Hầm chui qua sông Hàn: Băn khoăn về pháp lý, kỹ thuật, kinh phí...

Nhiều băn khoăn về tính pháp lý, kỹ thuật, kinh phí... được các chuyên gia đặt ra đối với phương án xây dựng hầm qua sông Hàn mà Công ty CP tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- thuộc Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT – Bộ GTVT) đề xuất với Đà Nẵng.

Như đã nêu ở phần 1, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng và theo đề nghị của Sở GTVT, Ủy ban MTTQVN và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Đà Nẵng (LHHĐN) vừa tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, Hiệp hội chuyên ngành về phương án thiết kế hầm qua sông Hàn tại nút giao thông đường Đống Đa – 3/2 – Trần Phú.

Hầm chui qua sông Hàn: Băn khoăn về pháp lý, kỹ thuật, kinh phí... - ảnh 1

Theo các chuyên gia, việc xây dựng hầm qua sông Hàn tại nút giao thôngđường Đống Đa – 3/2 – Trần Phú là chưa tuân thủquy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2357/QĐ-TTg (Ảnh: HC)

Cùng với chỉ ra nhiều điểm chưa thuyết phục trong lý do mà Công ty CP tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC- thuộc Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT – Bộ GTVT) đưa ra cho phương án xây dựng hầm qua sông Hàn, các chuyên gia tham dự buổi lấy ý kiến cũng nêu nhiều băn khoăn về các vấn đề pháp lý, kỹ thuật, kinh phí... đối với công trình này.

Chưa tuân thủ quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt

Về pháp lý, ông Trần Dân, Phó Chủ tịch trực Hội Cầu đường TP Đà Nẵng và ông Nguyễn Văn Chung, Trưởng ban Tư vấn, phản biện và giám định xã hội LHHĐN cho rằng, việc xây hầm qua sông Hàn tại vị trí đường Đống Đa là chưa tuân thủ quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2357/QĐ-TTg.

Theo Quyết định 2357/QĐ-TTg thì tại khu vực đường Đống Đa không có hầm qua sông Hàn mà là cầu. Do vậy, nếu xem xét việc xây dựng hầm thì cần phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tại khu vực này và thực hiện các thủ tục cần thiết để Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh. Mặt khác, đây là vấn đề đầu tư lớn nên cần phải báo cáo xin ý kiến HĐND TP xem xét.

Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT, chủ yếu sử dụng quỹ đất để đổi công trình. Với khái toán ban đầu của hầm qua sông Hàn là 5.600 tỉ đồng thì số lượng quỹ đất để thực hiện BT sẽ rất lớn nên cần phải xem xét quy hoạch sử dụng đất nơi nào cho phù hợp với sự phát triển chung của đô thị.

Về kỹ thuật, ông Trần Dân cho rằng, trong các phương án ý tưởng của BRICTEC, vị trí tuyến thiết kế không hợp lý: chéo, quanh co, rối, gây kéo dài tuyến hầm, điểm đấu nối chưa phù hợp... Một số chuyên gia cũng chỉ ra, theo phương án của tư vấn, tuyến hầm quanh co sẽ khiến việc thiết kế, thi công và vận hành hầm rất phức tạp. Nút giao thông trước cửa hầm (phía quận Hải Châu) phức tạp, bán kính nhỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề khai thác sau này và mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn.

Cả 3 phương án thiết kế hầm kín có độ dài từ 700 – 900m. Về trắc dọc hầm thiết kế (vào và ra hầm) 5% là quá lớn, nếu thiết kế đúng độ dốc theo quy chuẩn tối đa là 4% thì công trình sẽ tăng vốn lên khá nhiều do giải phóng mặt bằng. Trong khi đó hầm lại cong, gây mất an toàn giao thông khi đưa vào khai thác. Đây là một bất hợp lý rất lớn trong thiết kế cầu đường.

