Hà Tĩnh: Dự án chăn nuôi 4.500 tỷ liên quan ông Trần Bắc Hà hiện ra sao?
Trải thảm đỏ mời chào!
Đầu năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 1300/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) làm chủ đầu tư trên địa bàn hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
Trang trại bò Bình Hà đầu tư gần 5000 tỉ đồng tan hoang sau thời gian ngắn |
Sau quyết định nêu trên có hiệu lực, tỉnh Hà Tĩnh quyết liệt triển khai công tác giải phóng mặt bằng để cho dự án sớm triển khai đúng theo kế hoạch đã được đề ra.
Ngay sau đó, hàng chục văn bản yêu cầu phải sớm bàn giao mặt bằng khiến cho các xã có đất nằm trong dự án phải làm việc liên tục để đáp ứng tiến độ. Một vị lãnh đạo huyện Cẩm Xuyên từng ngao ngán cho hay, nhiều văn bản của tỉnh còn nhấn mạnh: “Nếu bàn giao mặt bằng chậm thì lãnh đạo huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh”.
Kể từ đó, hàng trăm ha cao su, thông, keo đang phát triển ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh phải đốn hạ để nhường đất cho dự án chăn nuôi bò. Riêng xã Cẩm Quan đến nay đã thu hồi, bàn giao cho công ty giai đoạn 1 là 477 héc ta, trong đó đất Công ty cao su Hà Tĩnh quản lý 102 héc ta, đất hộ gia đình cá nhân là 375 héc ta.
Tại thời điểm triển khai dự án, người dân cũng như chính quyền tại 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh đã có không ít ý kiến bày tỏ sự quan ngại về tính khả thi của dự án, về công tác bảo vệ môi trường và giá cả đền bù khá thấp. Tuy nhiên, mọi phản ánh cũng nằm ở mức cảnh báo, chính quyền và người dân vẫn phải thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo của cấp trên.
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt của Công ty Bình Hà có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng (đã bổ sung, điều chỉnh theo Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 12-1-2016 của UBND tỉnh Hà Tĩnh), được triển khai trên diện tích 2.163,5 ha ở hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Với quy mô 254.200 con bò/năm, dự kiến sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, với sản phẩm bò thịt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã điều chỉnh toàn bộ diện tích quy hoạch phát triển cao su, hoa màu, rừng sản xuất trên địa bàn hai huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên sang quy hoạch phát triển chăn nuôi, trồng cỏ.
Cả một trang trại lớn, quy mô hoành tráng nhất miền Trung nhưng hiện giờ trang trại này chỉ còn duy trì một bảo vệ và lác đác đôi công nhân rảnh rỗi chuyện phiếm qua ngày |
Theo đó, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh và Công ty Bình Hà đã thống nhất và thỏa thuận phương án bồi thường, hỗ trợ tài sản trên diện tích đất do Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh quản lý tại hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh với hơn 1.848 ha nằm trong quy hoạch chăn nuôi bò, với số tiền 98 tỷ đồng.
Ngoài ra, hàng trăm héc-ta diện tích đất rừng sản xuất, đất trồng hoa màu, trồng lúa của người dân các xã Cẩm Mỹ, Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên) và Kỳ Tây, Kỳ Hợp (huyện Kỳ Anh) cũng được thu hồi để phục vụ dự án.
Trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư đã nhiều lần đề nghị tỉnh Hà Tĩnh thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB phục vụ dự án như: rút ngắn thời gian công khai, phê duyệt và thanh toán tiền bồi thường, gia hạn thời gian nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng…
Đáp ứng những đề nghị của nhà đầu tư, cùng với việc thành lập các tổ công tác liên ngành để đôn đốc các địa phương phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan gia hạn việc thực hiện các thủ tục của dự án theo quy định.
Những ưu đãi "vô tiền khoáng hậu" từ BIDV
Để đáp ứng cho dự án phát triển đúng theo dự tính, tỉnh Hà Tĩnh đã huy động tổng lực để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao hơn 819 ha cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Ngoài ra, dự án chăn nuôi bò Bình Hà còn được sự giúp đỡ “vô tiền khoáng hậu” từ ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thời ông Trần Bắc Hà làm chủ tịch.
Theo cam kết giữa các bên, ngoài hợp đồng tín dụng cho vay trung, dài hạn hơn 2.000 tỷ đồng, BIDV sẽ tiếp tục làm đầu mối đầu tư vốn lưu động cho dự án với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng
Gần 1000 héc ta đất hoa màu, rừng sản xuất, trồng lúa của người dân bị thu hồi giờ bỏ hoang |
Vì vậy, chỉ chưa đầy hai năm sau khi được cấp phép đầu tư, Công ty Bình Hà đã xây dựng được 65 chuồng trại, hai khu nhà điều hành, hệ thống 19 kho chứa và các công trình phụ trợ khác, đồng thời tiến hành trồng cỏ trên diện tích gần 678 ha. Nhưng đến nay, sau hơn ba năm triển khai thực hiện, dự án chỉ mới đạt quy mô bình quân gần 15.000 con/năm, bằng 6% so quy mô đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Công ty đã xuất bán gần 43.000 con bò nuôi sau khi đã vỗ béo từ ba đến bốn tháng, nhưng rồi tổng đàn bò nhập về, thả nuôi các đợt cứ giảm dần. Và từ tháng 6-2017 đến nay, công ty không nhập thêm bò và đến thời điểm hiện tại, số bò được chăn nuôi tại dự án chỉ còn chưa đến 500 con.
