Hà Tĩnh cần làm gì để phát triển bền vững?
Từ tỉnh nghèo gia nhập CLB nghìn tỷ nhờ... Formosa
Vào ngày 21-5-2008, Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh có đơn đề nghị Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và vào ngày 12-6-2008, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với thời hạn 70 năm cho công ty này.
Bắt đầu từ đây, xuất phát là một tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách và tốc độ phát triển kinh tế thấp, đến năm 2009, tỉnh Hà Tĩnh “bỗng nhiên” tăng tốc và gia nhập "Câu lạc bộ 1.000 tỷ" (tỉnh có thu ngân sách đạt hơn 1.000 tỷ đồng).
Huyện Kỳ Anh, nơi có khu kinh tế Vũng Áng nói riêng và cả tỉnh Hà Tĩnh nói chung bỗng “trở mình” nhộn nhịp. Mọi thứ thay đổi chóng mặt, đặc biệt là về bộ mặt, tình hình xã hội và vị thế trong nguồn thu ngân sách so với các địa phương khác.
Sự cố ô nhiễm biển miền Trung xuất phát từ Formosa khiến kinh tế Hà Tĩnh lao đao. (Ảnh minh họa) |
Trong suốt mấy năm liên tục, từ mảnh đất khô cằn, thời tiết khắc nghiệt “túi mưa chảo lửa”, nơi được mệnh danh là đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, Kỳ Anh bỗng trở thành một đại công trường với hàng chục vạn công nhân từ khắp nơi đổ về, xe tải hạng nặng chạy tấp nập để thi công dự án Formosa giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ USD.
Về thu ngân sách, Hà Tĩnh từ một tỉnh nghèo đã có bước phát triển nhảy vọt. Ông Đinh Viết Hậu, Cục trưởng Cục thuế Hà Tĩnh Đinh Viết Hậu vào năm 2015 từng cho biết: “Năm 1991, Hà Tĩnh tái lập tỉnh, thu Ngân sách chỉ vẻn vẹn 18 tỷ đồng. Miệt mài phấn đấu, đến năm 2009, Hà Tĩnh mới gia nhập CLB 1.000 tỷ đồng. Nhưng đến 2015 - năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Hà Tĩnh phấn đấu thu NS đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, tăng khoảng bốn lần so với đầu nhiệm kỳ năm 2010, đưa Hà Tĩnh từ địa phương thu tương đối thấp trở thành tỉnh có số thu NS khá, là một trong số 17 tỉnh, thành có số thu NS nội địa cao nhất nước. Tổng thu NS nội địa bốn năm (từ 2011-2014) trên địa bàn đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng, bằng 155% kế hoạch Bộ Tài chính giao, tăng 4,6 lần so với giai đoạn 2006-2010”.
Để có sự thay đổi đó, Khu kinh tế Vũng Áng với trọng tâm là Dự án gang thép (lớn nhất Đông Nam Á) và cảng nước sâu Sơn Dương do Tập đoàn Formosa (Đài Loan) đầu tư với số vốn giai đoạn 1 lên đến trên 10 tỷ USD là yếu tố quyết định để đưa ngân sách Hà Tĩnh tăng nhảy vọt như trên.
Kể từ khi Formosa vào đầu tư, những chỉ tiêu kinh tế của Hà Tĩnh tăng tốc, nguồn thu ngân sách cũng tăng “chóng mặt” khiến dự án này trở thành một “đầu tàu”, làm trọng tâm cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh, giúp kéo theo nhiều dự án vệ tinh xung quanh.
Nhìn vào kết quả đạt được và các kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh qua từng năm, Hà Tĩnh đang chủ yếu dựa vào Formosa để đề ra các chỉ tiêu phát triển của mình. Tuy nhiên, nhiều vấn đề và không ít sự cố khiến Hà Tĩnh nên nhìn lại chính mình để có hướng đầu tư phát triển bền vững.
Hàng loạt chỉ tiêu "vỡ mộng" cũng vì... Formosa?
Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 tại Kỳ họp thứ 3 HDND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII đã cho thấy bức tranh kinh tế “ảm đạm” của Hà Tĩnh trong năm 2016.
Theo đó, tốc độ phát triển kinh tế của Hà Tĩnh đã giảm sâu đến 17,06 % so với năm 2015. Đặc biệt, trong khu vực công nghiệp – xây dựng giảm 29,87 %, khu vực dịch vụ giảm 14,16%.
Nguồn thu ngân sách của Hà Tĩnh cũng rất thấp so với dự toán. Tính đến hết tháng 11 năm 2016, nguồn thu Hà Tĩnh đạt 4.517 tỷ đồng, bằng 83% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 60% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 79% so với cùng kỳ năm 2015.
Nếu loại trừ tiền sử dụng đất thì thu ngân sách nội địa của Hà Tĩnh chỉ đạt 3.720 tỷ đồng, bằng 78% dự toán Bộ Tài chính giao và bằng 55% dự toán HĐND tỉnh giao.
