Hà Nội xin đổi 6.000 ha đất làm metro: Cần đấu thầu dự án, đấu giá đất vàng!
Với phương án kiến nghị đổi 6.000 ha đất làm quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư và đấu giá quyền sử dụng đất đổi nguồn vốn thực hiện các dự án giao thông, trong đó có dự án đường sắt đô thị của Hà Nội khiến nhiều chuyên gia lên tiếng không đồng tình.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường với tổng chiều dài là 417,8 km và tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD.
Bên cạnh việc kiến nghị Thủ tướng ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA thực hiện các dự án có kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020, giai đoạn 2020 - 2025 và các năm tiếp theo UBND thành phố Hà Nội còn đề xuất chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng lựa chọn, báo cáo Thủ tướng quyết định chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP, cho đổi đất lấy hạ tầng.
Theo đó, Hà Nội kiến nghị bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 6.000 ha đất, với tổng giá trị sử dụng đất khoảng 300.000 tỷ đồng để làm quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư và đấu giá quyền sử dụng đất tại vốn thực hiện các dự án xây dựng công trình giao thông theo hình thức đối tác công tư PPP, trong đó có các dự án đường sắt đô thị.
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường với tổng chiều dài là 417,8 km và tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD. |
Trước kiến nghị trên, trao đổi với PV Báo điện tử Infonet, PGS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, nên thận trọng xem xét phương án đó, không nên bằng mọi giá dứt khoát phải đổi đất lấy hạ tầng.
PGS.TS Đặng Đình Đào dẫn chứng, những dự án đường BOT đã thực hiện mà huy động vốn tư nhân cho thấy, họ chỉ bỏ khoảng 10-15%, còn lại 70-80% đi vay ngân hàng và nhà nước đứng ra bảo lãnh. Hầu hết đường BOT làm đều chỉ đội giá, thậm chí lên gấp đôi, gấp ba lần. Nhà nước và người dân phải đứng ra gánh cả.
“Còn về đường sắt đô thị như dự án đường trên cao như Cát Linh – Hà Đông bị chậm tiến độ, chưa biết bao giờ xong, còn vốn bị đội giá lên hàng trăm triệu USD… đây là bài học đắt giá. Vậy, bao nhiêu đất cho đủ để làm số đường trên cao, trong khi suất đầu tư bị đẩy giá lên trong khi thực tế, đất vàng lại được định giá thấp?”, ông Đào nói.
Ông Đào cho rằng, Hà Nội nên huy động nguồn vốn rộng rãi hơn, nhất là từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài để tham gia vào các dự án đường sắt đô thị với quy mô hiện đại này.
Đồng thời, ông cũng tỏ ra băn khoăn khi có một số nhà đầu tư trong nước trong số đó có các doanh nghiệp bất động sản tham gia làm dự án, bởi theo ông Đào, các nhà đầu tư trong nước chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Thực lực về tài chính, công nghệ có đủ sức làm những công trình có tính thế kỷ như đường sắt đô thị không?
“Nếu đổi đất lấy hạ tầng nhưng các nhà đầu tư trong nước làm như thời gian qua, nhất là các dự án BOT là tôi không đồng tình, bao nhiêu đoạn đường BOT đưa vào vận hành, khai thác một thời mùa đã hỏng, chất lượng không đảm bảo”, ông Đào nhấn mạnh.
Không ủng hộ cách làm đổi đất lấy hạ tầng , TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, huy động nguồn vốn tài chính từ đất là đúng, có thể bán đấu giá đất nhưng chỉ phần nào, còn chủ yếu là phải do phát triển, nâng cao giá trị đất trước khi bán chứ bán đất thô thì không được bao nhiêu.
Song, ông Liêm cũng băn khoăn không biết Hà Nội lấy đâu ra 6.000 ha đất? Bởi không phải đất nào người ta cũng đổi, mà phải là đất “bờ xôi ruộng mật”, đất trong đô thị ở vị trí đẹp.
“Dự án đường sắt là phải đấu thầu, ai nhận giá thầu hợp lý nhất thì thuê làm; còn đất phải mang đấu giá, ai trả giá cao nhất thì bán để lấy tiền trả cho người làm dự án. Còn đổi đất lấy hạ tầng thì biết giá là bao nhiêu. Giá tính toán cứ dùng giá dự toán, lúc trả giá đấu thầu có khi dưới giá dự toán 10% chứ không ít”, ông Liêm nói.