Hàng loạt đối tác Apple khốn khổ vì chip gián điệp Trung Quốc
Theo thông tin từ CNBC, giá cổ phiếu của một loạt công ty công nghệ, trong đó có nhiều đối tác của Apple, đã giảm mạnh trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần. Giá cổ phiếu của công ty Trung Quốc Lenovo đã giảm tới 15% trong ngày hôm nay.
Trước đó, Lenovo đã đưa ra thông báo họ không hề hợp tác với Supermicro, tuy nhiên công ty này vẫn bị “vạ lây” vì scandal của Supermicro. Theo nhà phân tích Leo Sun của Motley Fool, nguyên nhân cổ phiếu Lenovo mất giá là do đây là công ty Trung Quốc.
ZTE cùng Lenovo là hai công ty Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất sau thông tin Trung Quốc cài chip theo dõi nhiều công ty Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Một công ty Trung Quốc khác là ZTE cũng phải chứng kiến cổ phiếu mất giá tới 11% trong ngày hôm nay. ZTE là nhà cung cấp hạ tầng, thiết bị viễn thông lớn, nhưng từng bị chính phủ Mỹ cấm vận vào đầu năm nay do dính dáng tới những thương vụ của Iran, Bắc Triều Tiên.
Không chỉ có các công ty của Trung Quốc, nhiều hãng công nghệ châu Á khác cũng gặp khó khăn ngày hôm nay. Đối tác gia công chip của Apple TSMC đã mất 1,57% giá trị, và một đối tác khác là Largan Precision, chuyên cung cấp ống kính cũng mất 7,28%.
Cổ phiếu của TSMC cùng hàng loạt đối tác của Apple cũng giảm mạnh trong ngày hôm nay. |
Samsung Electronics không bị ảnh hưởng, nhưng công ty đồng hương tới từ Hàn Quốc LG Display đã mất 1,84% giá trị. Tại Nhật Bản, cổ phiếu của công ty điện tử TDK bị tụt 4,79%, còn Murata mất 3,9%.
Tuy nhiên, Leo Sun cho rằng đây chỉ là sự sụt giảm trong ngắn hạn, không gây ảnh hưởng lâu dài. Ông nói rằng đây chỉ là sự phản ứng tức thời của giới đầu tư trước thông tin xấu từ châu Á, còn các công ty sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì lỗi nằm ở bo mạch của máy chủ chứ không phải các thiết bị công nghệ khác.
Ngoài ra, các đối tác của Apple cũng có thể yên tâm hơn bởi Apple đã chấm dứt hợp tác với Supermicro từ năm 2016.
Con chip siêu nhỏ được hàn vào bảng mạch của các máy chủ Supermicro làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tấn công, lấy cắp dữ liệu của Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Bài điều tra của Bloomberg một lần nữa dấy lên lo ngại đối với giới công nghệ và các nhà cầm quyền của Mỹ trước nguy cơ tấn công, lấy cắp dữ liệu từ Trung Quốc. Việc chuyển quá trình gia công trở lại Mỹ sẽ lại được đem ra bàn tán, trong đó công ty được quan tâm nhất chính là Apple. Tuy vậy, Sun tin rằng khó có khả năng Apple sản xuất iPhone tại Mỹ.
“Tôi không nghĩ Apple sẽ chấp nhận điều này, bởi làm vậy sẽ khiến chi phí tăng vọt. Dù vậy thì thông tin vừa rồi cũng có thể khiến các nhà đầu tư e ngại hơn với các đối tác của Apple tại châu Á, ít nhất là đến khi vụ việc được kết luận”.