Thu ngân sách nội địa ước thực hiện cả năm 2016 đạt khoảng 5.450 tỷ đồng, bằng 101% dự toán trung ương giao, bằng 73% dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 78% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó thuế, phí và thu khác ngân sách đưa vào cân đối phấn đấu đạt 4.400 tỷ đồng, bằng 65% dự toán tỉnh giao và bằng 92% dự toán trung ương giao (hụt thu so với trung ương giao 365 tỷ đồng; hụt thu so với tỉnh giao 2.350 tỷ đồng).
Nhìn vào các con số có thể thấy được sự giảm sâu của kinh tế Hà Tĩnh trong năm 2016. Tuy nhiên, không chỉ năm nay mới thấy được sự biến động rõ rệt này.
Theo báo cáo của Cục Hải quan Hà Tĩnh, năm 2014, Cục Hải quan Hà Tĩnh bất ngờ có sự đột phá mạnh mẽ về thu ngân sách, với tổng thu ngân sách đạt 6.366,7 tỷ đồng, tăng 498% so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân là do Formosa tăng cường nhập khẩu máy móc thiết bị để hoàn thiện tổ hợp Formosa.
Nhưng bắt đầu đến năm 2015, việc thu ngân sách của Hải quan Hà Tĩnh đã không được thuận lợi như năm 2014.
Nguyên nhân, theo ông Lương Trường Thọ - Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, trước hết là do các mặt hàng nhập khẩu như máy móc thiết bị phục vụ dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Formosa giảm mạnh so cùng kỳ.
Trong báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh năm 2016 cũng đã chỉ ra rất chi tiết và đầy đủ các nguyên nhân dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế giảm sâu cũng như nguồn thu ngân sách rất thấp so với chỉ tiêu đề ra. Trong đó nổi lên rõ nhất là nguyên nhân từ sự cố môi trường biển và dự án Formosa đã bước vào giai đoạn hoàn thiện nên vốn đầu tư giảm.
Cụ thể, dự án Formosa đã bước sang giai đoạn hoàn thiện nên vốn đầu tư của dự án này giảm đến 68,5% so với năm 2015. Nhà máy thép Formosa chưa đi vào sản xuất như dự kiến, theo kế hoạch doanh nghiệp này sẽ sản xuất 1,8 triệu tấn thép vào năm 2016, nhưng kết thúc năm sản lượng thép chỉ đạt 0,2 triệu tấn và mới sản xuất thử từ phôi nhập khẩu.
Việc Formosa chưa đạt công suất sản xuất như thiết kế đã góp phần làm giảm 11.733 tỷ đồng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp, tương đương làm giảm 57,84 điểm phần trăm tăng trưởng của ngành công nghiệp và làm giảm 6,97 điểm phần trăm của tăng trưởng chung của kinh tế tỉnh.
“Tác động của sự cố môi trường và ảnh hưởng của mưa lũ trong tháng 10/2016 đã tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp, dịch vụ du lịch và một số lĩnh vực khác. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt mức tăng trưởng 4,89%, thấp hơn mức dự kiến kế hoạch là 7,73% và chỉ đóng 0,82 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung, trong đó riêng ngành thủy sản giảm 18,16%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm của trưởng chung. Các ngành thương mại và dịch vụ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 1,34% so với năm 2015 và chỉ đóng góp 0,41% điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, trong đó riêng tốc độ tăng trưởng của du lịch giảm 23,9% so với cùng kỳ”,
Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 tại Kỳ họp thứ 3 HDND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến chỉ số tăng sản xuất công nghiệp chỉ đạt thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra là 187%.
Đặc biệt, Formosa lại là “tác giả” của sự cố môi trường biển miền Trung. Sự cố này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị trên địa bàn, kéo theo tình trạng chậm nộp thuế nhà thầu, thuế doanh nghiệp ngoại tỉnh.
Như vậy, có thể thấy việc Formosa vào đầu tư đã tạo cho Hà Tĩnh nhiều điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, việc tỉnh này quá dựa vào Formosa để đề ra nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế quá cao khiến cho năm qua, tỉnh không đạt được kế hoạch đề ra. Nguồn thu của tỉnh tăng giảm không ổn định trong những năm gần đây, đặc biệt là mỗi lần Formosa tạm dừng xây dựng hay gặp sự cố, và hiện nay là đã hoàn thiện nhưng chưa đưa vào vận hành hết công suất.
Hà Tĩnh không thể mãi dựa vào chỉ mỗi Formosa để đề ra các chỉ tiêu kinh tế, tăng thu ngân sách và phát triển. Người dân Hà Tĩnh mong muốn tỉnh nhà phát triển một cách ổn định, chắc chắn, bền vững lâu dài, sức khỏe người dân, môi trường an toàn phải được đảm bảo. Hà Tĩnh cần tiếp tục kêu gọi đầu tư chứ không phải chỉ mỗi phụ thuộc vào Formosa, nhưng đồng thời Hà Tĩnh cũng phải có sự chọn lọc, lấy lợi ích của người dân làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình đầu tư phát triển.