Hàng loạt hỗ trợ cho doanh nghiệp khi đầu tư tại Đắk Nông
Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đắk Nông bị tụt hạng từ 61 xuống 63/63 tỉnh, thành. Để cải thiện chỉ số này, ngay từ đầu năm tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đến kết quả cuối cùng với thời gian nhanh nhất nhằm xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh, đầu tư thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và xây dựng bộ máy chính quyền "Liêm chính, kiến tạo, hành động, hiệu quả”; Phấn đấu năm 2018 tăng 3 - 5 bậc so với năm 2017; Cải thiện và nâng dần điểm số, thứ hạng PCI của tỉnh những năm tiếp theo nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá, xếp ở vị trí từ 40-50 trên 63 tỉnh/thành phố.
Hiện thực hóa chủ trương này, đầu tháng 8 vừa qua Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành quy định về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào tỉnh. Theo đó đối với các dự án đầu tư ngoài các cụm, khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ xây dựng một số hạng mục gồm: đường giao thông kết nối từ trục chính đến hàng rào dự án, hệ thống thoát nước từ dự án đến hệ thống thoát nước công cộng – hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Nông dân phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) đầu tư nhà kính để trồng rau xanh an toàn. |
Cụ thể, doanh nghiệp được hỗ trợ 30% kinh phí theo quyết toán chi phí hoàn thành dự án đối với các hạng mục nêu trên gắn liền với hoạt động dân sinh (không quá 2 tỷ đồng); Hỗ trợ 20% kinh phí theo quyết toán đối với các hạng mục nêu trên không gắn với hoạt động dân sinh (không quá 1 tỷ đồng).
Trong khi đó các dự án thuê mặt bằng trong khu, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được miễn tiền thuê mặt bằng cho đến khi hoàn thành dự án, có sản phẩm bán ra thị trường (Không quá 24 tháng), trường hợp chậm tiến độ vì những lý do khách quan sẽ được xem xét kéo dài thời gian. Ngoài ra doanh nghiệp còn được giảm 50% tiền thuê mặt bằng trong 2 năm tiếp theo, kể từ khi có sản phẩm bán ra thị trường.
Đắk Nông tổ chức chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” nhằm tôn vinh trái bơ, quảng bá thương hiệu, tăng cường hợp tác, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm bơ. |
Đặc biệt tỉnh còn hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, hay truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Khi tham gia hội chợ toàn quốc doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng/lần/năm. Với hội chợ tổ chức tại các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, doanh nghiệp được hỗ trợ 50 triệu đồng/lần/năm. Tại các nước khác doanh nghiệp được hỗ trợ tới 100 triệu đồng/lần/năm.
Trong công tác bảo hộ nhãn hiệu, doanh nghiệp được hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký. Trong khi đó các hợp tác xã được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa có kết nối thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin được hỗ trợ tới 50 triệu đồng khi xây dựng mới website, 20 triệu đồng khi nâng cấp.
Trong vấn đề nhân lực, với doanh nghiệp sử dụng dưới 20 lao động tỉnh sẽ hỗ trợ khóa đào tạo dưới 3 tháng, trong khi với doanh nghiệp sử dụng từ 20 lao động trở lên sẽ được hỗ trợ các khóa trên 3 tháng.
Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 11 là 67 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 395 tỷ đồng; lũy kế từ đầu năm thành lập 500 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký lũy kế là 2.626 tỷ; tăng 26% số doanh nghiệp và 210% số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu trong 11 tháng đạt 1.062 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 106% kế hoạch. Con số này tăng hơn 100 triệu USD so với năm 2017, dù vẫn còn hơn 1 tháng nữa mới hết năm.
Hiện nay, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được mở rộng đến 33 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định nhất là Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia. Cùng với việc duy trì các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh còn tiếp tục chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới như châu Phi, Trung Đông… nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một nơi nhất định để phát triển ổn định, lâu dài.