Hầm vũ khí bí mật giữa lòng Sài Gòn
Căn hầm bé nhỏ với gần 3 tấn vũ khí
Nằm ở mặt tiền của hai hẻm thông giữa đường Nguyễn Đình Chiểu và Võ Văn Tần, ngôi nhà khá nhỏ bé với chiều dài 14,9m, chiều rộng 2,5m, tổng diện tích chỉ khoảng 37m2. Tuy vậy, ngôi nhà đã đóng góp một phần không nhỏ trong những ngày tháng quân dân ta kiên cường đấu tranh chống Mỹ.
Chủ nhân căn nhà là ông Trần Văn Lai, nhiều người gọi thân mật là ông Năm Lai. Những năm đó, ông Năm Lai làm việc cho cơ quan viện trợ U-Som của Mỹ và thầu khoán ở Dinh Độc Lập, mặt khác, ông bí mật tham gia hoạt động trong đơn vị “Bảo đảm chiến đấu”.
Từ năm 1966 - 1968, ông lấy tên là Mai Hồng Quế để mua lại căn nhà này. Sau đó, viện lý do sửa chữa đường ống nhà vệ sinh và hệ thống thoát nước, ông bắt đầu thực hiện kế hoạch đào hầm của mình. Những khối đất cát trong khi đào, ông cẩn thận bỏ vào thùng rồi cho người đem đổ ở tận Bình Chánh để địch không phát hiện.
Suốt 7 tháng trời làm việc miệt mài và cần mẫn, căn hầm đã hoàn thành trong sự vui mừng của ông Năm và các anh em trong đơn vị. Căn hầm bấy giờ dài 2m, rộng 1,2m, cao 2,5m và có 4 cửa thoát hiểm là những khung tròn trên vách được nối với đường ống thoát nước vừa vặn cho một người chui vào, có lỗ thông hơi.
Vách và nền hầm được ông Năm kỹ lưỡng trát xi măng khá dày và chắc chắn để không bị thấm nước. Nắp hầm được bố trí gần cầu thang và được ngụy trang khéo léo bởi sáu viên gạch lót sàn. Nhìn qua, không ai biết được đây là nắp của căn hầm bí mật.
Để tránh tai mắt của địch, vũ khí chỉ được vận chuyển từ Củ Chi vào Sài Gòn khi trời chập tối. Trong lúc vận chuyển vào hầm để qua mặt quân địch, vũ khí được giấu tinh vi trong những tấm ván được moi rỗng ruột, những cuộn cà tăng (cót làm vách) hay các sọt đựng trái cây. Giả vờ dàn dựng như một cuộc mua bán, ông Năm và đồng đội đã thuận lợi đưa vũ khí vào trong. Căn hầm nhỏ bé giữa lòng địch đã thành nơi chứa đựng gần 3 tấn vũ khí các loại, bao gồm: súng và đầu đạn B40, súng AK, súng ngắn, lựu đạn, bộc phá, kíp nổ cùng nhiều loại súng, đạn khác…
Câu chuyện tình cảm động của người chiến sĩ
Ông Trần Văn Lai quê ở một vùng quê nghèo xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 13 tuổi, ông rời quê lên tỉnh, giúp việc nhà cho một ông chủ người Pháp. Khi người Pháp này về nước, số phận run rủi đưa ông đến giúp việc cho quan Án sát Phạm Gia Nùng. Nhờ khôn khéo, Trần Văn Lai được nhận làm cháu trong gia đình của quan Án sát. Do đó, khi tham gia cách mạng, với lý lịch vô cùng thuận lợi ấy, ông được tổ chức đưa vào Sài Gòn làm tình báo.
Ông từng là thành viên của Tiểu đoàn Quyết tử 950 Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn và cũng là cán bộ nằm vùng tổ chức xây dựng cơ sở tại Sài Gòn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đầu năm 1963, do nhu cầu chiến lược cần phát động mạnh phong trào vũ trang đánh địch ngay trong lòng địch, ông được chuyển sang Đơn vị 159 Biệt động thuộc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và được kết nạp vào Đảng năm 1966.
Sài Gòn còn một căn hầm vũ khí bí mật khác
Ghé qua một địa chỉ khác nằm ngay trên đường 3/2, quận 10 (đối diện nhà hát Hòa Bình), căn hầm bí mật thứ hai được xây dựng thành công cùng thời điểm nhằm tiếp tế và chứa đựng vũ khí cho cuộc tổng khởi nghĩa mùa xuân 1968, đồng thời chuẩn bị cho chiến dịch Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975.
Theo tài liệu ghi lại, tháng 5/1964, đơn vị “bảo đảm” mang số bí danh J9-T700 thuộc đội Biệt động Sài Gòn, sau khi tìm hiểu đã quyết định mua căn nhà trên, vì có vị trí gần khu quân sự và cơ quan đầu não của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa. Theo chỉ đạo của cấp trên, ông Đỗ Văn Căn (bí danh Ba Mủ) đưa gia đình về sinh sống, hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc cơ sở ép đế giày bằng mủ cao su.
