Hà Tĩnh: Nhà hàng, khu du lịch đóng cửa, hàng chục héc-ta ngao cũng đìu hiu
Dân nuôi ngao như ngồi trên đống lửa
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại Hà Tĩnh đã phải tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn. Việc này có tác động không nhỏ đến nhiều hộ nuôi trồng thủy hải sản tại huyện Lộc Hà. Hàng trăm tấn ngao thịt không thể khai thác, đồng nghĩa với nhiều tỷ đồng của người dân đang nằm ngoài bãi mà không thể thu hồi về.
Trao đổi với PV, chị Lê Thị Loan, đại diện HTX nuôi trồng thu mua XNK Thủy hải sản Loan Hoan tại xóm Lâm Châu, xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà) cho biết: “HTX có 9 thành viên, tổng diện tích nuôi trồng 42,6 ha, trong đó diện tích nuôi tôm 2,6ha, nuôi ngao 40ha. Riêng vợ chồng tôi nuôi trồng 25ha, theo hình thức cuốn chiếu. Dự tính còn khoảng từ 450 đến 500 tấn chưa khai thác”.
“Mùa thu hoạch ngao thịt diễn ra từ tháng 3 đến tháng 6, nhưng gia đình tôi có hàng bán quanh năm. Bắt đầu từ Tết Nguyên đán 2020 đến nay, bình quân bán khoảng 3 tạ/ngày với giá từ 15 đến 17 nghìn đồng/kg. Tôi thường xuất đi Cửa Lò (Nghệ An), Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng bằng việc đóng bao bì rồi gửi xe khách. Ngoài ra, thương lái còn đưa xe đến mua tại chỗ”, chị Loan nói thêm.
Cũng theo chị Loan, hiện tại đang đến vụ thu hoạch nhưng gặp dịch nên dừng lại. Từ 25/3 đến nay không bán được, vì dân tiêu thụ tại chỗ chỉ rất ít. Nhu cầu các nơi khác vẫn có nhưng không có xe để gửi nên không ai khai thác.
Hơn 25ha với gần 500 tấn ngao thịt của gia đình chị Loan đang nằm giữa bãi mà không thể thu hoạch |
“Vừa rồi gia đình tôi thả mới trên 20 tấn ngao giống, hết 965 triệu đồng, cộng tiền công là gần 1 tỷ. Chỉ mong mau chóng kết thúc dịch bệnh để thu hoạch ngao thịt thu hồi vốn về”, chị Loan nói.
Cùng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh, ông Lê Xuân Hùng, tại thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà) thông tin: “Toàn HTX có 10 hộ, nuôi trồng 32ha ngao, riêng đất tỉnh giao, gia đình tôi nuôi khoảng 12 ha ngao chưa kể xâm canh ở các xã, huyện cận kề. Vào thời điểm này năm ngoái, không khí ồn ào náo nhiệt cả khúc sông, nhưng giờ vắng tanh, không ai ra bãi cả”.
“Đầu năm 2020 lại nay, gia đình tôi đã khai thác trên 100 tấn ngao thịt. Giờ vào chính vụ, đáng ra mỗi ngày phải tiêu thụ mấy tấn, nhưng do dịch bệnh nên không có ai mua bán gì cả. Dự kiến còn khoảng 300 tấn ngao thịt bị mắc kẹt ngoài bãi”, ông Hùng nói thêm.
Cũng theo ông Hùng, sau khi khai thác, ông chủ yếu nhập đi các tỉnh phía Bắc và Huế, Đà Nẵng, thậm chí vào tận miền Nam. Giờ ảnh hưởng dịch bệnh, hạn chế xe đi lại, nên không có phương tiện để vận chuyển. Còn thương lái thì chỉ mua một xe từ 2 đến 3 tạ phục vụ cho nhân dân trong tỉnh không đáng bao nhiêu.
Cũng theo ông Hùng, gia đình ông vừa thả giống mới trên 3 thửa, với hơn 25 tấn ngao giống loại 1000 con/kg, chi phí trên 3 tỷ đồng. Sau khi khai thác xong số ngao thịt còn lại sẽ đầu tư trên 1 tỷ tiền giống nữa.
Còn ông Phạm Văn Thiết cũng ở thôn Mai Lâm, xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà), một trong những hộ nuôi trồng thủy hải sản lớn tại địa phương cho hay: “Trước đây bình quân mỗi ngày khai thác khoảng 2 tấn, chủ yếu nhập cho dân Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An). Hiện tại các bãi biển, quán hàng ngừng hoạt động nên không bán được. Thỉnh thoảng có khai thác để bán cho thương lái tại Hà Tĩnh nhưng ngày chỉ được vài tạ”.
Cũng theo ông Thiết, tổng diện tích mà ông nuôi trồng khoảng 15ha, mới khai thác được một ít, dự kiến còn khoảng hai trăm tấn. Bình thường thuê hơn chục người làm, nhưng do hải sản tồn đọng nên rút lại còn 4 người.
Sức mua giảm mạnh
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà) chia sẻ: “Riêng nuôi trồng thì không có vấn đề gì nhưng tiêu thụ sản phẩm thì ảnh hưởng. Người dân muốn thu hoạch để bán nhưng thị trường không lưu thông được, kể cả chợ bán lẻ cũng không được bao nhiêu. Người đi chợ giảm nhiều, sức mua không có”.
Cũng theo ông Thông, diện tích nuôi trồng thủy hải sản toàn xã thì nhiều, nhưng ảnh hưởng trực tiếp thì khoảng 60 ha ngao vì loại này thu hoạch thường xuyên quanh năm.
“Mặc dù họ có liên hệ bán hàng tận nhà nhưng không được bao nhiêu, chủ yếu là vào nhà hàng, bãi biển nhưng đóng cửa do dịch. Tiêu thụ tiền nghìn mà bán chỉ tiền trăm”, ông Thông ví von.
Còn Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Hà Võ Tá Bình thông tin: “Đối với sản phẩm ngao nói riêng và thủy hải sản nói chung, thời gian này thị trường tiêu thụ giảm do chủ yếu phục vụ các nhà hàng, điểm du lịch nhưng do dịch bệnh nên các nhà hàng đều đóng cửa”.
Bãi nuôi ngao 25ha của gia đình chị Loan vắng tanh, không một bóng người |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi Cục nuôi trồng Thủy sản, Sở NN&PT Nông thôn Hà Tĩnh cho biết: “Dịch Covid-19 tác động đến toàn xã hội, trong đó ngành nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề. Hiện tại, các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất hiểu sự khó khăn của người dân, nhưng để tìm phương án hữu hiệu bây giờ thì cũng không dễ. Trước mắt, chúng tôi khuyến cáo người dân tiêu thụ nội địa, chứ xuất khẩu thì rất khó”.
Cũng theo Chi cục trưởng Chi Cục nuôi trồng Thủy sản, giải pháp trước mắt là người dân có thể khai thác cầm chừng để cung cấp rải tại thị trường nội địa. "Khi dịch bệnh được ngăn chặn, thông thương trở lại bình thường thì chúng tôi sẽ tìm các thị trường cho người dân tiêu thụ", ông Hoàng nói thêm.