Hàng loạt ngành công nghiệp đang gặp khó
Nguyên nhân sự tăng trưởng chậm lại của sản xuất công nghiệp chủ yếu do giá dầu giảm, dẫn đến sản lượng dầu thô khai thác giảm mạnh (10 tháng giảm 9,7%); sản xuất than tăng trưởng thấp do gặp nhiều khó khăn trong khai thác và tiêu thụ sản phẩm (10 tháng chỉ tăng 1,2%); do cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước tăng trưởng chậm lại giá hàng hóa xuất khẩu ở mức thấp không khuyến khích sản xuất (chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 10 tháng giảm 4,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ). Chỉ có các ngành như điện, thép, cơ khí…còn giữ được ổn định.
Các daonh nghiệp dệt may, da giày gặp khó khăn vì một số thị trường giảm cầu |
Cụ thể, đối với ngành than: Sản xuất kinh doanh của ngành tiếp tục gặp nhiều khó khăn do than trong nước phải cạnh tranh với than nhập khẩu có giá thành thấp, giá bán khoáng sản (alumin, hydrat) giảm sâu và thuế tài nguyên than điều chỉnh tăng thêm 3% từ 01/7/2016 (hầm lò tăng từ 7% lên 10%, lộ thiên tăng từ 9% lên 12%, làm giá thành than năm 2016 tăng khoảng 700 tỷ đồng)... đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành. Các đơn vị trong ngành đang tiếp tục cố gắng duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Sản lượng than sạch tháng 10 ước đạt 3,6 triệu tấn, giảm 5% so với cùng kỳ, tính chung 10 tháng đầu năm ước đạt 33,8 triệu tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng than sạch của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giảm 4,6% cùng kỳ.
Đối với ngành dầu khí: Sản xuất kinh doanh của ngành tiếp tục gặp nhiều khó khăn và chưa thấy dấu hiệu phục hồi, sản lượng dầu thô khai thác tiếp tục giảm do giá dầu thô vẫn duy trì ở mức thấp.
Sản lượng dầu thô khai thác tháng 10 ước đạt 1,4 triệu tấn, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 10 tháng đầu năm sản lượng dầu thô khai thác ước đạt 14,4 triệu tấn, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch được giao.
Đối với ngành hóa chất, phân bón: Thời gian vừa qua thị trường phân bón trong nước không có nhiều biến động. Giá phân bón các loại và lượng hàng tiêu thụ đều ở mức thấp do các vùng đều chưa đến mùa vụ chăm bón chính.
Thị trường trong nước tiếp tục với diễn biến chậm, nhu cầu tiêu thụ đang ở mức thấp. Ngày 05 tháng 10 năm 2016 thuế nhập khẩu các loại mặt hàng phân bón theo Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu giảm mạnh. Nhu cầu nhập khẩu phân bón tại các khu vực có cảng biển tăng tuy nhiên lượng hàng trong nước hiện vẫn còn khá lớn nên không có biến động mạnh về giá.
10 tháng đầu năm 2016, ước sản lượng phân đạm urê đạt 1684,5 nghìn tấn, giảm 10,3% so với cùng kỳ; phân NPK khoảng 1858,7 nghìn tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ. Nhập khẩu phân bón 10 tháng đầu năm 2016giảm 9,1% về số lượng và 21,7% về trị giá.
Đối với ngành dệt may, da giày: Tình hình sản xuất kinh doanh của ngành đang gặp nhiều khó khăn do các khu vực thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản nhu cầu sụt giảm đã ảnh hưởng tới tăng trưởng của ngành. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong ngành đang gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu đơn hàng; một số đơn hàng số lượng lớn, gia công đơn giản, không yêu cầu chất lượng cao, khách hàng chuyển sang một số nước như Bangladesh, Campuchia... do vậy sản lượng sản xuất vải, dệt, trang phục, giầy dép và một số mặt hàng khác chỉ tăng nhẹ.
Đối với các ngành sản xuất chế biến thực phẩm và đồ uống: Mặc dù ngành sản xuất đồ uống tăng 9,6%, ngành thuốc lá tăng 4%, sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 9,2% so với cùng kỳ, tuy nhiên, tiêu thụ còn chưa ổn định, mang tính mùa vụ cao; áp lực cạnh tranh từ các nhà sản xuất nước ngoài ngày càng lớn. Đối với ngành bia rượu nước giải khát, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có sự thay đổi cả về thuế suất và cách tính thuế đối với các sản phẩm của ngành; đối với ngành thuốc lá, tình trạng nhập lậu vẫn còn diễn biến phức tạp... đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận và hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.