Hàng Tàu đội lốt, thừa điện mà dân vẫn thiếu... chờ Bộ trưởng Công Thương
Nhóm vấn đề được đưa ra lấy ý kiến thuộc lĩnh vực Công Thương là về công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh |
Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt
Các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tăng, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nhiều sản phẩm được làm từ nước khác và chỉ gia công một phần rất nhỏ ở Việt Nam nhưng lại được ghi “Made in Việt Nam” để tránh bị áp thuế. Ngoài ra, xu hướng người Việt chuộng hàng Việt nhiều hơn nên nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc đang tìm mọi cách đội lốt hàng Made in Vietnam để qua mặt người tiêu dùng.
Đặc biệt, vụ việc nổi sóng mới đây, sản phẩm của Tập đoàn Điện tử Asanzo bị cáo buộc là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam.
Bộ Công Thương hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hóa hưởng ưu đãi thuế quan nhưng lại chưa có quy định áp dụng với nhãn hàng tại thị trường nội địa Việt Nam. Vậy trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề này. Bộ Công Thương có giải pháp gì để ngăn chặn, phòng chống gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ hàng hóa, đặc biệt là đối với các ngành có nguy cơ cao?
Nghich lý điện mặt trời không bán được dù EVN luôn kêu thiếu điện
Theo Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2016-2020, định hướng 2030 (Quy hoạch điện VII), nhu cầu tiêu thụ điện tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 10-11% mỗi năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP hàng năm. Trong đó đặt mục tiêu nguồn điện tái tạo chiếm 10% quy mô công suất hệ thống điện quốc gia vào năm 2030 (12GW). Thực tế một số dự án được cấp phép đã vượt Quy hoạch điện VII (bổ sung).
Cụ thể, tính cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Trong khi Quy hoạch điện VII điều chỉnh chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020.
Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất điện gió và điện mặt trời ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.
Điều này dẫn tới nguy cơ quá tải hệ thống lưới điện truyền tải, khiến nhiều dự án điện mặt trời khi hoàn thành cũng khó phát điện lên hệ thống.
Sự phát triển nóng này đã dẫn tới thực trạng đa số các đường dây, TBA từ 110-500 kV trên địa bàn đều quá tải. Trong đó có đường dây quá tải lên đến 360%. Mức mang tải của các đường dây còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Trong khi đó, thủy điện đang gặp khó vì khô cạn, khí giảm, than cạn. Nhiều dự báo báo khả năng thiếu điện từ năm 2020.
Cần quy định cứng rắn hơn bảo vệ người tiêu dùng
Về công tác quản lý thị trường, hiện nay, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường, đặc biệt là hàng ngoại dỏm nhái xuất xứ, nhãn mác hàng hiệu... đòi hỏi Bộ Công Thương cần có các giải pháp ngăn chặn hiệu quả, bảo vệ người tiêu dùng.
Hiện tượng kinh doanh đa cấp trái phép như kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để lừa đảo, trục lợi thông qua các hình thức đầu tư ảo.
Ngoài ra, hoạt động kinh doanh online cũng nở rộ, lợi dụng kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhiều người mẫu, diễn viên quảng cáo “kem trộn”, thuốc giảm cân… Bộ Công Thương đã có biện pháp gì để đấu tranh và ngăn chặn?