Hải quan bất nhất, thuế môi trường “hành” doanh nghiệp
Hải quan bất nhất, thuế môi trường “hành” doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Lê Hùng, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Lê Hùng Sao Mai, nhà phân phối sản phẩm dầu nhớt của Tập đoàn Total kể về trường hợp bị “hành” thuế bảo vệ môi trường của doanh nghiệp mình rằng, theo quy định, nhà sản xuất phải đóng thuế bảo vệ môi trường ngay đầu vào sản xuất. Nghĩa là sản phẩm dầu nhớt nhập khẩu của công ty ông phân phối đã được đóng thuế bảo vệ môi trường trước đó. Nhưng hải quan tại các khu chế xuất vẫn tiếp tục áp dụng thuế bảo vệ môi trường cho các sản phẩm này.
Khi doanh nghiệp giải trình là Tập đoàn Total đã đóng thuế bảo vệ môi trường ngay từ khi nhập khẩu thì các cơ quan hải quan đòi doanh nghiệp phải xuất trình giấy tờ nộp thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách Nhà nước của Tập đoàn Total.
Ông Hùng bức xúc: “Đòi chứng từ như thế thì doanh nghiệp đành… chịu trận, chứ biết làm sao hơn. Làm sao Total Việt Nam có thể đưa những chứng từ nộp ngân sách cho chúng tôi nộp hải quan được. Vì trong quá trình nhập khẩu, ngoài dầu nhớt, họ còn nhập các chất phụ liệu, dung môi pha chế… Đưa cho chúng tôi những chứng từ đó đương nhiên họ lo ngại lộ thông tin kinh tế, bí mật công nghệ pha chế của họ. Chúng tôi cũng không có quyền yêu cầu nhà sản xuất phải cung cấp những chứng từ đó được”.
Một trong những cách gỡ rối của Total Việt Nam cho doanh nghiệp Lê Hùng Sao Mai là, Total Việt Nam đồng ý làm giấy xác nhận rằng Total Việt Nam đã đóng thuế bảo vệ môi trường ở đầu vào sản phẩm. Nhưng hải quan không đồng ý. “Chúng tôi đã không bán được hàng do không đóng thuế bảo vệ môi trường thay cho khách hàng”, ông Hùng thất vọng.
Có một điều nghịch lý là, một số nơi như hải quan Long Bình chẳng hạn, thì không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế bảo vệ môi trường lần hai. Họ biết nhà sản xuất đã đóng thuế bảo vệ môi trường cho sản phẩm trước khi phân phối cho Lê Hùng Sao Mai. Nhưng những chi cục hải quan khác như: Long Thành, Tân Thuận, Linh Trung, Khu công nghệ cao… thì vẫn yêu cầu xem chứng từ nộp ngân sách như nêu trên.
Một doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản trong khu chế xuất Tân Thuận cho biết, theo quy định thì túi nilon PE nhập khẩu vào khu chế xuất để chế biến, sau đó tiếp tục xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thì sẽ không phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Nhưng trong quá trình sản xuất, doanh nghiệp này đã nhập túi nilon sản xuất ở nước ngoài thông qua một doanh nghiệp nhập khẩu ở một khu chế xuất khác. Chính vì thế, trong thời gian qua, doanh nghiệp đã phải khai thuế bảo vệ môi trường tại hải quan khu chế xuất cho sản phẩm túi nilon này.
Sản phẩm của Công ty TNHH Bao bì nhựa Tiến Phát cũng bị đánh thuế hai lần trong quá trình mua bán. Ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc công ty cho biết, công ty của ông đã cộng thuế bảo vệ môi trường vào giá bán sản phẩm màng nhựa, túi nhựa và kê khai nộp thuế tại Cục thuế Bình Dương, do công ty nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nhưng khi bán sản phẩm cho một doanh nghiệp trong khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) thì doanh nghiệp này phản ánh lại rằng, đã phải tiếp tục kê khai nộp thuế bảo vệ môi trường cho hải quan TP.HCM.
Hải quan TP.HCM có hướng dẫn hoàn thuế cho doanh nghiệp trong khu chế xuất Tân Thuận mua sản phẩm của Tiến Phát. Tuy nhiên, trong thời điểm vốn khó khăn như hiện nay, sẽ tạo thêm sức ép cho doanh nghiệp mua hàng. Và phía Tiến Phát bán hàng cũng rất khó khăn.
Theo ông Lê Tư, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, thuộc Cục Thuế TP.HCM, thuế bảo vệ môi trường chỉ đánh một lần ở khâu sản xuất, khâu thương mại sẽ không chịu thuế bảo vệ môi trường. Tại công văn số 9018 của Bộ Tài chính gửi cho Cục thuế và các cơ quan hải quan, đối với những hàng hóa thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường, được sản xuất trong nước hoặc trong khu phi thuế quan và bán ra trong nước, trong khu phi thuế quan, giữa các khu phi thuế quan với nhau, hoặc xuất nhập khẩu tại chỗ, thì doanh nghiệp sản xuất hàng hóa phải khai thuế bảo vệ môi trường khi bán hàng hóa.
“Trong trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế bảo vệ môi trường ở khâu nhập khẩu rồi, khi bán sản phẩm ra thị trường hoặc bán vào khu phi thuế quan, nếu doanh nghiệp chứng minh được đã nộp thuế ở khâu nhập khẩu thì sẽ không phải chịu thuế bảo vệ môi trường lần hai”, ông Lê Tư khẳng định.
Với những trường hợp hải quan khu chế xuất, khu công nghiệp tiếp tục đánh thuế sản phẩm chịu thuế bản vệ môi trường khi trao đổi, mua bán, ông Lê Tư khuyến cáo, các doanh nghiệp nên có văn bản gửi cho Cục Hải quan TP.HCM để giải quyết tận gốc vấn đề này.
Duy Nguyên