Hải quan TP.HCM: Có doanh nghiệp khi xác minh thì giám đốc là người tâm thần!
ÔngNguyễn Đình Tuệ (người đeo kính): "Hình như cơ quan thuế không thích các doanh nghiệp rơi vào tình trạng giải thể" |
Ngày 7/11 HĐND TP.HCM đã tổ chức hội thảo về Hiệu quả quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp tại TP.HCM. Tại đây các vấn đề liên quan đến quyết toán thuế và thành lập doanh nghiệp đã được các chuyên gia đặt ra.
Phát biểu trong hội thảo ông Nguyễn Đình Tuệ (Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM) dí dỏm cho rằng “doanh nghiệp không thích các đoàn kiểm tra, nhưng rất mong muốn được kiểm tra quyết toán thuế”.
Theo ông chính sách thuế hiện nay là để doanh nghiệp tự kê khai, do vậy hàng năm cần được kiểm tra để biết sự chênh lệch vì quan điểm của cơ quan thuế và doanh nghiệp thường “không giống nhau”.
“Nếu sự chênh lệch đó được giải quyết hàng năm thì dễ xử lý, còn để kéo dài nhiều năm mới tính để truy thu thì doanh nghiệp tử tế cũng có thể chết hoặc phá sản. Vì vậy mong muốn bằng cách nào đó ngành thuế quyết toán hàng năm đối với doanh nghiệp” – ông nói.
Ông Tuệ cũng cho rằng một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp mong muốn kiểm tra hàng năm là “kiểm tra đến doanh nghiệp nào thì hầu hết đều có vi phạm”, trong khi điều này ‘không phải do doanh nghiệp không có ý thức pháp luật mà do quan điểm khác nhau”.
“Số doanh nghiệp quyết toán để hoàn tất thủ tục giải thể mà mời thuế xuống kiểm tra rất khó. Hình như cơ quan thuế không thích các doanh nghiệp rơi vào tình trạng này, nên tôi cho rằng số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động không làm thủ tục giải thể được là rất lớn” – ông Tuệ nhận định.
Để hạn chế việc chậm trễ, ông Tuệ đề xuất ngành thuế cần kiến nghị Trung ương giảm các chỉ tiêu trong luật thuế, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để tăng số lượng doanh nghiệp được kiểm tra, hoặc cho tư nhân tham gia vào hoạt động này.
Trả lời đề nghị của ông Tuệ, Phó cục trưởng Cục thuế TP.HCM Nguyễn Nam Bình cho biết việc ngành thuế hiện thanh tra dựa trên đánh giá rủi ro, và việc đánh giá này đang được chạy trên máy tính chứ không phải dựa trên ý chí của con người.
“Do vậy vậy những doanh nghiệp được thanh, kiểm tra thường có rủi ro” – ông Bình nói, đồng thời cho biết số lượng các cuộc kiểm tra của ngành thuế là 17%, còn thanh tra chưa tới 1%. “Ngành thuế rất hạn chế kiểm tra để doanh nghiệp tập trung sản xuất” – ông Bình cho hay.
Về mong muốn được quyết toán hàng năm, ông Bình cho rằng lượng doanh nghiệp cứ 5 năm tăng gấp đôi, trong khi nhân sự ngành “5 năm rồi không tăng, thậm chí giảm”, vì vậy đề nghị này rất khó thực hiện.
“Mặc nhiên những doanh nghiệp không kiểm tra là đang thực hiện nghĩa vụ thuế tốt” – ông Bình nói.
Trong khi đó nói về việc kiểm soát doanh nghiệp, Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết hiện nay việc thành lập quá dễ - thậm chí chỉ cần 1 chứng minh thư nhặt được ngoài đường, khiến cơ quan này rất khó khăn khi xác minh.
“Có những doanh nghiệp khi xác minh thì giám đốc là anh xem ôm, thậm chí người bị tâm thần. Ngoài ra chuyện 1 giám đốc đứng tên vài chục doanh nghiệp hay 1 địa chỉ có cả trăm doanh nghiệp là bình thường” – đại diện Cục Hải quan cho hay.
Đơn vị này cũng đề nghị siết chặt lại điều kiện thành lập doanh nghiệp bằng cách như xác minh địa chỉ, số chứng minh thư… đồng thời có cơ chế chia sẻ thông tin thuận lợi hơn giữa các sở ngành.