Các chuyên gia cũng chỉ rõ, các đường dẫn vào hầm là các hào rộng và sâu, có những tuyến được thiết kế chạy dọc đường Như Nguyệt là tuyến đường mới mở nối dài với đường Bạch Đằng. Nơi đây, theo quy hoạch sẽ xây dựng các khách sạn 15 – 20 tầng, có bến thuyền du lịch trên sông. Do vậy, xây dựng hào hở chạy chắn ngang, chia cắt không gian giữa sông với đường ven sông và các công trình dịch vụ du lịch sẽ phá vỡ nghiêm trọng cảnh quan đô thị khu vực.

Mặt khác, theo ông Trần Dân, với bản vẽ bình diện thiết kế mà BRITEC đưa ra sẽ giải tỏa một vùng quá rộng lớn, lại là nơi trước đây đã quy hoạch, dân đã làm nhà kiên cố 3 – 5 tầng, nay đập phá làm nút giao thông là rất đáng tiếc, dễ gây bức xúc cho người dân và phương án tái định cư cho cư dân ở khu vực này cũng sẽ hết sức khó khăn. Theo ông Phan Văn Chương, Phó Chủ tịch LHHĐN thì phương án thiết kế hầm qua sông Hàn do BRITEC đưa ra chưa có phương án giải tỏa, đền bù và xác định khu vực tái định cư ở đâu?

Bên cạnh đó, việc làm hầm sẽ kéo theo các công trình phụ trợ như nhà thông gió, thông khí, nhà điều hành, nhà ở cho lực lượng trực PCCC, cứu hộ, bảo vệ 24/24, bãi để các phương tiện, máy móc, thiết bị đặc chủng, xe cứu hỏa.... Các công trình này sẽ chiếm dụng rất nhiều đất ở hai bên bờ và làm xấu cảnh quan khu vực.

So sánh với hầm Hải Vân và hầm Thủ Thiêm

Theo các chuyên gia, thi công hầm ngầm qua sông đòi hỏi trình độ tay nghề cao, thiết bị thi công đặc chủng song vẫn khó kiểm soát độ an toàn và chất lượng; thời gian thi công dễ bị kéo dài nên khả năng đội vốn đầu tư khá lớn. Thực tế cho thấy, hầm Hải Vân thi công trên mặt bằng rất thuận lợi, núi nổi, do hai công ty nổi tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc liên danh với hai nhà thầu trong nước, có công nghệ hiện đại và nhiều kinh nghiệm, thi công từ hai đầu hầm nhưng cũng phải mất tới 5 năm mới hoàn thành.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng thì khả năng lún hầm, rò rỉ nước vào hầm vẫn có thể xảy ra. Không khí trong hầm bị ô nhiễm do khí thải của các phương tiện giao thông, đặc biệt là tiếng ồn rất cao (không dễ gì khắc phục được nhược điểm này), dẫn tới người đi xe máy phải che kín tai và khi chở trẻ em qua hầm thì rất nguy hiểm.

Đơn vị tư vấn thiết kế khái toán chi phí đầu tư xây dựng hầm qua sông Hàn khoảng 5.600 tỉ đồng. Tuy nhiên ông Trần Dân chỉ ra, khái toán này chưa bao gồm lãi quá trình thi công và lợi nhuận của nhà đầu tư. Do đó khả năng sẽ phát sinh thêm khoảng 20%. Theo thông tin được công bố trên wikipedia.org về hầm Thủ Thiêm (có chiều dài và khối tích gần tương đương hầm qua sông Hàn) thì chi phí xây dựng lên tới 67.055 tỉ Yên, tương đương 8.100 tỉ VND thời giá năm 2000. Trong khi đó, chi phí xây cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý chỉ trên 1.500 tỉ đồng.

Đến từ Công ty Quản lý và khai thác hầm đường Bộ Hải Vân (HAMADECO), ông Lương Thanh Phong nhấn mạnh, hầm thiết kế cong sẽ ảnh hưởng đến thông gió, chưa kể thể tích hầm lớn nên càng phải tính toán kỹ hệ thống thông gió. Ngoài ra, cần đầu tư phương tiện chữa cháy khẩn cấp, phương tiện cứu hộ kịp thời. Đồng thời cần nghiên cứu hệ thống điện, kể cả nguồn điện dự phòng để phục vụ hoạt động của hầm, chưa kể việc bổ sung, thay thế thiết bị theo định kỳ.