Đầu năm 1965, ông Căn nhận lệnh gấp rút xây hầm bí mật với diện tích dài 2,2m; sâu 1,7m, xung quanh xây gạch, tôn xi măng. Nắp hầm có kích thước 0,4m x 0,6m gồm 2 miếng gạch trùng khớp nhau, đậy khít miệng hầm. Trong vòng bốn tháng, ba chuyến hàng đã chuyển về hầm bí mật gồm: 50 kg thuốc nổ và kíp nổ, 7 khẩu súng AK cùng 21.000 viên đạn, 50 quả lựu đạn, 1 khẩu súng ngắn cùng 50 viên đạn và một số quân trang, quân phục khác…
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, năm 1974, ông Dương Long Sang – Bí thư đoàn 195 đến kiểm tra hầm, nhận thấy kho vũ khí vẫn còn tốt, nên tháng 4/1975, ông chỉ đạo Đội biệt động J9-T700 khui hầm và sử dụng vũ khí nhằm chuẩn bị tấn công Biệt khu thủ đô (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự TP.HCM) nhưng kế hoạch chưa thực hiện thì trưa 30/4/1975, lực lượng Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng.
Để được hoạt động an toàn lâu dài ở nội thành Sài Gòn, ông được sắp xếp giả làm chồng bà Phạm Thị Phan Chinh (tên thật là Phạm Thị Chinh), cháu của ông chủ tiệm vàng Phú Xuân, một trong những tài phiệt giàu có nhất Sài thành lúc bấy giờ. Bà Phạm Thị Chinh cũng là Đảng viên Đảng Cộng sản và là một chiến sĩ biệt động thành.
Với khả năng đặc biệt về nghi trang, cải dạng trong mọi hoàn cảnh, ông tìm cách thâm nhập một cách hợp pháp vào các cơ sở của địch. Bằng sự khéo léo của bản thân cùng với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức và gia đình giàu có bên vợ, ông dần dần tạo được vỏ bọc vững chắc trong vai nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, nhận trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập, một cơ quan đầu não của chế độ Sài Gòn.
Sự đồng cam cộng khổ của hai người cùng chí hướng trở thành mảnh đất cho tình yêu nảy nở. Từ vợ chồng trên danh nghĩa, họ thực sự trở thành một gia đình. Nhưng không may, năm 1964, vì bảo lãnh cho hai cán bộ cấp cao của ta đang bị giam giữ tại Côn Đảo, bà Phạm Thị Chinh bị địch bắt tra khảo ngày đêm. Không khai thác được gì, địch phải thả bà ra và một thời gian ngắn sau thì bà mất vì bị thương tích quá nặng. Thương người vợ trẻ, hận kẻ thù dã man, ông càng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Để phụ giúp cho ông bà Đặng Thị Thiệp, một cán bộ quê Quảng Ngãi được phân công đến ở với ông dưới danh nghĩa vừa là người làm việc nhà, vừa là “vợ bé” của nhà thầu khoán Mai Hồng Quế nhiều thế lực. Dù nhỏ hơn Năm Lai 20 tuổi, nhưng cảm phục trước tài trí và tấm lòng của người chiến sĩ cách mạng, dần dần tình yêu nảy sinh giữa cô gái Quảng Ngãi và người chiến sỹ biệt động. Tháng 5/1966, họ được chấp thuận “xây dựng gia đình trong điều kiện đơn tuyến để đảm bảo bí mật cơ sở theo yêu cầu cách mạng”.
Thời điểm này, vợ chồng ông bỏ tiền riêng để mua căn nhà trên đường Phan Đình Phùng, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, xây dựng hầm bí mật ngay trong nhà để chứa vũ khí và làm nơi hoạt động của biệt động Sài Gòn. Đây được xem là căn hầm lớn nhất, có thiết kế chắc chắn và chứa nhiều vũ khí nhất tại nội thành Sài Gòn lúc bấy giờ. Bằng nhiều biện pháp sáng tạo, căn hầm đã trở thành nơi cất giấu vũ khí có một không hai của vợ chồng Năm Lai.
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, ông Năm Lai bị đày ra Côn Đảo, căn nhà rơi vào tầm kiểm soát của quân địch. Tuy nắm trong tay ngôi nhà nhưng bọn chúng lại không hề mảy may hay biết sự tồn tại của căn hầm bí mật suốt những năm tháng về sau.
Khi hòa bình lập lại, ông Trần Văn Lai về công tác tại Bộ Tư lệnh TP.HCM cho đến ngày nghỉ hưu. Năm 2015, ông Trần Văn Lai vinh dự được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Căn nhà số 287/70 đường Võ Văn Tần được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngôi nhà kỳ diệu này là bằng chứng cho sự kiên trung, anh dũng và mưu trí của nhân dân ta trong thời kỳ chiến tranh chống giặc ngoại xâm, là bài học quý báu cho các lớp con cháu mai sau.