Sau 3 năm triển khai, dự án thực sự gây thất vọng cho lãnh đạo và nhân dân Hà Tĩnh. Lúc triển khai dự án, Hà Tĩnh hy vọng sẽ có hơn 4.000 lao động của huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh được tạo việc làm ổn định, kinh tế người dân phát triển bền vững…
Hy vọng là vậy nhưng hiện nay, chính dự án này đang làm cuộc sống người dân bị đảo lộn, nhiều hộ dân mất đất sản xuất, diện tích trồng rừng của Hà Tĩnh bị thu hẹp dần.
Từ trụ sở UBND xã Kỳ Hợp để đến trang trại bò Bình Hà phải mất tầm khoảng 30 phút đi xe máy. Đoạn đường nhựa dẫn đến trang trại bò hầu như đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Người dân sống ven đường cho rằng trước kia trang trại bò hoạt động nhộn nhịp, hàng trăm xe vận tải cỡ lớn chở vật liệu ra vào đã làm hư hỏng con đường này.
Đến trước trang trại bò, đập vào mắt PV là khung cảnh tiêu điều hoang vắng, các đồi trồng cỏ cho bò ăn trọc lóc; hệ thống chuồng trại xuống cấp, các khu nuôi nhốt bò vắng tanh.
Trang trại bò giống và bò thịt Bình Hà hầu như đã bị tốc mái tôn, trong các chuồng trại trống không, cỏ dại mọc um tùm.
Trò chuyện với một số nhân công tại đây, họ cho biết, tình trạng này kéo dài đã mấy tháng nay. Bò không còn được nhập về như trước nữa. Hơn nữa, sau cơn bão số 10 năm 2017 thì hệ thống chuồng trại của Cty cũng bị hư hỏng nặng nhưng người ta vẫn không cho tu sửa lại.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh (người đội mũ cối, bên trái) trong một lần đến thăm dự án nuôi bò của Công ty Bình Hà. |
“Hiện tại, ở đây chỉ duy trì một bảo vệ và một số người để điều hành. Phần lớn họ đã đưa máy móc, điều chuyển công nhân sang một trại bò đóng tại xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên”, một công nhân tại công ty Bình Hà đóng tại xã Kỳ Hợp chia sẻ.
Để nắm rõ được những nguyên nhân khiến một trang trại bò được đầu tư bài bản lại rơi vào cảnh hoang phế, PV đã liên lạc với ông Trung - đại diện công ty Bình Hà đóng tại xã Kỳ Hợp.
Tuy nhiên, ông Trung từ chối trả lời các câu hỏi và đề nghị PV liên hệ trực tiếp với Trưởng phòng tổ chức của công ty để sắp xếp lịch làm việc tuy nhiên mọi liên lạc đến các đầu mối này đều bất thành.
Không hiệu quả sẽ đánh giá thu hồi dự án
Theo Báo cáo trả lời chất vấn các câu hỏi của Đại biểu HĐND tỉnh Hà Tĩnh, kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI của Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, Dự án chăn nuôi bò của Công ty Cổ phần chăn nuôi Bò Bình Hà đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2015 với diện tích đất khảo sát khoảng 6.119,28ha, quy mô đàn bò dự kiến 150.000 con bò/năm, vốn đầu tư trên 4.233 tỷ đồng. Sau đó, vào năm 2016 được điều chỉnh với tổng diện tích đất thực hiện dự án 2.163,5 ha (gồm: Kỳ Anh 584,9 ha và Cẩm Xuyên 1.587,6 ha), tổng đàn bò 254.200 con/năm, tổng vốn đầu tư 4.582 tỷ đồng.
Mục tiêu đầu tư của dự án là phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, với sản phẩm bò thịt chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhà đầu tư, người lao động và người dân trên địa bàn.
Ông Đặng Ngọc Sơn trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh về những bết bát của dự án nuôi bò Bình Hà |
Trả lời chất vấn của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, công ty Bình Hà đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất. Hiện công ty đang xin điều chỉnh lại dự án. Các cơ quan chức năng sẽ soát xét lại diện tích đất đai, năng lực nhà đầu tư, nếu không đảm bảo thì sẽ điều chỉnh quy mô dự án.
Trước câu hỏi liệu công ty Bình Hà đã dụng nguồn vốn dự án đem thế chấp không? Ông Việt cho biết vấn đề này ông chưa nắm rõ nên chưa dám trả lời.
Nói về dự án chăn nuôi bò Bình Hà phát huy chưa hiệu quả, ông Đặng Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, về hướng xử lý trong thời gian tới đối với dự án này, các sở, ban ngành Hà Tĩnh sẽ hỗ trợ tích cực doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
“Đó là điều kiện khẳng định môi trường đầu tư Hà Tĩnh là tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ công ty quản lý ổn định diện tích đất còn lại. Về việc trồng chuối sẽ theo dõi sát sao, hỗ trợ công ty đánh giá khách quan hiệu quả. Nếu công ty không hiệu quả sẽ đánh giá thu hồi dự án”, ông Sơn nói.