Ông Nguyễn Văn Nhậm (Đại học GTVT, chuyên gia cao cấp Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng) cũng lưu ý, nếu làm hầm phải tính toán kỹ kinh phí phục vụ bộ máy quản lý vận hành, nguồn cấp điện (kể cả phương án dự phòng), PCCC, bảo vệ 24/24, cứu hộ, giám sát điều khiển giao thông, điều hành thoát nước, trạm thu phí, các thiết bị, máy móc chuyên dụng cũng như chi phí vận hành, bảo trì hàng năm.

Hầm chui qua sông Hàn: Băn khoăn về pháp lý, kỹ thuật, kinh phí... - ảnh 2

Nếu xây dựng hầm qua sông Hàn thì trên tuyến đường Như Nguyệt sẽ cóđường dẫn vào hầm là các hào rộng và sâu chạy chắn ngang, chia cắt không gian giữa sông với đường ven sông và các công trình dịch vụ du lịch sẽ phá vỡ nghiêm trọng cảnh quan đô thị khu vực (Ảnh: HC)

Theo ông Trần Dân, phương án của BRITEC cũng chưa tính đến các chi phí nêu trên. Trong khi đó, ông Võ Ngọc Trung, Phó giám đốc HAMADECO cho hay, chi phí vận hành hầm Hải Vân khoảng 80 – 90 tỉ đồng/năm. 

Ông Nguyễn Viết Trung (Nhà giáo nhân dân, Đại học GTVT) tuy không tham dự buổi lấy ý kiến nhưng cũng gửi mail đến Ban tổ chức cho biết TP.HCM tốn mỗi năm khoảng 45 tỉ đồng để bảo trì hầm Thủ Thiêm. Vì lý do này, ông Mai Triệu Quang (Hội Cầu đường TP Đà Nẵng) đề nghị đơn vị tư vấn thiết kế BRITC cần đưa ra các số liệu xác thực, đặc biệt là dự báo chi phí thay thế sau khi hầm đi vào hoạt động khoảng 10 năm do thiết bị của hầm là loại có tính đặc chủng. 

Đồng tình với quan điểm trên, bà Trần Thị Nam Phương (Hội Cầu đường TP Đà Nẵng) lưu ý, để ước tính một cách tương đối tổng mức đầu tư của dự án ở bước này, cần tham khảo các công trình có quy mô tương tự nhằm tránh việc xác định tổng mức đầu tư bị sai sót quá lớn.

Về tiến độ xây dựng, theo các chuyên gia, hầm Thủ Thiêm được duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tháng 6/1997 nhưng đến năm 2004 mới có thể tiến hành khởi công và hoàn thành vào tháng 11/2014. Như vậy, từ khi dự án đầu tư khả thi được đến khi hoàn thành công trình là hơn 14 năm, trong đó thời gian thi công là 7 năm.

Theo tiến độ mà BRITEC đưa ra cho hầm qua sông Hàn thì quý 2/2016 phê duyệt dự án đầu tư, quý 4/2016 khởi công và bàn giao công trình vào quý 4/2019. Như vậy, theo tính toán của BRITEC thì thời gian hoàn thành công trình chỉ khoảng 3,5 năm, trong đó thời gian thi công là 3 năm, chỉ bằng một nửa thời gian thi công hầm Thủ Thiêm. Các chuyên gia nhận định, đây là tiến độ xây dựng rất khó khả thi.

Mặt khác, một trong những hạng mục thi công rất phức tạp của hầm, chiếm nhiều thời gian tiến độ của công trình là đoạn “hầm dìm” qua sông. Ở hầm Thủ Thiêm, đoàn “hầm dìm” dài 370m, còn với hầm qua sông Hàn thì đoạn “hầm dìm” theo dự kiến dài 505m. Nếu tiến độ xây dựng hầm qua sông Hàn như hầm Thủ Thiêm hoặc gần như vậy thì sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển đô thị Đà Nẵng trong điều kiện dân số đô thị ngày một tăng.

