doanh nghiệp ở Hải Phòng sản xuất, và quả thật là cũng có một số thau, nồi, mâm... nhôm có đóng nhãn tên của công ty này. Nhưng ngay bên cạnh đó là đủ thứ đũa, muỗng, dao và nhiều loại dụng cụ làm bếp khác mang các nhãn hiệu bằng chữ Tàu được bày bán công nhiên mà không chút e ngại. Thấy vậy, nhiều bà nội trợ đã phản ứng vì sao hội chợ hàng Việt mà lại bán hàng Trung Quốc? Thế nhưng người bán phớt lờ.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, tại khu vực dành cho các hộ tiểu thương kinh doanh ở các chợ lớn trên địa bàn Đà Nẵng, dù các quầy hàng được mở ngay trong khu nhà chính của Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Đà Nẵng nhưng các loại ví, nịt, túi xách... là hàng Trung Quốc giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Lacoste, Chanel, Adidas... vẫn bày bán tràn lan với giá chỉ 30.000 - 50.000 đồng, trong khi hàng cùng loại trên thị trường có giá từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng!
Tuy nhiên trao đổi với PV Infonet, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Thường trực Sở Công thương, Trưởng BTC Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2012 cho rằng, trong suốt mấy ngày diễn ra hội chợ, BTC không hề tiếp nhận được bất kỳ ý kiến nào của khách hàng phản ảnh về việc hàng Trung Quốc trà trộn vào hội chợ hàng Việt.
"Chúng tôi có đặt bàn tiếp dân để tiếp nhận các ý kiến phản ảnh của người tiêu dùng. Thế nhưng không có thấy người nào đến phản ảnh về việc đưa hàng Trung Quốc vào bán ở hội chợ này. Nếu họ có phản ứng thì chắc là phản ứng ngay tại chỗ thôi chứ không đến phản ảnh với BTC, chứ nếu họ phản ảnh với BTC thì chúng tôi đã xử lý ngay!" - ông Lữ Bằng nói.
Vấn đề là tại sao báo chí có thể phát hiện và phản ảnh với những hình ảnh rất rõ ràng về tình trạng hàng Trung Quốc chui vào Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2012, nhưng các lực lượng có chức năng kiểm tra, kiểm soát của BTC hội chợ cũng như của Sở Công thương Đà Nẵng (như lực lượng quản lý thị trường) lại không phát hiện ra?
Ông Lữ Bằng cho biết, đến khi bế mạc hội chợ (ngày 18/12) ông mới được các cán bộ trong BTC báo cáo về bài báo "Hàng Trung Quốc vẫn tràn vào hội chợ", dù Infonet đã đăng bài này từ hôm 15/12. Vậy thì điều đó đã lý giải vì sao BTC không phát hiện, xử lý được một trường hợp nào tuồn hàng Trung Quốc (thậm chí là hàng giả mạo) vào bán tại Hội chợ hàng Việt - Đà Nẵng 2012. (!?)