Hà Tĩnh: Chợ 160 tỉ đồng vắng teo, lí do bất ngờ
Vắng khách vì chợ mọc lên như nấm
Vào năm 2015, chợ Kỳ Anh được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho Công ty TNHH xuất nhập khẩu Châu Tuấn đầu tư 160 tỷ đồng để xây dựng tại vị trí mới thay thế chợ cũ cách đó 2,1km.
Theo các tiểu thương thì vị trí chợ mới nằm ngay giữa cánh đồng lúa, dân cư thưa thớt không thuận lợi cho buôn bán kinh doanh.
Vào thời điểm xây dựng, hàng trăm tiểu thương đã gửi đơn đến chính quyền các cấp phản đối việc di dời vào buôn bán tại chợ mới này.
Thường xuyên vắng khách, buôn bán ế ẩm là tình trạng chung các quầy ốt tại chợ Kỳ Anh |
Trước tình hình đó, tỉnh Hà Tĩnh đã hứa với người kinh doanh sẽ có nhiều chính sách nhằm phát triển chợ Kỳ Anh như: Xây dựng các tuyến đường từ trung tâm các xã phường của Thị xã Kỳ Anh đến chợ, cấm tiểu thương buôn bán kinh doanh xung quanh khu vực chợ cũ, hỗ trợ lãi suất ngân hàng khi vay tiền mua quầy ốt kinh doanh tại chợ mới.
Tuy nhiên, sau gần ba năm chợ đi vào hoạt động, hầu hết tiểu thương kinh doanh tại chợ đang lâm vào cảnh vỡ nợ vì thua lỗ nặng nề. Nguyên nhân là những lời hứa của các cấp chính quyền với tiểu thương trước đây vẫn chưa được thực hiện triệt để.
“Những tuyến đường từ các xã phường của thị xã đến chợ vẫn chưa được xây dựng khiến lượng khách đến chợ quá ít. Còn tại khu vực xung quanh chợ cũ người dân vẫn buôn bán một cách sầm uất, cả trên vỉa hè, thậm chí ngay trên lòng đường nhưng các cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý cứng rắn, ảnh hưởng phần nào đến lượng khách tại chợ mới”, ông Long, một tiểu thương tại chợ nói.
Chợ Kỳ Tân được đầu tư hàng chục tỉ gần đó cũng vắng teo |
Tuy nhiên, theo các tiểu thương chợ Kỳ Anh thì lí do chính là việc thời gian gần đây tỉnh Hà Tĩnh cấp phép và cho xây dựng nhiều khu chợ và trung tâm thương mại lớn, gần ngay khu vực chợ Kỳ Anh như Trung tâm thương mại Vincom, khu chợ Kỳ Tân, Trung tâm thương mại Phú Nhân Nghĩa đã làm phân tán lượng khách hàng. Thậm chí, một số chợ mới xây dựng cũng rơi vào tình trạng vắng cả người mua lẫn người bán như tại chợ Kỳ Tân.
Nguy cơ tiểu thương vỡ nợ
Chia sẻ về những khó khăn đang phải đối mặt, ông Phạm Quốc Điển, một tiểu thương cho biết: “Trước đây, chúng tôi buôn bán ở chợ Kỳ Anh cũ, giá thuê quầy ốt thấp, lượng khách nhiều. Tuy nhiên, để ủng hộ chủ trương của nhà nước, chúng tôi đã vay vốn hàng tỷ đồng của ngân hàng đầu tư mua quầy ốt kinh doanh tại chợ Kỳ Anh mới. Đã ba năm trôi qua, việc buôn bán ngày càng khó khăn khi các chợ xung quanh mọc lên như nấm. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì nguy cơ vỡ nợ của tiểu thương ở chợ mới Kỳ Anh đang đến rất gần”.
Ông Điển cho biết thêm, hiện tập thể tiểu thương chợ Kỳ Anh đã nộp đơn kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Và lãnh đạo tỉnh này sẽ đối thoại với bà con trước ngày 15/9/2018.
Khu vực xung quanh chợ cũ đã di dời vẫn được người dân tổ chức buôn bán sầm uất |
“Chúng tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh sẽ thực hiện cam kết như đã hứa với người dân, quan tâm đến chúng tôi chúng tôi, hỗ trợ thêm thời gian về lãi suất ngân hàng để chúng tôi vượt qua được giai đoạn khó khăn này”, ông Điển nói.
Trao đổi với PV Infonet, ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh cho biết thị xã đã nắm bắt được các nội dung bà con tiểu thương kiến nghị lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh và lãnh đạo Thị xã Kỳ Anh sẽ có buổi đối thoại trực tiếp với bà con tiểu thương vào chiều 12/9/2018.
Theo ông Vĩnh, vấn đề tiểu thương kiến nghị về việc quy hoạch chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn Kỳ Anh và hỗ trợ lãi suất ngân hàng thuộc vào thẩm quyền trả lời của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Vấn đề chợ cóc, chợ tạm mọc lên, thị xã Kỳ Anh sẽ quyết tâm chỉ đạo phường Sông Trí dẹp bỏ tình trạng này. Vừa qua, thị xã Kỳ Anh đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan ban ngành tập trung xử lý triệt để các chợ cóc, chợ tạm, người buôn bán không đúng địa điểm quy định làm ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ quan đô thị.
“Riêng vấn đề xây dựng các tuyến đường dẫn đến chợ, hiện nay Thị xã đang từng bước thực hiện. Vừa qua một tuyến đã hoàn thành, hiện nay Thị xã đang đầu tư thi công tuyến thứ hai với tổng vốn 282 tỷ đồng. Các tuyến còn lại địa phương sẽ cân đối ngân sách để triển khai trong thời gian tới”, ông Vĩnh nói.