Trước hết là trực tiếp ảnh hưởng đến giao thông qua cầu Sông Hàn vốn đã quá tải, tiếp đó là làm chậm tiến độ phát triển và hoàn thiện khu vực đô thị có quy mô lớn ở phía Bắc quận Sơn Trà, nơi có nhiều tiềm năng phát triển với lợi thế bờ biển và bán đảo Sơn Trà. Vì vậy các chuyên gia kiến nghị cần xem xét kỳ tiến độ xây dựng công trình hầm qua sông Hàn.

Nhiều ý kiến đề nghị xây dựng cầu qua sông Hàn

Tại buổi lấy ý kiến, các chuyên gia đều thống nhất việc xây dựng thêm công trình vượt sông Hàn là cần thiết. Tuy nhiên các ông Chu Ngọc Sung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kỹ sư và tư vấn Việt Nam; Hoàng Phương Hoa (Trưởng bộ môn Cầu – Hầm, khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng), Phan Đức Hải (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng) cho rằng, nếu xây dựng hầm qua sông Hàn thì việc lựa chọn vị trí cần nghiên cứu và xem xét lại, phải tính toán kỹ việc kết nối mạng lưới giao thông và tuân thủ quy hoạch chung của TP Đà Nẵng.

Ngoài ra, hầu hết các ý kiến còn lại đều đề xuất nên xây dựng cầu qua sông Hàn tại nút giao thông đường Đống Đa – 3/2 – Trần Phú đúng như quy hoạch TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2357/QĐ-TTg, vì làm cầu sẽ đẹp cho sông Hàn và kinh phí sẽ thấp hơn rất nhiều so với làm hầm.

Phó Chủ tịch LHHĐN Phan Văn Chương (nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng) cho rằng, nói Đà Nẵng có quá nhiều cầu là chưa đúng. Trên thế giới có nhiều TP có nhiều cầu nhưng vẫn rất đẹp. Tình hình kinh tế Đà Nẵng hiện còn nhiều khó khăn, khu vực Đồng Nò đang cần kinh phí để xây cầu. Do đó, chọn phương án xây cầu qua sông Hàn là phù hợp với điều kiện hiện nay của Đà Nẵng, và để dành kinh phí xây dựng các cây cầu khác cũng rất cần thiết.

Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Việt Thành, Phó trưởng Ban Tư vấn, phảm biện, giám định xã hội LHHĐN cho rằng, với điều kiện kinh phí của Đà Nẵng hiện nay thì nên làm cầu qua sông Hàn. Vì làm hầm, ngoài kinh phí đầu tư xây dựng lớn thì kinh phí vận hành, bảo dưỡng hàng năm cũng không hề nhỏ. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Viết Trung (Đại học GTVT) cũng cho rằng, xét về lâu dài ở Việt Nam thì làm cầu tốt hơn về kinh tế cũng như tuổi thọ và độ rủi ro.

Theo bà Trần Thị Nam Phương, đoạn sông Hàn từ cầu Tiên Sơn đến cầu Thuận Phước hiện đã có 6 cây cầu và vị trí đường Đống Đa là nơi duy nhất có thể bố trí thêm một cây cầu, các đoạn còn lại không thể và không nên bố trí thêm cầu. Mỗi cây cầu mới hình thành bao giờ cũng kéo theo sự phát triển của ngành kinh doanh bất động sản. Với một cây cầu đa năng, đẹp lung linh được xây dựng ở vị trí này sẽ là cú hích mạnh cho lĩnh vực bất động sản của khu vực.

Bà Trần Thị Nam Phương nhấn mạnh, phương án xây dựng cầu có các ưu điểm nổi trội về tất cả các mặt so với làm hầm. Đây là cơ hội làm cây cầu cuối cùng trên đoạn sông Hàn vừa nêu và cũng là phương án đầu tư xây dựng tối ưu, hoàn toàn phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại, lại có tác động mạnh và tốt đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, quốc phòng, đồng thời không gây mâu thuẫn hay cản trở nào cho sự phát triển TP trong tương lai.

