Hàng triệu người dùng ví điện tử phải khai báo lại
Thủ tục không cần thiết
Số liệu từ Ngân hàng (NH) Nhà nước cho biết, tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng gần 20 triệu người đã cài đặt các ứng dụng ví điện tử, trong đó có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản NH.
Thanh toán bằng ví điện tử |
Theo quy định hiện nay, để liên kết ví điện tử với tài khoản NH, người dùng có thể lựa chọn liên kết bằng thông tin thẻ ATM hoặc thông qua NH điện tử (Internet Banking). Dù lựa chọn phương thức nào, để có thể liên kết thành công, khách hàng đều phải có đầy đủ các thông tin để doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ ví điện tử và NH xác minh là chính chủ, bao gồm thông tin NH và mã xác nhận (OTP). Hay nói cách khác, để sử dụng được ví điện tử, khách hàng luôn phải có số điện thoại và số tài khoản NH. Mà muốn có tài khoản NH và số điện thoại di động, khách hàng phải cung cấp các thông tin xác minh nhân thân theo quy định với nhà mạng và NH trước đó rồi.
Thế nhưng trong hồ sơ mở ví điện tử, dự thảo vẫn yêu cầu các DN ví điện tử phải thực hiện định danh hay xác thực khách hàng bằng cách nộp chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ thành lập DN (đối với ví điện tử của DN).
Nếu quy định này được ban hành, ít nhất 4,2 triệu người đang sử dụng ví điện tử sẽ phải làm lại thủ tục khai báo bổ sung thông tin.
Câu chuyện này tương tự năm trước, Nghị định 49/2017 của Chính phủ yêu cầu các khách hàng di động phải bổ sung thông tin, trong đó có cả ảnh chụp chân dung chính chủ. Dư luận có phản ứng vì cho rằng yêu cầu ảnh chụp là không cần thiết do chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đã có ảnh của chủ thuê bao. Vì vậy sau khi tiếp nhận các ý kiến phân tích, đánh giá, chính Bộ Thông tin - Truyền thông cũng cho rằng, việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp không thật sự mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý.
Tốn hơn ngàn tỉ đồng
Theo quan điểm của NH Nhà nước, cơ chế xác thực người dùng là cần thiết để đảm bảo an toàn cho thanh toán điện tử, tránh để ví điện tử bị lợi dụng bởi các hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, hoàn toàn có thể xác thực khách hàng thông qua các thông tin định danh đã có tại NH hoặc nhà mạng, không cần thiết phải yêu cầu họ thực hiện thủ tục khai báo tốn kém thời gian, chi phí.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính NH của Ernst & Young Việt Nam, cho biết chi phí thu thập thông tin định danh khách hàng khi mở một tài khoản NH vào khoảng 300.000 đồng, chưa kể chi phí duy trì, lưu trữ. Như vậy, để thực hiện lại việc khai báo thông tin khách hàng cho 4,2 triệu người dùng ví điện tử, chi phí ban đầu ước tính sẽ lên tới 1.260 tỉ đồng. Con số này chưa bao gồm những thiệt hại về ngày công lao động, thời gian, công sức khách hàng bỏ ra để làm thủ tục thực hiện hồ sơ mở ví.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Đầu tư phát triển VN (BIDV), cho rằng NH Nhà nước cân nhắc phương án cho phép khả năng về cơ chế liên thông giữa NH hợp tác với DN cung cấp ví điện tử, để NH đã xác thực chủ tài khoản rồi có thể chia sẻ thông tin của khách hàng và không cần DN cung cấp ví điện tử phải xác thực lại. Các nhà băng có thể chia sẻ thông tin nếu được sự đồng ý của khách hàng, và DN ví điện tử có thể thỏa thuận với khách hàng để được đồng ý tại thời điểm mở ví điện tử.
Thanh toán điện tử là khâu then chốt để phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này là rất cần thiết, một mặt cần đảm bảo an toàn cho người dùng, nhưng quan trọng hơn cần tạo thuận lợi để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, làm tiền đề cho cách mạng 4.0 theo đúng chủ trương của Chính phủ đề ra.
Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty viễn thông Viettel: Nếu buộc DN ví điện tử thực hiện thu thập thông tin khách hàng độc lập với NH, trong trường hợp có sự khác biệt thông tin trong hệ thống giữa hai bên sẽ không có cơ chế để các bên xử lý. Dự thảo của NH Nhà nước còn hoàn toàn bỏ ngỏ về vấn đề này.
Nguồn: thanhnien.vn