Do đây là công trình có quy mô đầu tư lớn nên các chuyên gia kiến nghị, sau khi cân nhắc và quyết định chọn loại hình xây dựng công trình qua sông Hàn (trong đó cần cân nhắc thêm phương án xây dựng cầu), lãnh đạo TP Đà Nẵng nên xem xét tổ chức thi tuyển phương án rộng rãi. Thực tế thời gian qua, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và một só công trình lớn khác của Đà Nẵng được tổ chức thi tuyển quốc tế đã tạo được nhiều tiếng vang lớn trong và ngoài nước.

Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia tại buổi lấy ý kiến, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng cho rằng việc xây dựng công trình vượt sông Hàn cần lấy thêm ý kiến của nhân dân. Ông đề nghị LHHĐN làm biên bản, ghi nhận trung thực ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp để phản ánh với Thường trực Thành ủy, UBND TP.

Được biết, biên bản này (do ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch LHHĐN ký tên, đóng dấu) cùng công văn số 70/CV-LHH góp ý xây dựng công trình vượt sông Hàn đã được LHHĐN gửi lên Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ để “xem xét trước khi quyết định chọn phương án xây dựng công trình vượt sông Hàn”.

HẢI CHÂU

Đề xuất miễn visa cho khách thị trường trọng điểm

Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất miễn thị thực nhập cảnh đối với khách ở các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia.

Khách nhiễm Covid-19 cố tình giấu bệnh lên máy bay có thể bị cấm bay vĩnh viễn

Trước khi lên máy bay khách có xét nghiệm xác nhận bị nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo trung thực có thể bị Vietnam Airlines cấm bay vĩnh viễn trên các chuyến bay của hãng.

VOV bổ nhiệm Phó giám đốc đài truyền hình kỹ thuật số VTC

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã quyết định bổ nhiệm ông Lương Minh Đức giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, đồng thời tái bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Bình tiếp tục giữ chức Phó GĐ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Sáng 18/ 2, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội tổ chức họp đoàn kiện toàn chức danh Trưởng đoàn.

Bộ TT&TT điều động và bổ nhiệm 13 cán bộ lãnh đạo chủ chốt

Nhận định lần trao các quyết định giao nhiệm vụ quy mô lớn này là một sự kiện lịch sử của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với vị trí, nhiệm vụ mới, 13 cán bộ lãnh đạo các đơn vị sẽ có năng lượng mới để đóng góp tốt hơn cho Bộ, đất nước.

Tọa đàm Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng CSVN với sự nghiệp văn hóa-VHNT VN

Buổi tọa đàm với diễn giả là GS. Phong Lê - Nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, diễn ra lúc 9h00 ngày 03/02/2020 tại Tầng 1 Tòa nhà chính Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội.

Đắk Lắk: Bệnh nhân bị đồn nhiễm virus corona là một tiếp viên hàng không

Liên quan đến thông tin trên mạng xã hội cho là "có người nhiễm corona tại Đắk Lắk", sáng 28/1, lãnh đạo BVĐK vùng Tây Nguyên cho biết, có một bệnh nhân bị sốt đang được điều trị tuy nhiên chưa thể kết luận có nhiễm virus corona hay không.

Đà Nẵng: Xuân 2020 hướng tới 22 dự án với tổng vốn đầu tư 1,7 tỉ USD

Các cơ quan hữu quan của Đà Nẵng đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục đầu tư đối với các dự án đang xúc tiến để tại “Tọa đàm Mùa xuân 2020” có thể hướng tới 22 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 1,715 tỉ USD

Tân Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Sáng nay 20/1, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý trao quyết định của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bổ nhiệm Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội cho ông Nguyễn Hồng Sơn.

Bổ nhiệm Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức Giám đốc Công an Lâm Đồng

Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Lê Vinh Quy, Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng

Đang cập nhật dữ liệu !